Bất thường việc phát hành cổ phiếu tại DGT: Quyền cổ phần nhà nước giảm nghiêm trọng

24/05/2019 10:42 GMT+7

Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai (DGT) không ưu tiên bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu đã làm suy giảm nghiêm trọng tỷ lệ sở hữu của họ, trong đó có cả phần vốn của nhà nước.

Quyền cổ đông hiện hữu giảm 2,6 lần

Vốn điều lệ của công ty DGT là 24,81 tỉ đồng, trong đó Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) chiếm 10%, Công ty cổ phần siêu thị vật liệu xây dựng Thế giới nhà chiếm 18,63%, các cổ đông khác chiếm 71,3%. Điểm đáng lưu ý là Sonadezi là công ty cổ phần có vốn đầu tư của nhà nước, ở đây là UBND tỉnh Đồng Nai chiếm tỷ lệ chi phối 99,54%.
Với số lượng phát hành thêm 4 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của DGT tăng từ 24,81 tỉ đồng lên 64,81 tỉ đồng, gấp 2,6 lần vốn điều lệ cũ. Như vậy, tỷ lệ sở hữu của cổ đông của Sonadezi sẽ suy giảm còn 3,82% vốn điều lệ, tỷ lệ biểu quyết của các cổ đông hiện hữu lập tức suy giảm tương ứng 2,6 lần và nhóm cổ đông mới vào nghiễm nhiên sở hữu 61,73% vốn điều lệ và kiểm soát hoàn toàn công ty. Việc phát hành lượng cổ phần gấp 1,61 lần cổ phần đang lưu hành làm suy giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu, cũng như ảnh hưởng nghiệm trong đến quyền lợi của các cổ đông.
Do nhận thấy bất thường và có “lợi ích nhóm” nhằm gia tăng quyền lực kiểm soát công ty, một số cổ đông nhà đã làm đơn khiếu nại gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và gửi đơn kiện lên Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai vào tháng 9.2018 yêu cầu hủy Nghị quyết 44 của DGT. Sau khi xem xét hồ sơ, tháng 10.2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thụ lý đơn kiện và tháng 1.2019 đã thực hiện chuyển vụ án cho Tòa án Nhân dân TP.Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai theo cấp thẩm quyền. Còn UBCKNN ra quyết định phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm trình tự triệu tập và công bố thông tin tài liệu họp đại hội đồng cổ đông đối với DGT. Thế nhưng gần đây UBCKNN đã chấp thuận cho DGT phát hành lượng cổ phần trên dù tòa án chưa đưa vụ án ra xét xử.

Phải chăng lợi ích nhóm?

Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018 của DGT, doanh thu công ty là 44,9 tỉ đồng, chi phí 44,89 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 39 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế 31,2 triệu đồng, công ty không chia cổ tức cho các cổ đông. Mặc dù kinh doanh hiệu quả kém nhưng DGT có “sức hút” các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần khi công ty này sở hữu một số dự án hấp dẫn.
Theo báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2018, dự án mỏ đá Tân Cang 4 có diện tích 25,674 ha với tổng mức đầu tư thực hiện dự án hết năm 2017 khoảng 66 tỉ đồng trên tổng mức đầu tư điều chỉnh. Về công tác đền bù đã có quyết định bồi thường 23,5 ha, trong đó diện tích được nhà nước giao đất là 17,7 ha. Tổng số tiền đã chuyển chi trả bồi thường khoảng 43 tỉ đồng, tương đương diện tích bồi thường khoảng 21 ha. Ngoài ra, DGT là một trong những doanh nghiệp có gấy phép khai thác mỏ cát Đắk Lua dài 20 km đường sông, dự án này vừa được khai thác trở lại từ giữa năm 2018. DGT cũng đang thực hiện điều chỉnh tính pháp lý khu đất văn phòng công để triển khai dự án đầu tư trung tâm thương mại kết hợp văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp…
TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng Khoa Thuế - hải quan Trường đại học Tài chính - Marketing cho rằng cần được làm rõ những điều không bình thường trong việc phát hành cổ phiếu DGT với giá thấp hơn giá thị trường, cũng như thấp hơn cả giá mà nhà đầu tư khác đề nghị. Khi 7 nhà đầu tư cá nhân mới tham gia, nắm tỷ lệ cổ phiếu trên 61%, đồng nghĩa chiếm quyền kiểm soát công ty, lúc này phần vốn nhà nước mà ở đây là Sonadezi bị giảm sút, từ nhà đầu tư lớn trở thành nhà đầu tư nhỏ và mất tiếng nói khi đưa ra ý kiến, biểu quyết đối với những vấn đề của công ty. Hiện nay tòa án đang thụ lý vụ án mà công ty vẫn tiến hành phát hành cổ phần thì sau này, khi đưa ra xét xử, nếu có thiệt hại, ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.