Bất ổn khi cái gì cũng cúng

03/03/2018 06:49 GMT+7

Việc người dân nghe chuyện thánh thần nào cũng tin, bạ đâu cũng cúng, là một biểu hiện không ổn về văn hóa.

Lập bàn thờ cúng... cá chép, cầu khẩn rắn
Sáng 16.2 (mồng 1 tết), một người dân địa phương đang đi trên đường thì phát hiện một cá chép khá to dưới mương dẫn nước ở xóm Hòa Thành, xã Hiến Sơn, H.Đô Lương, Nghệ An. Người này sau đó gọi thêm mấy người cùng xóm mang kích điện ra để bắt cá nhưng không bắt được và bỏ cuộc. Sau đó, con cá không bơi đi, vẫn quẩn quanh ở đoạn mương này, thỉnh thoảng nổi lên rồi lặn xuống, khiến nhiều người đồn thổi cho rằng đây là “cá thần” và nhiều người hiếu kỳ kéo đến xem, bàn tán. Hôm sau, một số người còn lập bàn thờ ngay bên bờ mương, mang hương, hoa đến thắp, khấn “cá thần” để cầu may.
Người dân cúng rắn “thần” tại xã Quảng Văn, H.Quảng Trạch, Quảng Bình ẢNH: T.Q.N

Xác định đây chỉ là con cá thông thường, ngày 21.2, ông Nguyễn Bá Dược, một người dân ở xã Hiến Sơn, được sự đồng ý của chính quyền xã, đã quyết định dùng chài vây bắt “cá thần”. Đó là một cá chép bình thường, nặng 3,2 kg và có dấu hiệu bị bệnh. Theo ông Dược, nguyên nhân khiến con cá này nổi lên rồi lặn xuống trong mấy ngày qua có thể do bị người dân dùng kích điện bắt trước đó làm nó bị thương. Nhiều người dân hiếu kỳ hay tin ông Dược bắt được “cá thần” đã kéo đến xem và tận tay sờ vào con cá. Ít giờ sau khi bị vớt lên, con cá này yếu dần rồi chết, ông Dược mang vứt đi, câu chuyện đồn thổi “cá thần” mới chấm dứt.
Từ ngày 24.2 (mồng 9 tết) tại xã Quảng Văn, TX.Ba Đồn, Quảng Bình rộ lên thông tin xuất hiện một con rắn tại mộ vô danh nằm ven đường vào xã; sau đó xuất hiện thêm một con nữa. Nhiều người địa phương và ở nơi khác đã đến xem rồi cầu khấn, sờ lên con rắn vì cho rằng đó là rắn “thần” linh thiêng.
Tối qua 2.3, ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn (TX.Ba Đồn, Quảng Bình), cho biết số lượng người tập trung tại ngôi mộ vẫn rất đông và họ thức suốt đêm nên lực lượng chức năng được triển khai để duy trì an ninh trật tự. Trước đó, tối 1.3, lực lượng UBND xã tổ chức tháo bóng đèn điện, tháo dỡ rạp che trên ngôi mộ nhưng bất thành vì bị số đông người dân ngăn cản. Trên khu mộ có điện thắp sáng được câu nối từ hồ nuôi tôm, UBND xã tiến hành cúp điện 2 lần và cũng bị người dân phản đối dữ dội nên phải mở lên lại. Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin, tình hình tại đây càng trở nên phức tạp khi có hiện tượng nhập “đồng”, người nhập là bà N.T.P (50 tuổi, người địa phương) khiến nhiều người càng tin.
Theo ông Trần Văn Trọng, nhiều người cũng dâng cúng tiền, tổng cộng đến ngày 1.3 có đến khoảng 200 triệu đồng tại mộ.
Linh thiêng phải có lớp văn hóa
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, nhận xét: “Những việc vừa qua là tâm linh nhưng là tâm linh đẩy lên quá mức. Kiểu như người ta nhẹ dạ cả tin quá”.
GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Hà Nội, phân tích việc hình thành một vị thần, một niềm tin không thể sống sượng và quá dễ dàng. “Các cụ cũng có thờ thần rắn. Nhưng trước đó phải có những câu chuyện chứng tỏ nó linh thiêng chứ không phải thấy lạ là thờ luôn. Tức là phải có giai đoạn lịch sử hóa. Chẳng hạn, ta có thờ ông Cộc ông Dài đấy, và nó đã trở thành biểu tượng chứ không chỉ còn là rắn. Mọi thứ linh thiêng như thế có lớp văn hóa chứ không sống sượng như thế này”, ông Lý nói.
Tình trạng mê tín cũng tràn ngập “thế giới ảo” thông qua các trang về tử vi tướng số, xem bói trên mạng như: web hocvienly..., tuvi..., tuvily..., tuvitinh..., xem bói qua..., chỉ tay xem bói online... Về điều này, TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), cho rằng đó chỉ là một dạng trải nghiệm trò chơi. Tuy nhiên, nó cũng được đồn thổi lên do hiếu kỳ và một chút thiếu hiểu biết. “Tôi không nghĩ các bạn trẻ tin đâu”, bà Lý nói.
Cũng theo bà, không có chuyện truyền thống gì ở những sự thái quá như đổ xô xin ấn đền Trần vì muốn thăng quan; xát tiền vào rắn xin lộc, mải mê xem bói các loại cả. “Cái đó không phải truyền thống. Cái đó là câu chuyện không hiểu gì về tự nhiên rồi đâm ra mê muội thôi. Ấn đền Trần thăng quan, thì đó là sự lây lan”, bà nói và nhận xét việc xử lý cán bộ “quá đà” trong việc mê tín, hoặc nghiêm trị cán bộ sai phạm cũng rất cần thiết.
Về phía quản lý văn hóa, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), nói về hiện tượng thờ cúng bất cứ sự lạ gì hiện nay: “Phải ngay lập tức tiếp xúc với người dân, tiếp xúc với nhà nghiên cứu để có bằng chứng về việc không phải có gì huyền bí ở đó. Khi có lập luận cụ thể, người dân mới đồng thuận để không tin bừa bãi. Chính quyền phải dùng biện pháp tuyên truyền, phân tích, đối thoại...”. Về hiện tượng xem bói gia tăng trên mạng, bà Hương cho rằng cũng cần xem đó là cuồng tín hay chỉ là giải trí.
Thế hệ đi trước phải làm gương
Bên cạnh đó, GS Lê Hồng Lý cho biết văn hóa là sự trao truyền. Chính vì thế, gia đình có lớp trước mê tín thì khả năng thế hệ sau cũng sẽ có “nguy cơ” mê tín cao. GS Nguyễn Chí Bền cũng cho rằng nhiều khi nếp nghĩ mê tín từ những người lớn thành đạt, hoặc người có vị trí trong gia đình cũng sẽ ảnh hưởng tới người trẻ. Khi người trẻ thấy người đi trước thành công, thành đạt, họ có xu hướng đi theo.
Người dân cúng bái cá “thần” ở Nghệ An ẢNH: K.HOAN

