Đây hiện là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Trong đó, chủ yếu là liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, đã ngã xuống trong ròng rã 10 năm bảo vệ mảnh đất địa đầu Vị Xuyên (1979 - 1989).
Ông Nguyễn Ngọc Bài, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Vị Xuyên, kiêm Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, cho biết tính đến tháng 7.2024, trong nghĩa trang có 1.913 phần mộ liệt sĩ và 1 mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh tại Hang Sập, bình độ 400.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên được xây dựng năm 1990, hoàn thành năm 1991, ngay sau khi kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Nghĩa trang nằm cạnh QL2, thuộc tổ 18, TT.Vị Xuyên, H.Vị Xuyên; cách trung tâm huyện lỵ Vị Xuyên 2 km và cách TP.Hà Giang khoảng 18 km. Địa thế xây dựng cũng được lựa chọn rất kỹ: tựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, hướng ra phía trước là dòng sông Lô.
Ký ức người lính ngày trở về mặt trận Vị Xuyên: Có những người hy sinh rất trẻ
"Lần đầu tiên cải tạo nâng cấp là năm 2004. Cuối năm 2016, tỉnh Hà Giang đã có quyết định phê duyệt dự án tu bổ, mở rộng, quy tập Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên", ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Giang, thông tin và kể thêm: "Hiện nay, nghĩa trang đã được mở rộng thêm về phía bắc, nâng diện tích từ 2 ha lên 14,3 ha. Việc mở rộng sẽ quy tập thêm gần 3.000 phần mộ liệt sĩ. Bên cạnh đó, các công trình phụ trợ cũng đã hoàn tất, đưa vào sử dụng từ năm 2022 như: đền thờ các anh hùng liệt sĩ, tháp chuông, sân hành lễ, hội trường quản trang, sân đỗ xe, dịch vụ đồ lễ, cổng chính, tường bao và tiểu cảnh…".
Đặc biệt, các phần mộ liệt sĩ đều được lát đá (không trát vôi vữa như trước) và đặt bình hoa, cắm cờ Tổ quốc rất trang trọng, uy nghiêm.
Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên cho biết, lượng khách vào thăm viếng nghĩa trang trung bình khoảng 200 người/ngày. Dịp cao điểm như ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7) và đặc biệt là ngày 12.7 (ngày "Giỗ trận Vị Xuyên"), số người viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên lên đến gần 10.000 lượt.
Luôn tự hào là chiến sĩ Vị Xuyên
... "Từ sau 1975, số đông cán bộ và hầu hết chiến sĩ quân đội ta tham gia chống Mỹ được cho nghỉ hưu, mất sức và phục viên chuyển ngành. Kế tiếp là lớp thanh niên mới vào quân đội. Sau chiến tranh tháng 2.1979, ta chủ trương mở rộng lực lượng để chuẩn bị cho quyết tâm sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu xâm lược của địch. Nhưng để chuẩn bị cho chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế sau này của đất nước, ta cho số chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự ra quân trở về địa phương, đi học các ngành ngoài quân đội. Đồng thời, bổ sung lớp thanh niên sinh ra trong chiến tranh chống Mỹ và vừa tốt nghiệp trung học.
Qua thực tế chiến đấu và chỉ huy chiến đấu tại Vị Xuyên, tôi thấy:
Vị Xuyên là mặt trận diễn ra các trận đánh rất ác liệt và gian khổ. Với không gian chiến trường chỉ khoảng 10 km2, nhưng cả 2 bên đều đã đưa các lực lượng mạnh nhất, tập trung số đầu đơn vị nhiều nhất vào chiến đấu.
Tính chất chiến trường rất quyết liệt, giành đi giật lại bằng nhiều trận đánh ác liệt trong suốt thời gian dài. Có nơi ta và địch chỉ cách nhau 10 - 15 m.
Do địch ở trên cao, ban ngày quan sát rõ địa hình phòng ngự của ta, nên việc xây dựng trận địa, vận chuyển đạn dược, lương thực thực phẩm, thương binh liệt sĩ đều phải dùng sức người trong đêm và rất nhiều bộ đội ta hy sinh.
Với số anh em làm nhiệm vụ ở các trận địa phòng ngự, ngoài việc phải chịu đựng sự căng thẳng, ác liệt khi chiến đấu trực tiếp, còn gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Nhiều chốt phải ăn cơm nắm, lương khô hàng mấy tháng trời, mới được thay phiên xuống dưới trận địa tắm giặt, ăn nóng...
Nếu như mặt trận Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972 với 81 ngày đêm, thì mặt trận Vị Xuyên (từ tháng 4.1984 - 5.1989) có 1.800 ngày đêm đỏ lửa.
Phía sau mặt trận Vị Xuyên là cả tỉnh Hà Giang và cả nước dồn sức cho mặt trận. Nhưng phía sau cũng là cuộc sống không bom đạn. Chỉ cách nơi chiến trận chừng 20 km là TX.Hà Giang vẫn ánh điện lung linh, tiếng nhạc xập xình. Người lính cầm súng nơi chiến hào chỉ ngoảnh lại phía sau thôi, là đã thấy cuộc sống yên bình. Điều này là một yếu tố luôn ảnh hưởng tới tư tưởng người lính, đặc biệt là với những chiến sĩ trẻ.
