Bất thường kim ngạch nhập khẩu điều từ Campuchia tăng gần 7 lần

22/12/2021 09:28 GMT+7

Là nước xuất khẩu điều hàng đầu thế giới nhưng chỉ trong 11 tháng năm nay, Việt Nam chi hàng tỉ USD nhập điều từ Campuchia , tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Điều gì đã xảy ra ?

Số lượng hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia láng giềng Campuchia không nhiều nhưng có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD và có mức tăng đột biến, tăng 300% với cao su và gần 588% với hạt điều.

Lượng nhập tăng gấp 5 lần, kim ngạch tăng gấp 7 lần

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia đạt gần 9 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm.

Trong đó, nhiều mặt hàng được xuất khẩu sang Campuchia với kim ngạch trên 100 triệu USD. Cụ thể, sắt thép đạt 864,8 triệu USD; dệt may 647,6 triệu USD; xăng dầu 347,5 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 266,8 triệu USD… Trong 11 tháng, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,35 tỉ USD, tăng 600 triệu USD (tương đương gần 17%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Hạt điều không nhãn mác được bày bán trên thị trường khá phổ biến

NG.NG

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia trong năm nay lại tăng vọt lên 4,28 tỉ USD, tăng mạnh tới 337% (tăng gần 4,4 lần) so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt 980 triệu USD).

Theo cơ quan hải quan, các mặt hàng nhập từ Campuchia lâu nay không thay đổi nhiều về số lượng. Các mặt hàng nhập như đậu, ngô, vải, nguyên phụ liệu thuốc lá... không có biến động, đạt kim ngạch vài chục triệu USD cho mỗi nhóm.

Tuy nhiên, có 2 nhóm hàng tăng vọt, tăng đột biến và có kim ngạch hơn 1 tỉ USD. Cụ thể, trong 11 tháng, Việt Nam nhập khẩu hạt điều từ Campuchia lên đến 1,1 triệu tấn, kim ngạch 1,866 tỉ USD - tăng 423% về lượng và tăng 587,6% về kim ngạch (tăng gần 7 lần) so cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm hàng thứ hai là cao su với lượng nhập khẩu 1,19 triệu tấn, kim ngạch 1,3 tỉ USD, tăng 250,7% về lượng và tăng xấp xỉ 300% về kim ngạch (tăng 4 lần).

Chính vì nhập khẩu tăng mạnh nên thương mại 2 nước giảm xuất siêu hơn 2,7 tỉ USD hết tháng 11.2020, đến nay chỉ còn 70 triệu USD.

Nghi vấn "mượn" đường Campuchia để trốn thuế

Theo thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), năm 2017, VINACAS có ký kết hợp tác để hỗ trợ quốc gia này nâng sản lượng điều lên 1 triệu tấn vào năm 2025. Thế nhưng, con số này riêng bán sang thị trường Việt Nam đã vượt 1 triệu tấn từ tháng 8 năm nay.

Liên quan đến nhập khẩu hạt điều từ Campuchia tăng vọt bất thường, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã đưa vào tầm ngắm và có các biện pháp điều tra. Đơn vị này cũng đã ban hành 20 quyết định kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm tại tỉnh Bình Phước - “thủ phủ” về trồng, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu điều của Việt Nam.

Mặc dù có nhiều hạn chế do quá trình điều tra rơi vào thời điểm TP.HCM và các tỉnh miền Nam giãn cách phòng chống dịch, tuy nhiên, đến đầu tháng 9 vừa qua, đơn vị này có kết luận với 18 vụ việc có dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp. Trong đó, có 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều thuần túy Việt Nam. Hồ sơ giấy tờ cho cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) không đúng với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. 1 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, có thể khởi tố...

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan giao một số cục hải quan địa phương tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp, chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các cục hải quan địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định.

Theo quy định, hạt điều nhập khẩu theo loại hình kinh doanh từ các nước trong ASEAN hưởng thuế nhập khẩu 0%, nhập từ các nước ngoài thị trường ASEAN có thuế nhập khẩu 5%. Theo đó, doanh nghiệp nhập hạt điều thô từ Campuchia vào Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Đây là cơ sở để có thể đặt nghi vấn doanh nghiệp “mượn” Campuchia để trốn thuế nhập khẩu mặt hàng này.

Bộ NN-PTNT thông tin, nhập khẩu hạt điều từ Campuchia tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây. Năm 2019, sản lượng điều của nước này đạt 450.000 tấn, năm 2020 tăng lên 950.000 tấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.