'Bắt việt vị bán tự động' là gì ?

03/07/2022 09:45 GMT+7

FIFA vừa xác nhận: kỹ thuậtWorld Cup 2022' target='_blank' rel='noopener noreferrer'>World Cup 2022 chuẩn bị áp dụng công nghệ bắt việt vị ‘bán tự động’"> bắt việt vị bán tự động (semi-automatic offside technology - gọi tắt là SAOT) sẽ được áp dụng tại VCK World Cup 2022.

Hệ thống kỹ thuật này đã được FIFA thí nghiệm suốt 2 năm qua và dùng thử tại hai giải đấu gần đây là Cúp Ả Rập và FIFA Club World Cup, hồi đầu năm. Kết quả tốt đẹp, dĩ nhiên rồi.

SAOT chỉ là một phần của VAR (video assistant referee, tức phương pháp xem lại sự kiện qua hình ảnh để trợ giúp trọng tài) mà khán giả đều đã quen thuộc. Hệ thống kỹ thuật này chỉ làm đúng một việc: giúp trọng tài bắt việt vị nhanh và chính xác hơn. Khác biệt chủ yếu so với phương pháp VAR là SAOT cho ra kết quả rất nhanh. Theo FIFA, nếu như thời gian trung bình để xử lý một tình huống việt vị theo phương pháp VAR là 70 giây thì bây giờ chỉ còn 25 giây khi có thêm sự trợ giúp của SAOT. Không biết FIFA “tính trung bình” như thế nào, chứ trên thực tế, so với cảnh xử lý VAR quen thuộc ở Premier League, phải nói là VAR với sự trợ giúp của SAOT nhanh và hay hơn gấp bội!

World Cup 2022 chính thức sử dụng hệ thống xác định việt vị bán tự động

IBC

Lâu nay, trọng tài trong phòng VAR lập tức xem lại qua hình ảnh chiếu chậm, xem tổ trọng tài trên sân vừa có quyết định sai hay đúng trong một tình huống quan trọng, rồi thông báo với trọng tài chính qua tai nghe. Nếu đúng thì trận đấu tiếp diễn, nếu sai thì trọng tài cho dừng trận đấu để tận mắt kiểm chứng (qua màn hình) cái điều vừa được trọng tài VAR thông báo. Trong trường hợp tin tưởng trọng tài VAR thì trọng tài chính thậm chí chẳng cần xem lại hình ảnh để đưa ra phán quyết cuối cùng.

Khác biệt từ SAOT là hệ thống kỹ thuật này phân tích rất cầu kỳ, với một số lượng dữ liệu khổng lồ mà hệ thống camera ghi được, rồi lập tức cho ra kết quả rất nhanh và chính xác: cầu thủ đã rơi vào thế việt vị hay chưa. Câu trả lời rõ ràng “việt vị” hoặc “chưa việt vị” được SAOT gửi đến phòng VAR trong khoảng thời gian rất ngắn. Có câu trả lời ấy rồi thì trọng tài VAR chỉ cần kiểm chứng nhanh và thông báo kết quả cho trọng tài chính. Gọi là “tự động” vì SAOT lập tức cho ra kết quả, với độ chính xác miễn bàn - y như kiểu “mắt ó” trong môn quần vợt. Khán giả truyền hình không còn phải ngao ngán xem đi xem lại những vạch xanh, đỏ, rất loằng ngoằng như lâu nay. Nhưng chỉ là “bán tự động” bởi: tóm lại thì SAOT chỉ phán ngay (và chính xác) đúng một chi tiết: cầu thủ trong cuộc đã ở vị trí việt vị hay chưa. Như mọi người đã biết: còn tùy “cầu thủ đứng ở vị trí việt vị” tham gia vào pha bóng đến mức độ nào, có gây ảnh hưởng gì hay không, mà trọng tài quyết định đội tấn công có phạm lỗi việt vị hay không. Và cuối cùng thì trọng tài trên sân vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Máy móc thì chính xác rồi. Nhưng, xin nhắc lại, SAOT chỉ phân tích mỗi tình huống nghi ngờ việt vị. Còn bao điều quan trọng khác, nhất là những động tác va chạm có mức độ nặng nhẹ đến đâu, có thể tính là cố ý phạm lỗi hay không, tình huống bóng chạm tay có thể tránh hay không hoặc có chủ đích hay không… thì cuối cùng vẫn do trọng tài quyết định, sau khi được xem lại hình ảnh từ VAR. Nghĩa là vẫn sẽ… tranh cãi mà thôi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.