Nhưng vì sao ở mặt trận chiến trường ác liệt, như tôi nói ở trên, mà chiến sĩ ta vẫn kiên cường chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, bám trụ ngày đêm nơi chiến hào, để Tổ quốc được bình yên?
Chỉ có lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc của lớp thanh niên được kế tiếp truyền thống vinh quang của dân tộc ta, quân đội ta, mới tạo ra bản lĩnh người chiến sĩ trên mặt trận Hà Tuyên những năm đó.
Cho đến nay, lớp cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên luôn tự hào vì họ đã được cầm súng chiến đấu nơi mặt trận đầy gian khổ hy sinh, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc"...
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, 76 tuổi, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN. Giai đoạn 1979 - 1989, ông trực tiếp chiến đấu - chỉ huy chiến đấu từ cấp trung đoàn lên sư đoàn, tại Sư đoàn 316, Quân khu 2, ở biên giới phía bắc và mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (trích Hồi ký Chiến thắng Vị Xuyên; Ban Liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên; xuất bản năm 2018)
Khó khăn nghiệt ngã là vũ khí vô hình của người lính
... "Tháng 3.1985, tôi nhận nhiệm vụ Phó tham mưu trưởng Quân khu 2, phụ trách tác chiến mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên. Khi đó, từ Thanh Thủy về TX.Hà Giang khoảng 20 km, nhưng từ Km 5 Thanh Thủy trở lên, rất ác liệt. Nhưng bộ đội ta rất ý chí quyết tâm, không ai đào ngũ, bỏ ngũ.
Có những điểm nóng như "Chốt Bốn hầm", ta và địch cách nhau chỉ 10 m. Các chiến sĩ chốt giữ ở đó chủ yếu là người Hà Nội. Khi tôi lên kiểm tra, anh em ôm chầm lấy thủ trưởng và nói: "Mọi người cứ nói chúng em là lính Hà Nội, là công tử, không thể chiến đấu được. Nhưng chúng em thề sẽ ở đây, chiến đấu tới cùng, không để 1 tấc đất của Tổ quốc rơi vào tay địch". Quả đúng như vậy. 5 năm liên tục chiến đấu, đơn vị không có chiến sĩ nào đào ngũ, rút lui. Các trận địa vẫn được giữ vững.
Sau trận phản kích ngày 12.7.1984 không thành công, ta bị tổn thất lớn. Bộ Quốc phòng cử đồng chí Nguyễn Hữu An lên làm Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng thay cho đồng chí Lê Duy Mật. Sau thời gian cùng với thiếu tướng Hoàng Đan (người được Bộ cử lên làm cố vấn mặt trận) nghiên cứu tình hình, nhận thấy cán bộ, chiến sĩ có tâm lý mỏi mệt, các đồng chí đã phân tích rõ: "Do công tác bảo đảm (tiếp tế đạn dược, lương thực, nhất là nguyên vật liệu để củng cố hầm hào sau khi ta đã giành được điểm cao) không theo kịp trận đánh. Dẫn tới việc địch dùng hỏa lực mạnh bắn vào trận địa, thì ta không phòng ngự được".
Chính vì vậy, sau khi bàn bạc, trinh sát, chuẩn bị kỹ, Bộ Chỉ huy mặt trận đã quyết định chọn 1 điểm cao thích hợp để đánh vào cố giữ bằng được, nhằm giải tỏa tư tưởng bi quan và củng cố lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ Vị Xuyên.
Sáng 31.5.1985, ta tổ chức tiến công điểm cao A6b. Chỉ trong vòng 1 giờ, ta giành được trận địa. Đồng thời lực lượng phía sau chuyển nguyên vật liệu lên củng cố công sự, bổ sung cho lực lượng chốt giữ. Liên tiếp 13 ngày đêm, địch tổ chức phản kích 21 lần nhưng không lấy lại được, mà còn thiệt hại nặng.
Đánh giặc thì đúng là khó khăn, nguy hiểm. Nhưng điều quan trọng nhất là ý chí quyết tâm, tinh thần quyết chiến quyết thắng, thông minh sáng tạo, tìm ra cách đánh phù hợp, thì kẻ địch mạnh đến đâu ta cũng có thể đánh thắng. Chính những khó khăn, nghiệt ngã trên chiến trường lại trở thành một thứ vũ khí vô hình mà hiệu quả của mỗi người lính, khi đối mặt với quân thù"...
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, 91 tuổi, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2 (trích Hồi ký Chiến thắng Vị Xuyên; Ban Liên lạc cựu chiến binh toàn quốc mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên; xuất bản năm 2018)
Không ai muốn chiến tranh
... "Ngày 7.1.1987, đối phương sử dụng lực lượng mở đợt tấn công lớn chưa từng có từ sau năm 1979, hòng đẩy lui ta khỏi khu vực phía bắc suối Thanh Thủy. Tuy nhiên, âm mưu này bị ta đánh bại và họ bị thiệt hại nặng.
