Tối 13.12, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Công ty TNHH TCPVN phối hợp tổ chức chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Lam, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam.
Về phía T.Ư Đoàn, có anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Mỗi đại biểu là một câu chuyện đẹp
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam luôn xác định việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên khuyết tật là nội dung trọng tâm trong công tác Hội và phong trào thanh niên.
Anh Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại chương trình |
bảo anh |
Trong thời gian vừa qua, các cấp bộ Hội đã triển khai nhiều nội dung, giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng thanh niên khuyết tật, chú trọng đến việc phát hiện các tấm gương điển hình, các mô hình tiêu biểu trong thanh niên khuyết tật để lan toả và nhân rộng.
Trong đó, chương trình “Toả sáng nghị lực Việt” được tổ chức từ năm 2014 có ý nghĩa nhân văn sâu sắc để tôn vinh những bạn trẻ khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Anh Lương cho biết, với thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực”, chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 tôn vinh 50 thanh niên khuyết tật đến từ 34 tỉnh, thành đại diện cho hàng triệu thanh niên khuyết tật đang lao động, học tập, công tác ở các lĩnh vực khác nhau trên khắp cả nước.
Anh Bùi Quang Huy trao bằng khen cho gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương |
bảo anh |
“Tôi rất cảm động khi biết rằng, trong số các gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương lần này, có đại biểu bị tật nguyền bẩm sinh nhưng đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để theo đuổi môn cử tạ, kiên trì khổ luyện và trở thành vận động viên cử tạ lập nhiều thành tích xuất sắc trong nước và quốc tế; có đại biểu khuyết tật không chỉ khát khao khởi nghiệp, làm giàu cho chính mình mà còn thành lập và phát triển doanh nghiệp để hỗ trợ việc làm cho hàng trăm thanh niên khuyết tật đồng cảnh ngộ…”, anh Lương nói.
Anh Lương cũng cho biết, trong đại dịch Covid-19, những người bình thường đã gặp muôn vàn khó khăn, với người khuyết tật thì khó khăn càng tăng lên gấp bội. Nhưng thật tự hào khi trong khó khăn lại ngời sáng lên những tấm gương thanh niên, sinh viên khuyết tật đầy lòng nhân ái. Họ sẵn sàng viết đơn, xung kích tình nguyện tham gia các đội hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.
Anh Nguyễn Ngọc Lương trao bằng khen và trò chuyện với gương thanh niên khuyết tật |
bảo anh |
“Có mặt trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, từ học tập, văn hoá, thể thao, lao động sản xuất, khởi nghiệp, khoa học kỹ thuật, tình nguyện vì cộng đồng… mỗi đại biểu là một câu chuyện đẹp “tàn nhưng không phế”, một tấm gương điển hình về nghị lực sống và khát vọng được cống hiến, mang đến những điều tốt đẹp không chỉ cho riêng mình, cho gia đình mình, mà còn cho cộng đồng và xã hội”, anh Lương nhấn mạnh.
Thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các cơ quan phối hợp tổ chức chương trình, anh Lương bày tỏ sự cảm phục về tinh thần, ý chí vươn lên của các đại biểu thanh niên khuyết tật tiêu biểu. Anh Lương cũng gửi lời tri ân sâu sắc đến những đóng góp tích cực của các bạn cho cộng đồng và xã hội.
Những thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình đều là những người có nghị lực phi thường trong cuộc sống |
bảo anh |
“Các bạn chính là những tấm gương “toả sáng nghị lực Việt”, là nguồn cảm hứng, là động lực tiếp sức cho các bạn thanh niên khuyết tật khác thêm tin yêu và lạc quan trong cuộc sống, thêm vững bước trên con đường đi đến bình đẳng và hòa nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo ra các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội. Các bạn cũng chính là tấm gương về ý chí, khát vọng, nghị lực vươn lên cho các bạn thanh niên Việt Nam hôm nay”, anh Lương đánh giá.
Đừng bao giờ bỏ cuộc
Chương trình tuyên dương đã có những bất ngờ xúc động khi xuất hiện trên sân khấu là MC khiếm thị Nguyễn Hương Giang, Á hậu cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết năm 2019. Hương Giang là một trong những người khuyết tật từng được tuyên dương của chương trình. Dù khiếm thị, Hương Giang vẫn nỗ lực vươn lên, tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và trở thành MC khiếm thị đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam.
MC khiếm thị Nguyễn Hương Giang là người dẫn chương trình |
bảo anh |
Các đại biểu cũng được nghe những chia sẻ xúc động của những thanh niên khuyết tật phi thường, đã vươn lên số phận, có nhiều đóng góp cho cộng đồng như vận động viên Đoàn Ngọc Bảo, người mất một chân, đã đạt nhiều thành tích trong thể thao; anh Lê Văn Công, vận động viên cử tạ đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam. Anh Công đã đạt nhiều huy chương tại các kỳ đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, khu vực Đông Nam Á, châu Á, đặc biệt đã đoạt huy chương vàng ở Thế vận hội dành cho người khuyết tật tại Rio de Janeiro (Brazil), huy chương bạc ở Thế vận hội dành cho người khuyết tật tại Tokyo (Nhật Bản).
Anh Lê Văn Công (áo đỏ) và anh Đoàn Ngọc Bảo (áo trắng) tham gia buổi giao lưu |
bảo anh |
Anh Lê Văn Công cho biết, đây là lần đầu tiên lên sân khấu, không phải là sân khấu thi đấu, mà sân khấu tuyên dương, nên cảm giác mới lạ. Anh Công chia sẻ, trong mỗi lần thi đấu, đã cố gắng hết sức mình bằng cách xịt thuốc tê vào cơ thể để mất cảm giác đau đớn. Sau thi đấu thì chân tay bị liệt mấy ngày, không cử động được.
Anh Đoàn Ngọc Bảo cũng chia sẻ về hành trình trở thành vận động viên trượt patin đã phải trải qua những lần ngã lên, ngã xuống, bầm dập cơ thể… Để nhắn gửi tới các bạn trẻ về thành công của mình, anh Bảo nói: “Các bạn dừng bao giờ bỏ cuộc thì vinh quang sẽ đến với các bạn”.
Ban tổ chức cho biết, năm nay đã nhận được 75 hồ sơ các gương khuyết tật, hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn được 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu thuộc 34 tỉnh, thành tham gia chương trình.
Các đại biểu được lựa chọn tham gia chương trình hiện sinh sống, học tập, lao động, công tác tại tất cả các địa bàn trong cả nước từ nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa đến khu vực đô thị; thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Trong đó, có 6 đại biểu là người dân tộc thiểu số Tày, Mường, Mông, Ê đê.
Nhiều đại biểu đạt được thành tích cao trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thanh thiếu nhi, tích cực tham gia công tác xã hội, là tấm gương sáng trong cộng đồng.
Bình luận (0)