|
Từ ngày 5 - 6.12, đoàn công tác gồm các chuyên gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ VN) đã về H.Mộ Đức (Quảng Ngãi). Đoàn công tác đã thu thập thông tin từ những người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, đồng thời lấy mẫu vật phân tích để xác định nguyên nhân vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường ở các khu dân cư trong những tháng vừa qua. Qua đó, các chuyên gia sẽ đề xuất những giải pháp giúp người dân ngăn ngừa rắn lục đuôi đỏ.
Tại địa phương này, hơn 1 tháng qua, người dân đã phát hiện, đập chết hơn 300 con rắn lục đuôi đỏ ở các khu dân cư.
Đụng đâu cắn đó...
|
Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Ngãi, trong tháng 10 và 11.2014, trên địa bàn tỉnh có 135 người, chủ yếu ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và Tư Nghĩa bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện điều trị. Tại BVĐK Quảng Ngãi, trong tháng 11, trung bình mỗi ngày tiếp nhận, điều trị từ 1 - 2 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, thậm chí có ngày đến 4 trường hợp. Điều may mắn, không có ca nào tử vong. Dù đã chữa trị khỏi, nhưng đến giờ tiếp xúc với PV Thanh Niên, bà Trần Thị Lo (ở xã Đức Thắng, H.Mộ Đức) vẫn còn ám ảnh với rắn lục đuôi đỏ. Bà kể ngày 12.11, trong lúc đang nhổ củ mì thì bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay phải. Hoảng hốt, bà Lo vội hất con rắn xuống, lập tức nó quay đầu cắn tiếp vào tay trái. Cùng ngày 12.11, ông Lê Văn Nghĩa (ở xã Hành Thịnh, H.Nghĩa Hành) trong lúc lùa đàn bò ra đồng đã vô tình đạp trúng con rắn lục đuôi đỏ nên bị cắn vào chân.
Tương tự, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Nam như: Thăng Bình, Điện Bàn, Tiên Phước, Quế Sơn… người dân cũng liên tục phát hiện hoặc bị rắn lục đuôi đỏ cắn. BS Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, cho biết trong 10 ngày cuối tháng 11, BV đã tiếp nhận 8 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn, trong đó có 3 ca bị nhiễm độc nặng. Nhiều nơi ở Đà Nẵng, người dân phát hiện và đập chết nhiều rắn lục đuôi đỏ. BS Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức BV T.Ư Huế, cho biết trong 2 tháng qua, đã tiếp nhận 16 ca bị rắn cắn. Các trường hợp đưa đến BV đều được chữa trị ổn định và đã xuất viện.
Tại Phú Yên, đã ghi nhận được gần 100 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Riêng Bệnh viện đa khoa H.Tây Hòa đã tiếp nhận, điều trị hơn 67 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Rắn bò vào tận nhà cắn người !
Tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở cả khu dân cư, tấn công người dân vào bất cứ lúc nào. Rắn xuất hiện trên các bụi cây quanh nhà, trong vườn khiến người dân lo lắng. Bà Nguyễn Thị Hòa (xóm 2, xã Khánh Sơn, H.Nam Đàn, Nghệ An), nạn nhân vừa bị rắn cắn, kể bà ra vườn làm cỏ thì đụng phải rắn; chưa kịp phản ứng thì đã bị nó quay đầu cắn vào tay.
Đáng sợ hơn, loài rắn này còn bò vào tận nhà dân cắn người. Gia đình anh Hà Văn Nhàn (ngụ xóm 3) có 6 người thì đến 5 người đã bị loài rắn này cắn. Anh Nhàn cho hay chị Hiền (vợ anh Nhàn) là người bị rắn cắn đầu tiên; khi chị ra đóng cửa cổng để đi ngủ thì giẫm phải rắn nên bị cắn. Tiếp đến là hai đứa con của anh khi đang hái rau ngoài vườn cũng bị rắn cắn. Mấy bữa sau, con út của anh là cháu Tiệp (8 tuổi) đang ngồi chơi trong nhà cũng đụng phải rắn và bị cắn.
Ông Hà Thanh Cường, Xóm trưởng xóm 1, xã Khánh Sơn, H.Nam Đàn, nơi xuất hiện nhiều rắn, cho biết: “Ở đây đồi núi nhiều nên thường xuất hiện nhiều loại rắn, nhưng loại rắn lục đuôi đỏ này thì chúng tôi mới chỉ thấy mấy tháng gần đây. Hầu như vườn nhà nào cũng có loại rắn này, nhà nào ít thì 1 - 2 con nhà nào nhiều thì 5 - 6 con. Chúng liên tục xuất hiện quanh nhà và cắn người đã khiến nhiều người cảm thấy rất lo lắng”.
