Bất ổn quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu

14/09/2023 06:30 GMT+7

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thương nhân đầu mối "tạm giữ" và hoạt động của quỹ đến nay vẫn là ẩn số trong khi nguy cơ doanh nghiệp chiếm dụng quỹ vô cùng lớn.

Không chịu trả quỹ về ngân sách

Mới đây, vụ việc 2 lãnh đạo Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) bị bắt liên quan vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí lại khiến dư luận đặt câu hỏi về hơn 7.000 tỉ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBO) của người tiêu dùng "trả trước" đang ở đâu, được quản lý thế nào?

Bất ổn quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu  - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng chưa bỏ được QBO thì nên chuyển sang dự trữ bằng hàng hóa

NGỌC DƯƠNG

Cụ thể, Xuyên Việt Oil đã bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu từ ngày 11.8, gần 1 tháng sau, cả giám đốc và phó giám đốc công ty bị khởi tố. Thế nhưng, đến ngày 9.9, đại diện Bộ Tài chính cho biết doanh nghiệp (DN) vẫn chưa có báo cáo và nộp lại tiền QBO vào ngân sách nhà nước. Đáng nói, Bộ đã gửi ít nhất 2 công văn, rồi gọi điện "thúc" DN nộp lại tiền quỹ từ sau khi bị thu hồi giấy phép, nhưng vẫn… không ăn thua.

Đáng chú ý, Xuyên Việt Oil chính là một trong 4 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thanh kiểm tra theo Quyết định số 1896 của Bộ Công thương năm 2023. Số dư QBO của 4 DN đầu mối bị thanh tra năm nay cũng thuộc hàng "khủng".

Tính hết quý 1/2023, Xuyên Việt Oil có số dư QBO gần 220 tỉ đồng, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà 595 tỉ đồng (chỉ sau Petrolimex), Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức tồn quỹ 428,7 tỉ đồng và Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát dư gần 71,3 tỉ đồng.

Trong thực tế, tình trạng "quên" trả quỹ về ngân sách khi bị rút giấy phép, ngưng kinh doanh đối với DN đầu mối xăng dầu không hiếm. Năm 2022, cả 2 bộ Công thương và Tài chính đã nhiều lần có văn bản gửi Công ty CP xăng dầu Thái Sơn B.Q.P (TP.HCM) và Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (Bình Thuận) yêu cầu 2 DN chuyển số dư QBO xăng dầu vào ngân sách nhà nước. Lý do là cả 2 DN đều không còn tiếp tục hoạt động với vai trò là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nữa nhưng đã "quên" trả lại quỹ đã giữ trước đó. Năm lần bảy lượt đòi không được, cuối cùng, 2 bộ quyết định chuyển hồ sơ 2 DN sang cơ quan công an điều tra.

Số liệu Bộ Tài chính cập nhật hết tháng 7 vừa qua cho thấy, số dư QBO đã lên đến 7.438 tỉ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm 2022 và đạt mức cao nhất từ quý 1/2021. Quỹ phình to vì các cơ quan quản lý liên tục trích lập nhưng chi sử dụng "nhỏ giọt". Chẳng hạn, trong 26 lần điều chỉnh giá xăng dầu tính từ đầu năm, riêng mặt hàng xăng RON95 chỉ có 3 lần chi sử dụng quỹ với tổng mức chi 1.453 đồng/lít, trong khi tổng số tiền trích hơn gấp đôi, lên 3.200 đồng/lít. Tương tự, xăng E5 RON92 tổng mức chi 1.321 đồng/lít, tổng mức trích lên đến 3.400 đồng/lít; các mặt hàng dầu được chi sử dụng quỹ ít hơn nhiều nhưng trích giữ cao chót vót, từ 2.700 - 6.900 đồng/lít.

Theo quy định tại Thông tư 103/2021 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý QBO, các DN khi hết hoạt động với vai trò là thương nhân đầu mối, có nghĩa vụ chuyển, nộp toàn bộ số dư QBO vào ngân sách nhà nước. QBO được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít/kg đối với các loại xăng, dầu và việc trích lập QBO được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. 

Ngoài ra, Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu cũng quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập, hạch toán và theo dõi riêng QBO bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại VN; có trách nhiệm công bố công khai trên phương tiện thông tin điện tử của DN hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư quỹ và đồng thời báo cáo về Bộ Tài chính và Bộ Công thương.

Chuyển tiền quỹ sang dự trữ bằng hàng hóa?

