Theo thống kê tại Trung tâm ung bướu BV Chợ Rẫy, hiện nhu cầu sử dụng thuốc Lipiodol rất cao, trung bình hằng ngày có từ 18 - 30 bệnh nhân điều trị u gan bằng kỹ thuật TOCE, 90% bệnh nhân được chỉ định thuốc Lipiodol, số còn lại thực hiện bằng “hạt nút mạch”.
tin liên quan
Bất thường giá thuốc trị u ganTheo các bác sĩ, để thực hành kỹ thuật TOCE trong điều trị u gan, có thể sử dụng hoặc Lipiodol hoặc “hạt nút mạch”.
Hiện nay, BHYT đã chi trả cho thuốc Lipiodol và cả hạt nút mạch tùy theo đối tượng được hưởng. Nếu đồng chi trả với đối tượng hưởng BHYT 80% thì bệnh nhân phải trả 1,08 triệu đồng/ống Lipiodol 10 ml (nếu thuốc có giá 5,4 triệu đồng/ống); còn hạt nút mạch bệnh nhân đồng chi trả từ 6,3 - 6,7 triệu đồng/ca.
Một bác sĩ của BV Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng để tránh tình trạng thuốc công ty không “thèm” tham gia cung ứng trong BV, vì họ bán trên thị trường thoải mái không bị “siết” giá, Bộ Y tế nên xem xét đưa ra quy định danh mục các thuốc chỉ sử dụng trong BV (bao gồm cung ứng và kê đơn sử dụng). Như thế sẽ không có chuyện thuốc độc quyền thách thức cơ quan quản lý đẩy giá bán tại các khu vực nhà thuốc tư nhân.
“Việc này các nước họ đã làm rồi, vấn đề là Bộ Y tế có quyết làm hay không. Tại Pháp, khi mở sách VIDAL thì sẽ thấy một số thuốc có ghi rõ: thuốc dùng trong BV, nghĩa là thuốc đó hoàn toàn không được bán tại các nhà thuốc bên ngoài, như vậy thuốc đó dù hiếm hay độc quyền thì cũng vẫn được kiểm soát về giá chứ không thể tự ý đẩy giá”, bác sĩ này nêu ý kiến.
Ngoài ra, cũng theo ý kiến của bác sĩ này thì: “Bộ Y tế cần thành lập một đơn vị đứng ra nhập khẩu các thuốc bị độc quyền để đảm bảo kiểm soát được giá, phục vụ bệnh nhân chứ không nên để các công ty tự ý tăng giá do độc quyền. Trong nước đã có các văn bản về quản lý giá, có cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý giá thì cần có các giải pháp hiệu quả để người bệnh có cơ hội được điều trị”.
Còn một dược sĩ của BV Chợ Rẫy kiến nghị: “Ở phạm vi quản lý cao hơn, có lẽ chỉ có thể kiểm soát tốt giá thuốc Lipiodol là có thêm một nhà cung cấp thuốc khác chứa cùng hoạt chất này hoặc VN tự sản xuất được thuốc này để làm đối trọng với nhà cung cấp nước ngoài”.
BV cần cập nhật, đề xuất
Phó giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho biết dù là thuốc nào cũng không thể chấp nhận việc độc quyền đẩy giá. Lợi nhuận kinh doanh cũng phải tính đến khả năng chi trả của người bệnh. Bộ Y tế đã có các giải pháp đấu thầu tập trung, đàm phán đối với các thuốc độc quyền. Trong năm 2017, biệt dược - thuốc độc quyền trong điều trị ung thư qua đấu thầu tập trung cũng đã giảm giá 6,9%. Tuy nhiên, để có cơ sở thực hiện đấu thầu tập trung hay đàm phán giá, các BV trong quá trình điều trị cũng cần cập nhật và có các đề xuất lên Bộ Y tế đưa các thuốc vào danh mục đấu thầu tập trung hoặc đàm phán giá.
|
Bình luận (0)