Điều gì xảy ra khi một người bị sốc nhiệt? Bằng cách nào chúng ta có thể tự bảo vệ khi trái đất nóng lên? Để trả lời những câu hỏi trên, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Arizona (Mỹ) đã dùng đến rô bốt có thể thở, run rẩy và đổ mồ hôi.
Vào thời điểm dự án được tiến hành, thủ phủ Phoenix của bang Arizona trải qua đợt sốc nhiệt kéo dài nhất trong lịch sử. Tính đến ngày 21.7, nhiệt kế thể hiện nhiệt độ ngoài trời ở thành phố vượt ngưỡng 43 độ C trong 22 ngày liên tiếp.
Đối với cơ thể người, thời tiết quá nóng như thế mang đến mối đe dọa chết chóc. Tuy nhiên, trong trường hợp của rô bốt giống người tên ANDI, đó chỉ là một cuộc dạo chơi bình thường.
"ANDI là rô bốt nhiệt ngoài trời đầu tiên trên thế giới mà chúng tôi có thể thường xuyên phơi ngoài nắng để đo lượng nhiệt rô bốt hấp thụ từ môi trường xung quanh", AFP dẫn lời giáo sư Konrad Rykaczewski, trưởng nhóm nghiên cứu.
Dự án rô bốt mang đến một cách tiếp cận thực tế và hiệu quả nhằm định lượng cách thức cơ thể người phản ứng trong điều kiện thời tiết cực đoan, trong khi không cần phải dựa vào người thật.
Trái ngược với bề ngoài vô cùng đơn giản, chẳng khác nào một hình nộm, ANDI có thể ghi nhận mọi thay đổi của thời tiết. Lớp da bằng sợi carbon và nhựa epoxy của rô bốt che đậy điều mà đội ngũ chuyên gia gọi là "kho báu công nghệ".
Một trong số đó là mạng lưới chằng chịt các cảm biến được kết nối với nhau, phân tích và đánh giá nhiệt độ xâm nhập từ bên ngoài trong quá trình khuếch tán khắp cơ thể.
ANDI cũng được trang bị hệ thống làm mát cục bộ, những lỗ nhỏ trên "da" cho phép da rô bốt thoáng khí và đổ mồ hôi.
Có tổng cộng 32 vùng nhiệt độc lập trải khắp bề mặt da của rô bốt, và cũng như con người, ANDI đổ mồ hôi nhiều hơn ở phần lưng.
Phải mất hơn nửa triệu USD để chế tạo rô bốt trên. Cho đến nay, chỉ có khoảng 12 rô bốt tương tự, nhưng không rô bốt nào có thể phơi ngoài trời như ANDI.
Bình luận (0)