Cử tri Đức sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày 23.2 để chọn ra quốc hội mới. Kỳ bỏ phiếu lần này gần như chắc chắn sẽ mang đến sự thay đổi cho vị trí lãnh đạo đất nước, khi phe bảo thủ CDU/CSU (Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo) do ông Friedrich Merz lãnh đạo đang tạo được cách biệt lớn.
Phe bảo thủ giữ lợi thế
Các cuộc thăm dò trong nhiều tháng qua đều cho ra kết quả tương tự ở 4 chính đảng lớn. Khảo sát của YouGov ngày 17.2 cho thấy CDU/CSU duy trì thế dẫn đầu với 27% người ủng hộ, bỏ xa vị trí thứ 2 là đảng cực hữu AfD (Sự lựa chọn vì nước Đức) của bà Alice Weidel - nhận được 20%. Đảng SPD (Dân chủ Xã hội) của đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đảng Xanh của ông Robert Habeck lần lượt xếp sau với 17% và 12%.
Yếu tố nào đang quyết định cuộc bầu cử ở Đức?
Dù đang dẫn đầu, liên minh của ông Merz vẫn cần lưu tâm đến số ghế giành được trong tổng số 630 ghế quốc hội được bầu. CDU/CSU càng giành nhiều ghế thì càng tránh được nguy cơ phải liên minh với nhiều đảng để tạo thế đa số tại quốc hội.
"Tôi muốn đảm bảo về mặt chiến lược rằng chúng tôi có ít nhất 2 lựa chọn, và chỉ cần một, có thể là SPD hoặc đảng Xanh", ông Merz nói trong buổi tranh luận ứng viên thủ tướng Đức ngày 16.2, theo Politico. Ông cũng loại trừ khả năng liên minh với phe cực hữu AfD. Nếu rơi vào tình thế phải hợp tác với nhiều hơn 1 đảng, phe của ông Merz có thể gặp khó khăn khi vận hành chính phủ, do khả năng xuất hiện quan điểm khác nhau giữa các đảng.

4 ứng viên tranh luận ngày 16.2: (Từ trái sang) ông Scholz (SPD), ông Habeck (đảng Xanh), ông Merz (CDU/CSU) và bà Weidel (AfD)
ẢNH: REUTERS
Kết quả thăm dò toàn quốc cũng cho thấy sự trỗi dậy rõ rệt của phe cực hữu, khi AfD dự kiến đứng thứ 2 với tỷ lệ ủng hộ 22%, cao hơn gấp đôi kết quả bầu cử năm 2021. Ở nhóm dưới, các đảng nhỏ, gồm FDP (đảng Dân chủ Tự do), đảng Cánh tả và đảng BSW sẽ phải nỗ lực để thu về 5% phiếu bầu, điều kiện cần để bước chân vào quốc hội Đức. Kết quả bầu cử của các đảng nhỏ cũng có thể tác động đến bức tranh tổng thể, nếu đảng đó nắm số ghế vừa đủ để liên minh với đảng dẫn đầu nhằm tạo chính phủ đa số.
Những vấn đề quan trọng
Kinh tế và nhập cư là 2 vấn đề lớn được các đảng nêu bật lập trường nhằm thu hút sự ủng hộ. Theo Reuters, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vào năm ngoái ghi nhận suy thoái năm thứ hai liên tiếp. Giá năng lượng cao đã tác động lớn đến tình hình kinh tế, đời sống của những hộ gia đình và doanh nghiệp tại Đức. Trong 4 đảng dẫn đầu cuộc đua, CDU/CSU, SPD và đảng Xanh đồng ý mở rộng năng lượng tái tạo để giảm chi phí nhưng lại khác nhau về lập trường chi tiêu. CDU và AfD đề xuất xem xét trở lại sử dụng năng lượng hạt nhân, ý tưởng bị 2 đảng lớn còn lại phản đối. Trong khi đó, AfD không đồng tình với việc trợ cấp cho dự án năng lượng tái tạo.
Tình hình nhập cư nóng lên gần đây với những vụ tấn công nghiêm trọng tại Đức có nghi phạm là người nước ngoài. Điều này làm gia tăng lo ngại của công chúng về an ninh và các đảng cũng đưa ra lập trường siết chặt nhập cư. Ở vấn đề này, AfD có quan điểm cứng rắn khi kêu gọi đóng cửa biên giới, xóa hạn ngạch tiếp nhận tị nạn. Một số thành viên cấp cao trong AfD còn muốn trục xuất hàng triệu người có gốc nước ngoài, bao gồm người đã có quyền công dân Đức.
Trong khi đó, quyết định của ông Friedrich Merz khi đưa ra bỏ phiếu 2 dự luật chống nhập cư được AfD ủng hộ đã gây làn sóng phẫn nộ. Những người phản đối cho rằng ông Merz đã phạm điều cấm kỵ khi phá vỡ "tường lửa" - một lập trường chính trị kể từ sau Thế chiến 2, theo đó các chính đảng tại Đức sẽ không công khai ủng hộ hay hợp tác với các đảng cực hữu. SPD cũng muốn kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, kết hợp tuyển chọn lao động nước ngoài có tay nghề. Ở chiều ngược lại, đảng Xanh mang lập trường duy trì chính sách tị nạn cởi mở và tăng cường hội nhập.
Bầu cử quốc hội Đức diễn ra như thế nào ?
Khoảng 59 triệu cử tri Đức từ 18 tuổi đủ điều kiện bỏ phiếu vào ngày 23.2. Mỗi người sẽ có 2 phiếu bầu. Lá phiếu đầu tiên sẽ bầu cho ứng viên thuộc 299 khu vực bầu cử, phiếu còn lại sẽ bầu cho các đảng chính trị. Số lượng ghế quốc hội còn lại sẽ được chia cho các đảng theo tỷ lệ phiếu bầu thứ 2.
Mỗi đảng cần nhận ít nhất 5% phiếu bầu để có thể bước chân vào quốc hội Đức. Nếu không đủ tỷ lệ trên, đảng vẫn có thể nhận ghế tại quốc hội nếu có ít nhất 3 ứng viên đảng đó chiến thắng tại 299 khu vực bầu cử. Năm nay cũng là lần thứ 4 Đức bầu cử sớm kể từ sau Thế chiến 2.
Bình luận (0)