Trên các diễn đàn, hội nhóm của tân sinh viên trên internet, nhiều bạn trẻ chia sẻ về những nỗi niềm đầu đời sau khoảng 1 tháng đi học xa nhà… Có sinh viên chi tiêu khá cao, nhưng cũng có sinh viên chi tiêu quá thấp.
Sau 1 tháng đầu tiên trở thành tân sinh viên, Phùng Đỗ Minh Thư, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã tiêu hết hơn 9 triệu đồng dù chưa kể tiền học phí. “Mình ở một mình, tổng chi phí thuê trọ là 7 triệu đồng/tháng. Tiền ăn thì tùy ngày, nhưng trung bình khoảng 50.000 đồng/ngày. Đó là nhờ có đồ ăn mẹ gửi từ quê vào, mình chỉ mua thêm một ít. Các khoản chi phí phát sinh khác thì khoảng 500.000 đồng, thêm tiền xăng xe đi lại nữa là 1 tháng qua mình tiêu hết hơn 9 triệu đồng”, Thư kể.
Thư cho biết thời gian đầu nhập học vì không tìm được phòng trọ nào khác ưng ý nên "bấm bụng" chấp nhận thuê phòng giá cao rồi tìm người ở ghép sau. "Mình không ngờ tìm người ở ghép phòng trọ lại khó như vậy. Vì đã lỡ ký hợp đồng 1 năm rồi nên bây giờ mình không thể chuyển sang phòng trọ khác được. Vì vậy, dù tiền thuê phòng cao nhưng buộc phải chịu”, Thư cho hay.
Còn Phan Nguyễn Bảo Ngọc, tân sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, thì cho biết mức chi tiêu cho tháng đầu tiên của cô nàng khi ở thành phố là khoảng 7 triệu đồng. "Tiền trọ và điện nước là gần 2,9 triệu đồng; đồ ăn thì mẹ gửi từ quê vào, mình cũng có mua thêm và cộng với tiền ăn sáng là 3 triệu đồng. Tiền xăng tháng này chỉ có 100.000 đồng; chi phí mua sách, đóng bảo hiểm y tế, quần áo thể dục và quỹ lớp khoảng 1,5 triệu đồng. Mình hy vọng kể từ tháng này khi đã ổn định rồi thì chi phí sẽ giảm", Ngọc cho biết.
Chi tiêu hết khoảng 8,5 triệu đồng trong tháng đầu tiên, Võ Tấn Huy, tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Chi phí tại thành phố đắt đỏ hơn ở quê. Hơn nữa, tháng đầu tiên cần phải sắm nhiều đồ dùng cần thiết nên mình đã tiêu hết khoảng 8,5 triệu đồng”.
Bên cạnh mức sống đắt đỏ, điều Huy sốc nhất ở TP.HCM đó là vấn đề kẹt xe. “Từ chỗ trọ của mình đến trường chỉ 3 km, lúc đầu cứ tưởng như ở quê thì đi khoảng hơn 10 phút thôi. Thế nhưng, không ngờ ở đây kẹt xe kinh khủng, đi hơn 30 phút mới đến nơi, ngày đầu tiên suýt nữa thì mình trễ học”, Huy kể lại.
Tương tự, Nguyễn Thị Hồng Diệp, tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cũng choáng ngợp vì mật độ giao thông đông đúc ở thành phố. Vì mới đến TP.HCM chưa có bạn bè và muốn tiết kiệm chi phí nên cô nàng chọn ở gần nhà người quen tại TP.Thủ Đức. Vì vậy, mỗi ngày Diệp phải đi học bằng xe buýt với quãng đường rất xa.
“Hiện tại, mình đang đi học tại 2 cơ sở, mỗi nơi cách chỗ ở lần lượt là 23 km và 18.5 km. Mỗi ngày, mình dành 2 tiếng đồng hồ và đi 2 tuyến xe buýt mới đến được trường. Những giờ cao điểm kẹt xe thì đi lâu hơn và rất mệt mỏi vì mình bị say xe ói lên ói xuống”, Diệp chia sẻ.
Đã trải nghiệm cuộc sống tân sinh viên được hơn 2 tháng, Phạm Diễm Quỳnh, sinh viên Trường CĐ Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết chi phí sinh hoạt mỗi tháng rơi vào khoảng 4 - 5 triệu đồng. "Mình chi tiêu cũng khá tiết kiệm, nhưng những tháng đầu tiên do đi chơi nhiều để khám phá môi trường mới nên chi phí mới hơi cao", Quỳnh nói.
Cô nàng cho biết dù đã mường tượng trước mức sống và nhịp sống ở thành phố, nhưng thực tế xô bồ hơn nhiều. "Mình bị choáng ngợp bởi tình trạng kẹt xe giờ cao điểm. Vì ở trọ cách trường 15 km nên đi học giờ cao điểm là mệt lả người", Quỳnh tâm sự.
Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, giao thông đông đúc khiến nhiều sinh viên năm nhất vỡ mộng khi cuộc sống ở đại học khác xa so với tưởng tượng. “Điều khiến mình sốc nhất khi đến thành phố là không gian sống vô cùng chật hẹp, người ta có thể tận dụng từng mét vuông để làm thành phòng trọ. Kế đến, là đồ ăn thức uống, nhất là rau sạch mình thấy vô cùng xa xỉ với sinh viên vì giá rất đắt. Cuối cùng, là nhịp sống ở đây khá nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm khiến mình khá bất ngờ. Cách học ở đại học cũng khác xa so với thời phổ thông nên mình hơi bỡ ngỡ”, Lê Tuấn Truyền, tân sinh viên Học viện Hành chính quốc gia (Hà Nội) chia sẻ.
Chi phí sinh hoạt một tháng của Truyền ở Hà Nội khoảng 5 triệu đồng. Truyền cho biết dù đã tiết kiệm hết mức nhưng số tiền đó vẫn còn khá cao. “Mình còn bị sốc bởi chi phí điện nước. Tụi mình ở 4 người chung 1 phòng trọ và tiền điện nước trong tháng qua là hơn 1,2 triệu đồng. Chi phí điện nước như vậy là khá cao vì tụi mình sử dụng rất tiết kiệm, cả ngày đi học, chỉ ở trong phòng buổi trưa và tối”, Truyền chia sẻ.
Truyền cho biết mặc dù có nhiều cú sốc cũng như những bỡ ngỡ nhất định nhưng dần dần sẽ quen và thích nghi được với môi trường đại học. Và Truyền cũng như nhiều sinh viên năm nhất khác đều hy vọng mình sẽ có những năm tháng đại học với những kỷ niệm thật đẹp.
Bình luận (0)