Vàng miếng SJC luôn được ưa chuộng hơn vàng nhẫn
Giá vàng miếng SJC "đứng yên" suốt hơn 1 tháng qua do động thái bán vàng bình ổn qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, giá vàng nhẫn liên tục biến động theo giá vàng thế giới.
Đáng chú ý, sau quá trình dài luôn thấp hơn giá vàng miếng SJC, hôm nay 12.7, giá vàng nhẫn đã "vượt mặt" giá vàng SJC. Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: "Giá vàng nhẫn tăng cao hơn giá vàng miếng là hiện tượng bất thường".
Thị trường vàng miếng đang được điều chỉnh để đạt được sự ổn định. Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC, song lượng vàng bán tới tay người dân rất giới hạn. Không mua được vàng miếng SJC, người dân chuyển sang mua vàng nhẫn.
"Giá vàng nhẫn tăng nhanh bởi 2 yếu tố, một là tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới và hai là nhu cầu về vàng của người dân vẫn cao. Giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng SJC là một hiện tượng bất thường. Vàng nhẫn không có tính thanh khoản cao như vàng miếng. Vàng miếng SJC gần như tiền mặt, muốn bán lúc nào cũng được, bán rất dễ dàng", ông Hiếu nói.
Biến động vàng ngày 12.7: Lần đầu tiên giá vàng nhẫn DOJI vượt mặt vàng miếng SJC
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, về nguyên tắc thị trường, vàng miếng SJC được người dân ưa thích hơn vàng nhẫn, vàng trang sức. Nếu người dân mua vàng để đầu cơ tích trữ tài sản hoặc để kinh doanh thì mua vàng SJC là tốt nhất, đây là yếu tố tâm lý.
"Ở Việt Nam từ xưa đến nay, giá vàng miếng SJC thường đắt hơn vàng nhẫn từ 3 - 6 triệu đồng/lượng, có lúc đắt hơn 7 - 8 triệu đồng/lượng. Đợt này, giá vàng nhẫn lại cao hơn vàng SJC do vàng SJC được bình ổn giá nên nhiều người thấy lạ", ông Thịnh nói.
Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh phân tích, từ trước tới nay, giá vàng nhẫn thường thấp hơn giá vàng miếng SJC. Người dân thường thích mua vàng miếng SJC hơn vàng nhẫn. Nếu có đủ nguồn cung, nhiều người chắc chắn sẽ chọn mua vàng miếng SJC chứ không mua vàng nhẫn.
"Mỗi loại vàng có ưu khuyết điểm riêng. Vàng nhẫn ưu điểm là thường được chia nhỏ ra các loại như 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, trong khi đó vàng miếng loại một vài chỉ rất ít. Vàng nhẫn có thể mua đơn vị nhỏ để hợp với túi tiền hơn.
Tuy nhiên, vàng nhẫn có nhiều giá khác nhau tùy thương hiệu, có thể dễ dàng làm giả hơn vàng miếng. Vàng miếng SJC uy tín cao, dễ tích trữ hơn và làm giả rất khó khăn", ông Khánh nói.
Giá tăng vọt, vàng nhẫn cũng vào diện bình ổn?
Đề cập câu chuyện bình ổn thị trường vàng nói chung, ông Hiếu cho rằng, để thực sự bình ổn phải đáp ứng cả 2 điều kiện về giá và đủ nguồn cung. Cung cầu phải gặp nhau, nguồn cung phải dồi dào để người dân có thể mua được vàng với mức giá ổn định. Với vàng miếng SJC, ở thời điểm hiện tại, điều kiện đủ nguồn cung vàng chưa thỏa mãn.
Trong khi đó, với vàng nhẫn, việc đáp ứng điều kiện cần và đủ có phần "dễ thở" hơn. Giá vàng nhẫn đang tăng theo giá thế giới nhưng không tăng quá mạnh như đã xảy ra với giá vàng miếng SJC trước đây.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, thời gian tới, nếu giá vàng SJC vẫn "đứng yên", giá vàng nhẫn tiếp tục tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới, thậm chí giá tăng chóng mặt như từng xảy ra với vàng miếng SJC trước đây, người dân đổ xô đi mua vàng nhẫn, có thể vàng nhẫn sẽ được đưa vào diện kiểm soát, bình ổn giá như vàng miếng SJC.
"Nếu cả vàng miếng và vàng nhẫn đều ở diện bình ổn giá, có thể sẽ tạo ra một thị trường vàng tồn tại song song ngoài thị trường vàng chính thức", ông Hiếu nói.
Ông Thịnh thì cho biết: "Giá vàng thế giới hiện khoảng 74,2 triệu đồng/lượng nên Ngân hàng Nhà nước duy trì mức giá bán bình ổn với vàng miếng SJC như hiện tại là bình thường.
Thời gian tới, nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh, bên cạnh giá vàng nhẫn tăng theo, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể can thiệp điều chỉnh giá vàng miếng SJC đang bán bình ổn, giá vàng bán tới tay người dân không duy trì trạng thái đứng yên ở mức gần 77 triệu đồng/lượng nữa".
Sáng 12.7, giá vàng nhẫn trong nước tăng vọt, vàng nhẫn 4 số 9 SJC được mua vào ở mức 75,1 triệu đồng/lượng và bán ra 76,8 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 650.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với hôm qua.
Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng thêm 500.000 đồng/lượng, đưa giá mua vàng nhẫn lên 75,15 triệu đồng/lượng, bán ra 76,6 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji tăng 750.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, đưa giá lên 76,15 triệu đồng/lượng và bán ra tăng 800.000 đồng/lượng, lên 77,4 triệu đồng/lượng... Giá vàng nhẫn tại Doji lần đầu tiên cao hơn vàng miếng SJC 420.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC ngày 12.7 vẫn không thay đổi khi tiếp tục được mua vào 74,98 triệu đồng/lượng và bán ra 76,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh lên 2.411 USD/ounce. So với 1 ngày trước, giá kim loại quý này đã tăng thêm 36 USD/ounce.
Bình luận (0)