Tuy nhiên, trong 33 DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được giữ lại QBO đó, có bao nhiêu DN thực hiện việc báo cáo định kỳ?

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, số DN đầu mối có báo cáo công khai số dư QBO sau mỗi kỳ điều hành trên trang điện tử của công ty chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến ngày 11.9, chỉ có Petrolimex công bố số dư QBO 3.156 tỉ đồng; PVOil âm 61,59 tỉ đồng; Saigon Petro tồn quỹ 329 tỉ đồng; MIPEC dư quỹ 121 tỉ đồng; Thanh Lễ còn dư quỹ hơn 398 tỉ đồng… Trong khi đó, cả nước có 33 DN đầu mối xăng dầu. Đó là lý do, việc DN đầu mối xăng dầu không nộp tiền vào QBO đã được dự báo ngay khi thành lập quỹ. Mỗi lần Bộ Công thương thanh tra, đều phát hiện DN có sai phạm liên quan QBO.

Tránh đùn đẩy

Để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra, nên giao xăng dầu về Bộ Công thương quản lý. Hiện bộ này đang triển khai đề án lập kho dự trữ xăng dầu quốc gia phía nam, quy mô ban đầu có thể được khoảng 3 tháng, nhưng điều này là tín hiệu tốt để hướng đến thị trường xăng dầu có cạnh tranh, ổn định, bền vững…

Ông Vũ Vinh Phú

Ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP.HCM), chuyên kinh doanh bán lẻ xăng dầu nhận xét: Việc quản lý và sử dụng QBO đang lộ rõ những bất cập. Quỹ nằm ở DN và định kỳ phải có báo cáo lên cơ quan quản lý. Số DN uy tín, có báo cáo thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Thực tế thời gian qua cho thấy, tác dụng kéo giá của quỹ khi thị trường tăng mạnh không nhiều. Khi giá thế giới giảm, cũng không được giảm theo vì phải trích vào quỹ. Khi thế giới giảm, ta lại tăng. Vì thế, nếu chưa bỏ QBO được, phải có cách quản lý hiệu quả hơn. Nên đổi thành Quỹ an ninh năng lượng. Trong đó, vẫn trích cố định 200 đồng/lít xăng dầu chẳng hạn, trích liên tục, khi xả quỹ cũng xả mức đó. Nếu trường hợp giá thế giới biến động tăng đến 20%, xả 2 lần khoảng 400 đồng/lít. Với quy định mức trích, chi rõ ràng như vậy, chính nhà nhập khẩu cũng tính toán nhập hàng dễ hơn, mức chi cho chiết khấu bán lẻ cũng tương đối ổn định hơn. Trong tương lai, quỹ an ninh năng lượng bằng tiền này sẽ được dùng mua xăng dầu dự trữ quốc gia khi chúng ta có kho dự trữ quốc gia", ông Thật đề xuất

Một lãnh đạo DN bán lẻ xăng dầu ở phía nam lại đặt vấn đề, khi nguồn tài chính eo hẹp, ngành xăng dầu than trời vì lỗ, vẫn có không ít DN đầu mối bung tiền mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ. Với cách quản lý DN nợ tiền quỹ khi đã giải tán, bị rút giấy phép cho thấy việc quản lý lỏng lẻo này tạo cơ hội tốt cho DN mượn tạm tiền vốn sử dụng cho mục đích khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Quỹ càng lớn, lợi nhuận cho DN càng lớn khi có thể "mượn tạm" để kinh doanh, không phải vay ngân hàng.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng QBO được nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ Công thương và nhiều chuyên gia cũng đề nghị bỏ do hiệu quả không cao. Nhưng Bộ Tài chính lại bảo chưa đến lúc phải bỏ. Mà chưa bỏ thì chúng ta phải có cách quản lý, sử dụng thế nào cho hiệu quả hơn. Phải thay thế quỹ bằng quỹ dự trữ xăng dầu do nhà nước đảm nhiệm. Quỹ này phải được hạch toán theo hình thức giá thấp mua vào, giá cao bán ra. Đó là phao để giữ bình ổn giá và dự trữ phải đủ lớn từ 6 - 9 tháng. Quỹ dự trữ được hạch toán đầy đủ, nhà nước chỉ quản lý chất lượng, chống gian lận, buôn lậu xăng dầu; cạnh tranh lành mạnh hơn, xóa bỏ độc quyền mua bán xin cho giữa các đơn vị. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.