Mới đây, Sacombank đã tăng lãi suất huy động tiết kiệm tại quầy từ 0,4 - 0,5%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,1%/năm, 2 tháng 4,3%, 3 tháng 4,4%, 6 tháng 5,8%, 12 tháng 6,5%… Đối với khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, nhà băng này trả lãi cao hơn 0,3 - 0,4%/năm tùy theo kỳ hạn; lãi suất cao nhất là 7,4%/năm ở kỳ hạn 24 tháng.
Đối với tiết kiệm online, Vietcombank cũng đã tăng lãi suất huy động tiền đồng 0,4 - 0,5%/năm tùy từng kỳ hạn. Kỳ hạn 1 tháng có lãi 4,6%/năm, 3 tháng 4,9%, 6 tháng lên 5,5%, 12 tháng 6,9%. Nhà băng này đã tăng lãi suất huy động lên cao gần bằng thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Ngân hàng Bản Việt với lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi 8,4%/năm ở kỳ hạn 18 tháng.
Mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng đang dần đẩy lên cao. Chẳng hạn cùng kỳ hạn gửi 6 tháng, các ngân hàng quy mô lớn có mức lãi suất thấp hơn các nhà băng khác khoảng 1,5 - 2%/năm. Điều này dẫn tới tình trạng một số khách hàng đã dịch chuyển tiền gửi tiết kiệm sang ngân hàng khác để hưởng lãi cao hơn. Chị Nguyễn Hà (Q1, TP.HCM) cho biết mấy năm nay không để ý nhiều đến lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng vì thấy không chênh lệch nhiều giữa các ngân hàng. Cách đây 2 ngày, sổ tiết kiệm 5 tỉ đồng đến hạn, chị Hà nhìn lại lãi suất gửi 12 tháng chỉ ở mức 5,6%/năm nên quyết định rút chuyển sang ngân hàng khác, gửi kỳ hạn ngắn hơn, 6 tháng với lãi 7,2%/năm. Sau khi chuyển ngân hàng gửi tiết kiệm, số tiền lãi mà chị Hà nhận được hàng tháng tăng thêm 7 triệu đồng, lên 30 triệu đồng.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng “nóng” lên từng ngày. Ngày 4.10, lãi suất tiếp tục tăng từ 0,95 - 2,58% so với ngày trước đó. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên 7,74%/năm, 1 tuần lên 7,76%, 2 tuần lên 7,62%, 1 tháng lên 7,3%, 2 tháng lên 7,4%, 3 tháng lên 7,48%, 6 tháng lên 7,48%… Mức lãi suất này là cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây trên thị trường liên ngân hàng.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20.9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%). Như vậy, tăng trưởng tín dụng gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%).
Bình luận (0)