“Việc người trẻ đi theo mê tín dị đoan của người đi trước là có. Và nó cũng khó giải quyết. Tín ngưỡng rất khó lý giải vì có cái hiện hình, có cái không hiện hình. Người ta cứ nói được như vậy là phúc ấm tổ tiên, nhưng phúc ấm đó có hiện hình đâu. Nên quản lý tín ngưỡng bằng tư duy duy lý, tư duy cấp phép hay không cấp phép, đúng hay sai rất khó. Câu chuyện thậm chí nằm ở tiềm thức nữa”, ông Bền nói. Về việc này, theo ông Bền, vẫn cần vận động cả người trẻ lẫn người đi trước để xóa bỏ mê tín.
Khai ấn đền Trần đã trật tự hơn
Đêm 1.3 và rạng sáng ngày 2.3 cho thấy lễ khai ấn đền Trần (P.Lộc Vượng, TP.Nam Định, Nam Định) năm nay đã vắng hơn các năm trước. Đến 20 giờ ngày 1.3 các bãi gửi xe vào đền cũng như các bãi gửi xe tự phát của người dân ở gần đền chưa đậu hết 1/3 diện tích. Anh Trần Thanh, một người dân có gần 10 năm thuê ki ốt bán cây cảnh ở cửa đền Trần, cho biết: “Suốt hơn 10 năm thuê quán, đây là lần đầu tiên tôi thấy đền Trần thoáng như thế này vào đêm khai ấn”.
Từ chiều 28.2, nhiều khách sạn dù đã được khách đặt phòng nhưng đã hủy. Một cán bộ khách sạn giấu tên cho hay: “Khách hủy phòng là cán bộ, công chức tỉnh khác, mấy năm trước đều đặt phòng ở đây từ sáng ngày khai ấn nhưng năm nay chắc thấy có người đi lễ đền Trần bị đình chỉ công tác nên hủy chương trình”.
Văn Đông
Thực tế là phân cực giàu nghèo không cưỡng được. Người yếu thế, người nghèo sẽ có niềm tin kiểu chạy nháo chạy nhào lên để xem người giàu làm gì để làm theo, kể cả về làm ăn lẫn tâm linh. Mà một trong những khía cạnh của mê tín khi nó chưa bộc lộ hết cái xấu là nó vô cùng hấp dẫn. Như một con quái vật hấp dẫn lạ lùng. Đám đông đi theo nó thôi. Chỉ nghe thấy xin thẻ ở đó làm ăn khấm khá là lao đến thôi.
Một nhóm giàu có hơn khác lại bị mất lòng tin về hệ giá trị nên chuyển vào tin siêu nhiên. Những người này mê tín theo cách đẳng cấp hơn. Chẳng hạn, họ dựa hẳn vào một chùa, một hệ phái nào đó, cho rằng nó giúp mình lên chức lên quyền. Họ không xin lãi lờ bình thường như đám đông kia.
Có người thắc mắc vì sao người mê tín lại vẫn sẵn sàng nhảy lên bàn thờ cướp lộc. Đó là bởi người mê tín luôn sẵn sàng giành bằng được điều họ cần. Cái gì họ chẳng cướp. Khi đã mê tín, họ có đặc tính là bất chấp để giành được việc thần linh phù hộ.
Bây giờ, mê tín của xã hội hiện đại còn có những vỏ bọc rất tâm lý học, rất xã hội học, rất hiện đại nữa cơ. Chẳng hạn, có một số niềm tin về ngoại cảm, hoặc một số hệ phái của tôn giáo mới... Nó có vẻ rất khoa học chứ. Và người ta tin vào điều đó nên lao đến. Mê tín cũng phong phú, phức tạp hơn xưa vì thế. Mê tín hiện đại này thậm chí còn hút cả những người có tri thức, hiểu biết.
Muốn giải quyết nó cần phân loại và biết cách thuyết phục. Có loại cần giáo dục, nhưng giáo dục đừng theo kiểu đơn giản hóa. Còn loại như mê tín mà ảnh hưởng đến sức khỏe, đến thuần phong mỹ tục thì đó rõ là liên quan đến quản lý nhà nước rồi. Cứ theo luật giải quyết: tôi không cho phép bạn làm thế vì ảnh hưởng đến cộng đồng.
GS Đỗ Quang Hưng (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.