Sau trận 7.1.1987, tình hình chiến trường trở nên yên ắng và có dấu hiệu: binh sĩ đối phương ở trận địa đối diện muốn hòa bình, không muốn đánh nhau.
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị giao Cục Tuyên truyền đặc biệt (nay là Cục Dân vận) cử 1 tổ công tác trực tiếp lên Vị Xuyên nghiên cứu, nắm tình hình. Cục trưởng Đặng Văn Duy giao trung tá Hoàng Duy Hòa làm tổ trưởng. Thành viên gồm thiếu tá Khuất Duy Đạo và 2 đại úy Bùi Thuận Hóa, Bùi Hồng Việt.
Thiết bị mang theo, ngoài quân tư trang cá nhân, súng ngắn, còn có máy ghi âm loại "cục gạch", 1 máy ảnh Kiev cũ, mấy cuốn băng ghi nhạc disco và ca khúc VN, cùng mấy bao thuốc lá, bánh kẹo Hải Châu...
Cuối tháng 7.1987, tổ công tác có mặt tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 356 và sau đó chia làm 2 nhóm. Tôi và anh Đạo được trinh sát dẫn lên khu H (điểm cao 685), ghi nhận sự tiếp xúc của cán bộ chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 (Quân khu 2) với binh lính Trung Quốc ở công sự đối diện.
Sáng sớm hôm ấy, chúng tôi bò lên chốt H3 để bố trí anh em chủ động gọi lính bên kia ra tiếp xúc. Anh em chọn vị trí cho tôi nằm, cách chỗ 2 bên gặp nhau khoảng 4 m, ngồi che cho tôi chụp hình (nếu phát hiện có người lạ, lính bên kia chui vào hầm ngay). Rạng sáng, thấy bộ đội ta hô "1, 2, 3, 4" ra thể dục; bên kia cũng hô "i, ơ, xan, xư" rất rôm rả. Thậm chí, lính họ còn gọi tên bộ đội ta.
Theo kế hoạch, anh em ta mang bao thuốc lá, gói kẹo Hải Châu cùng băng nhạc Boney M. Bên kia thì xách đài cassette ra. Và một cảnh tượng có lẽ không bao giờ có trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, diễn ra ngay trước mắt tôi: 5 - 6 gã lính chiến của cả 2 bên, cùng cởi trần, mặc quần đùi, râu tóc dài thượt, miệng phì phèo thuốc lá, uốn mình nhảy giật theo nhịp trống của ban nhạc disco Boney M. đang rất thịnh hành thời điểm ấy.
Tôi run lên do xúc động, bởi một cảm giác khó tả, cứ giơ máy ảnh lên giữa khe hở của 2 chiến sĩ ngồi chắn trước mặt, bấm, lên phim, lại bấm...
Cuộc tiếp xúc diễn ra khoảng 20 phút thì mặt trời lên, sương mù tan dần. Lính hai bên bắt tay chào nhau. Bộ đội ta tặng họ băng nhạc, thuốc lá, kẹo kèm theo truyền đơn. Họ tặng ta thịt hộp và mấy cuốn truyện tranh Tam Quốc...
Về đến Hà Nội, tôi hồi hộp mang cuộn phim xuống bộ phận làm ảnh của Tổng cục Chính trị để in tráng. Khi những hình ảnh lờ mờ của cuộc tiếp xúc và phong cảnh "lò vôi thế kỷ" hiện ra, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Kết quả chuyến đi được báo cáo lên Tổng cục Chính trị và sang Bộ. Rồi chúng tôi được Văn phòng Bộ thông báo: "Đại tướng - Bộ trưởng Lê Đức Anh sẽ sang Cục Tuyên truyền đặc biệt, nghe tổ công tác báo cáo trực tiếp".
Một ngày đầu tháng 8.1987, tại phòng họp của Cục, sau khi nghe chúng tôi báo cáo và nhìn những hình ảnh, hiện vật mang về, Bộ trưởng Lê Đức Anh trầm ngâm rồi nói: "Tôi đã biết đây là cuộc chiến tranh không bên nào muốn tiến hành mà. Tới đây sẽ có những quyết định quan trọng". Bộ trưởng cũng chỉ đạo: "Cần duy trì và mở rộng việc tiếp xúc, gặp gỡ binh sĩ đối phương trên các hướng phòng ngự. Các hướng khác có thể thí điểm vài nơi tiếp xúc với binh sĩ và nhân dân đối phương để làm công tác tuyên truyền đặc biệt. Nhưng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy và người chỉ huy"...
Sau đó, ngày 27.8.1987, Cục Tuyên truyền đặc biệt ra Hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đặc biệt trong tiếp xúc ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên..., mở ra giai đoạn mới: tiến hành tiếp xúc, vận động binh sĩ đối phương tại các trận địa tiền duyên để chống lấn chiếm, giữ đất"...
Đại tá Bùi Thuận Hóa, nguyên Trưởng phòng Tuyên truyền đặc biệt, Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN
Bình luận (0)