TS Nguyễn Kim Sơn, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trong tháng 11, số bệnh nhân đến viện do rắn cắn gần như hằng ngày với 27 trường hợp; có ngày số ca vào viện do rắn cắn chiếm đến 3/10 số vào cấp cứu tại trung tâm. Bệnh nhân do rắn lục cắn cũng ghi nhận 7/27 ca bị rắn cắn vào điều trị. Số bệnh nhân đến điều trị ở Trung tâm chống độc đến từ nhiều địa phương trên toàn quốc như: Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ…
Vì sao rắn nhiều bất thường ?
Lý giải về hiện tượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều gần đây, Th.S Nguyễn Thị Hòa, giảng viên Khoa Tự nhiên môi trường - ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), cho rằng nguyên nhân do môi trường sống của rắn bị thu hẹp, thức ăn như chuột, rắn mối, ếch, nhái… dần cạn kiệt nên rắn phải di chuyển từ rừng về hang hốc, bụi cây gần khu dân cư. BS Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cũng nhận định: “Gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở Phú Yên là do môi trường sống thuận lợi. Nhiều người dân săn bắt bìm bịp (loài chim chuyên ăn thịt rắn lục - PV) nên khiến loại này giảm hẳn. Một khi thiên địch của rắn lục giảm thì môi trường sinh sản của chúng càng thuận lợi”.
Có nhiều cách lý giải khác nhau về sự gia tăng của loài rắn này như sự biến đổi về thời tiết, khí hậu, vì rừng bị chặt phá nhiều nhưng đều là những ý kiến chủ quan, chưa một cơ quan nào đưa ra thông tin chính thức. Tuy nhiên, thời điểm các nạn nhân bị rắn cắn thường vào ban đêm, tần suất bị rắn cắn tăng vào những ngày có trời nắng nóng sau đó đổ mưa buổi chiều hoặc vào mùa mưa lũ…
Ông Đoàn Hoài Nam, Cục phó Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), cũng nêu nghi vấn do môi trường. Rắn lục đuôi đỏ bắt đầu giao phối từ tháng 3 - 5 cho đến tháng 8 - 11 thì sinh sản. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm kéo dài, nguồn thức ăn phong phú bởi nhiều diện tích rừng non khôi phục tạo sinh cảnh tốt là yếu tố kích thích loài động vật này sinh sản nhiều hơn.
Có nhiều năm nghiên cứu rắn lục đuôi đỏ, ông Đỗ Quang Huy, Trưởng bộ môn Quản lý động vật hoang dã (ĐH Lâm nghiệp), nhận định: “Khoảng vài năm nay, nhiệt độ trung bình năm tăng từ 0,5 - 1 độ C, thời tiết nóng ẩm kéo dài là môi trường lý tưởng cho rắn lục sinh sản. Trong khi đó, nhóm động vật thiên địch chọn rắn lục đuôi đỏ làm thức ăn như chim bìm bịp, cầy, chim ưng… giảm đi rất nhiều do con người tận diệt, săn bắt”, ông Huy nói.
Cách phòng tránh và xử trí khi bị rắn cắn Theo BS Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cách sơ cứu ban đầu đối với người bị rắn lục đuôi đỏ cắn là rửa sạch vết thương và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế. TS Nguyễn Kim Sơn đặc biệt lưu ý khi bị rắn lục cắn, tuyệt đối không trích, rạch tại vết cắn, vì có thể làm tăng chảy máu, mất máu do lúc này dưới tác động của nọc độc, nạn nhân bị rối loạn đông máu dẫn đến dễ chảy máu, khó cầm. Nếu bị rắn lục cắn ở tay, cần tháo ngay vòng nhẫn, các đồ trang sức để tránh cho các mạch máu bị nghẽn dẫn đến hoại tử do tay sưng nề bởi nọc độc. Về phòng tránh, ông Đỗ Quang Huy, Trưởng bộ môn Quản lý động vật hoang dã (ĐH Lâm nghiệp), cho biết theo kinh nghiệm dân gian người dân trồng cây sả xung quanh nhà, dọc lối đi cũng có tác dụng kiềm chế loài rắn lục đuôi đỏ. Ông Huy khuyến cáo có thể lấy lưu huỳnh nghiền nhỏ thành bột rắc xung quanh để đuổi rắn đi xa. Cũng theo các chuyên gia, cần tránh ngủ trên nền nhà, tránh các đống gạch vụn, rác rưởi, ụ mối... vì nơi đó rất hấp dẫn rắn. Không cầm rắn chết (ngay cả khi đầu rắn bị chặt rồi vẫn bị cắn) hoặc rắn sống. |
THANH NIÊN
>> Thêm một người nhập viện vì rắn lục đuôi đỏ
>> Rắn lục đuôi đỏ khiến giá củ nén tăng đột biến
>> Rắn lục đuôi đỏ cắn người dân ở Hà Nội, Quảng Ninh
>> Nhiều người nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn
>> Xua đuổi rắn lục đuôi đỏ bằng cách rắc lưu huỳnh
>> Xác minh thông tin có người thả rắn lục đuôi đỏ
Bình luận (0)