Bắt nguyên Giám đốc Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM

10/10/2019 05:02 GMT+7

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM, đã có sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước liên quan đến dự án nhà đất số 8 - 12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM).

Bắt Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm
Chiều 9.10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với bà Nguyễn Thị Thu Thủy (61 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM) và bà Lê Thị Thanh Thúy (40 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và Công ty cổ phần đầu tư Lavenue) cùng tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo C01, việc khởi tố 2 bị can nêu trên nằm trong quá trình điều tra mở rộng vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP.HCM, do có liên quan đến dự án tại khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn (P.Bến Nghé, Q.1).
Liên quan đến vụ việc, trước đó C01 đã khởi tố 4 bị can, gồm: nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài; nguyên Bí thư Quận ủy Q.2 Nguyễn Hoài Nam; nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Đào Anh Kiệt; nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất Sở TN-MT TP.HCM Trương Văn Út, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bắt nguyên Giám đốc Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM

Bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (trái) và Lê Thị Thanh Thúy

Ảnh: Bộ Công an cung cấp

“Đất vàng” rơi vào tay tư nhân

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn rộng hơn 4.896 m2, có lợi thế đặc biệt về thương mại; sau khi được xác lập quyền sở hữu nhà nước năm 1994, UBND TP.HCM giao cho Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý, đơn vị này cho 4 đơn vị thuộc Bộ Công thương thuê làm trụ sở. Từ năm 2007, UBND TP có chủ trương thu hồi để thực hiện dự án khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại và căn hộ cho thuê có tổng mức đầu tư khoảng 2.700 tỉ đồng.
Sau đó, UBND TP giao chỉ định các cổ đông nhà nước được quyền thực hiện dự án, cụ thể là Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM giữ tỷ lệ vốn góp 50% (tương ứng khoảng 1.300 tỉ đồng); 4 đơn vị được thuê đất trước đó, thuộc Bộ Công thương: Công ty CP hóa chất vật liệu điện TP.HCM, Công ty CP kim khí TP.HCM, Công ty CP thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty CP vận tải xăng dầu Vitaco (gọi tắt là 4 công ty thuộc Bộ Công thương) góp 50% vốn còn lại (mỗi công ty góp 12,5%). Từ năm 2010, các doanh nghiệp nêu trên đã thành lập pháp nhân là Công ty CP đầu tư Lavenue (Lavenue) để xây dựng quản lý dự án.
Đến nay, khu đất đang được Lavenue sở hữu. Tuy nhiên, phần “hồn” và “xác” đã có hàng loạt sự thay đổi sau khi các cổ đông vốn là doanh nghiệp nhà nước đã chuyển nhượng cổ phần sang cho các cổ đông tư nhân. Theo đó, các cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần thực tế đã góp như sau: Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM tỷ lệ 20% (tương đương 155 tỉ đồng vốn góp), Công ty TNHH đầu tư Kido tỷ lệ 50% (tương đương hơn 387 tỉ đồng), Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tỷ lệ 30% (tương đương 232 tỉ đồng).
Tài liệu Thanh Niên thu thập cho thấy có nhiều điểm bất thường trong việc chuyển nhượng cổ phần tại dự án. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm đăng ký thành lập vào ngày 6.4.2010 do bà Lê Thị Thanh Thúy đứng tên chủ sở hữu và làm giám đốc; đến ngày 6.8.2010 (4 tháng sau thành lập), công ty này đề nghị hợp tác đầu tư thực hiện dự án. 5 ngày sau đó, Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM có văn bản đề nghị UBND TP.HCM, và 6 ngày sau Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được chấp thuận hợp tác đầu tư với tỷ lệ 30% vốn góp, trong tổng 50% vốn góp mà Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM sở hữu. Từ khi thành lập đến thời điểm mua cổ phần nêu trên, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm chưa tham gia thực hiện bất cứ dự án nào, cũng không có cơ quan nào thẩm định và kết luận công ty này có năng lực về tài chính.
Cũng vào năm 2010, 4 công ty thuộc Bộ Công thương ký thỏa thuận, chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho Công ty TNHH đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH đầu tư Kido). 4 công ty thuộc Bộ Công thương thu lợi mỗi công ty 50 tỉ đồng, đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 12,5 tỉ đồng/công ty, số tiền còn lại được dùng vào việc thuê, mua trụ sở làm việc, trích lập các quỹ và chi trả cổ tức cho cổ đông.
Liên quan dự án này, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra TP.HCM từng vào cuộc và chỉ rõ việc giao đất cho các doanh nghiệp thực hiện dự án không qua đấu thầu là trái quy định, mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước sau đó chuyển nhượng quyền đầu tư dự án trái quy định pháp luật. Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị thu hồi, thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định (ước sẽ thu về ngân sách hơn 2.000 tỉ đồng, chỉ tạm tính giá khoảng hơn 400 triệu đồng/m2).
Cuối năm 2018, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 5671/QĐ-UBND về thu hồi khu “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, UBND TP tiếp tục ban hành quyết định thu hồi lại quyết định nêu trên bởi lý do: “Căn cứ theo đề nghị của Cơ quan CSĐT, Bộ Công an”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.