Bất ngờ với muôn cách bày tỏ tình cảm của Gen Z

20/08/2022 10:00 GMT+7

Không ít bạn trẻ Gen Z đã sáng tạo các cách khác nhau để bày tỏ tình cảm trực tuyến với người yêu hoặc người mình thích.

Bày tỏ tình cảm bằng bài luận tiếng Anh

Khác với thế hệ trước, Gen Z (thế hệ gồm những người sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010) có nhiều cách thú vị để bày tỏ tình cảm với “người ấy” như: viết bài luận tiếng Anh gửi người yêu, trò chuyện qua email, chia sẻ âm nhạc cho đối phương hay sáng tác thơ ca để “thay lời muốn nói”...

Trong số đó có Nguyễn Duy Tân, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đã thực hiện bài luận tiếng Anh dài 2 trang A4 và gửi email cho bạn gái là Nguyễn Thị Thùy Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), nhân dịp kỷ niệm ngày quen nhau.

Ý tưởng này được Duy Tân lấy cảm hứng từ một video trên mạng xã hội và anh mong rằng bài luận sẽ mang đến niềm vui bất ngờ, cổ vũ tinh thần bạn gái trong thời gian cô phải chịu áp lực học hành, công việc.

“Tôi cố gắng khai thác nội dung theo dạng bài luận thuyết phục (tiếng Anh là persuasive essay) và trau chuốt từ ngữ tỉ mỉ nhất có thể. Mục đích của bài viết là thể hiện tình cảm dành cho đối phương nên tôi đã kể ra nhiều kỷ niệm đẹp; mặt tốt trong tính cách, ngoại hình; năng lực của bạn gái; đồng thời cho thấy sức ảnh hưởng của cô ấy đối với mình tuyệt vời như thế nào”, Duy Tân bày tỏ.

Bài luận tiếng Anh nhân ngày kỷ niệm của cặp đôi Duy Tân và Thùy Linh

NVCC

Vốn là người thích những điều tinh tế, Thùy Linh rất xúc động khi nhận được món quà đặc biệt này. “Cảm xúc khi ấy của tôi là bất ngờ và hạnh phúc. Tôi rất thích những món quà xuất phát từ tấm lòng nên việc nhận được bài văn dài như vậy khiến tôi thực sự xúc động. Dù vậy, tôi vẫn trêu ghẹo bạn trai bằng cách ‘bắt lỗi’ canh lề và lập luận chưa rõ ràng”, Thùy Linh nhớ lại.

Thường ngày, Linh và bạn trai có chung sở thích giao tiếp với nhau bằng ngoại ngữ bởi điều này giúp cả hai dễ dàng bày tỏ cảm xúc. Duy Tân cho hay đây cũng là lý do khiến mình chọn ngôn ngữ tiếng Anh cho “bài luận tình yêu”.

Cặp đôi Thùy Linh và Duy Tân

NVCC

Bài luận trên không phải lần đầu tiên Duy Tân bày tỏ tình cảm với bạn gái qua email. “Những lúc bạn gái giận, tôi thường viết email nhắc nhở người yêu ăn uống đầy đủ, hoàn thành bài tập và công việc cũng như không quên nói lời yêu thương để ‘xoa dịu’ bạn gái”, Tân chia sẻ.

Khi email trở thành “công cụ tình yêu”

Tương tự, email cũng là nơi bắt đầu cuộc trò chuyện giữa Nguyễn Lê Như Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và Trần Minh Trí (27 tuổi) là lập trình viên tại TP.HCM. Tính đến hiện tại, cặp đôi đã bên nhau được 2 năm.

Như Quỳnh chia sẻ: "Ban đầu mình chỉ trao đổi qua email với Minh Trí để nhờ tư vấn, cho lời khuyên vì thời điểm đó, Như Quỳnh đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, phải mất một thời gian khá dài, Như Quỳnh mới chấp nhận lời yêu của Minh Trí".

Cặp đôi Như Quỳnh và Minh Trí

NVCC

Trong thời gian bên nhau, Minh Trí luôn dành nhiều tình cảm cũng như tìm cách thể hiện điều ấy cho Như Quỳnh. Sự lãng mạn đó thể hiện qua việc gạt đồ để chân xe máy trước khi Quỳnh lên xe, mở cửa tại các địa điểm công cộng cho Quỳnh hay đi phía sau mỗi khi cô lên cầu thang và đi trước mỗi khi cô xuống cầu thang vì sợ bạn gái ngã.

“Anh Trí thường tạo bất ngờ cho tôi bằng những bó hoa. Tôi không phải kiểu người thích được tặng hoa vì nghĩ đây là việc làm tốn kém, nhưng từ khi được nhận bó hoa đầu tiên từ người yêu thì tôi đã thay đổi suy nghĩ. Hoặc đôi khi sự lãng mạn đó chỉ đơn giản là anh ấy không ngại đường xa từ H.Bình Chánh đến TP.Thủ Đức để đưa tôi đi học mỗi ngày”, Như Quỳnh "bật mí" về những điều người yêu làm khiến cô vui.

Âm nhạc, thơ ca... “thay lời muốn nói”

Muốn tạo điểm nhấn cho cuộc hẹn, P.T.L., sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chọn cách chia sẻ bài hát cho người mình thích như một cách bày tỏ tình cảm.

“Vì muốn anh ấy đi cùng nhưng sợ ‘mất giá’ nên tôi gửi bài hát có tựa ‘ẩn ý’ để nói hộ lòng mình. Cách này cũng hên xui lắm vì có nhiều người chẳng để ý đến thông điệp trong bài hát. Rất may là anh ấy hiểu được và chúng tôi bắt đầu tìm hiểu nhau”, T.L chia sẻ.

T.L còn làm video để lưu lại kỷ niệm của cả hai. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, T.L cảm thấy đây là cách bày tỏ tình cảm sáng tạo và thú vị.

P.T.L dùng âm nhạc để “thay lời muốn nói”

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Không chọn cách thẳng thắn tỏ tình với đối phương, V.N.M., sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Khi có tình cảm với một người, tôi thường chọn cách thể hiện gián tiếp, thông qua những vần thơ do chính mình sáng tác. Điều này xuất phát từ sở thích cá nhân, đồng thời có rất nhiều lý do để tôi không thổ lộ trực tiếp với người mình thích, chẳng hạn như sợ bị từ chối, đã từng tổn thương trong quá khứ hoặc chưa tự tin về bản thân”.

N.M cho hay việc giãi bày cảm xúc qua những vần thơ đơn thuần giúp cô nhẹ nhõm hơn, chứ không có ý định thể hiện tình cảm cho đối phương biết vào thời điểm đó.

V.N.M chọn cách thổ lộ tình cảm bằng thơ

NVCC

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định về xu hướng giao tiếp qua mạng của giới trẻ nói chung: “Thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển ‘thần tốc’ mang đến cho người dùng những tiện lợi nhất định. Trong đó, các kênh giao tiếp trực tuyến xuất hiện và ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn sử dụng. Hiện trạng này mang tính tất yếu của thời đại 4.0. Các bạn Gen Z với sự năng động của lứa tuổi, tiếp cận sớm với công nghệ số và bắt nhịp nhanh chóng xu hướng của thời đại nên nhu cầu kết nối trực tuyến ít nhiều sẽ chuyển từ thứ yếu thành chính yếu”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.