Bầu cử Mỹ 2024: tốn kém, sít sao nhưng rồi nhanh ngã ngũ

07/11/2024 10:06 GMT+7

Người thắng cử Donald Trump đã nhận được lời chúc mừng, người thua cuộc Kamala Harris cũng đã lên tiếng. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 từ chỗ tốn kém nhất, sít sao và nhiều bước ngoặt nhất đã ngã ngũ một cách nhanh chóng.

Hạ màn nhanh chóng

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đều đã gọi điện cho ông Donald Trump - người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Dù có kết quả không như mong muốn nhưng chủ nhân Nhà Trắng đương nhiệm và phó tướng của mình - cũng là ứng viên đảng Dân chủ đều cam kết đảm bảo chuyển giao quyền lực trong hòa bình và suôn sẻ.

Ông Donald Trump - tổng thống thứ 45 của Mỹ quay lại Nhà Trắng thành công với tư cách tổng thống đắc cử. Ông đã nhanh chóng có bài phát biểu mừng chiến thắng bên cạnh gia đình và trước những người ủng hộ tại bang Florida. Ông cũng nhận được những lời chúc mừng từ rất sớm của lãnh đạo hàng loạt quốc gia trên thế giới.

Bầu cử Mỹ 2024: tốn kém, sít sao nhưng rồi nhanh ngã ngũ- Ảnh 1.

Ông Trump là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024

Ảnh: AFP

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay cứ ngỡ sẽ phải kéo dài thời gian chờ đợi kết quả nhưng mọi chuyện lại ngã ngũ rất nhanh. Ngay sau khi ông Trump được dự phóng ở hai bang chiến trường là Georgia và Pennsylvania, khoảng 13 giờ ngày 6.11 theo giờ Việt Nam, lần lượt các hãng truyền thông lớn của Mỹ gọi tên ông Trump là người chiến thắng khi hội đủ 270 phiếu đại cử tri.

Tường thuật từ phòng phiếu ở thủ đô Mỹ

Đầy bước ngoặt

Điều này trái ngược với giai đoạn cuộc đua diễn ra. Chiến dịch của cả 2 ứng viên Dân chủ và Cộng hòa đều gây ấn tượng mạnh. Nếu như ông Donald Trump của đảng Cộng hòa có hành trình tranh cử ồn ào khi đang gặp rất nhiều rắc rối pháp lý và cũng là một ứng cử viên đặc biệt với những bước ngoặt lớn.

Ông Trump đã không nhận thua trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm, nơi ông bị ông Joe Biden của đảng Dân chủ đánh bại. Ông Trump là tổng thống đầu tiên của Mỹ bị luận tội tới 2 lần, ông cũng là người bị truy tố và buộc tội nhiều tội danh.

Ông trở lại đường đua tranh cử từ tháng 11.2022 và có chiến dịch rất rầm rộ. Ông Trump thể hiện tốt hơn hẳn trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với Tổng thống Biden vào cuối tháng 6, lúc đó ông Biden đang là ứng viên của đảng Dân chủ.

Bước ngoặt nữa xảy ra khi ông Trump bị ám sát hụt ngay giữa một buổi mít tinh tranh cử ngày 13.7. Hình ảnh một tay ôm tai đang chảy máu, một tay vẫn giơ nắm đấm lên trời của ông Trump đã trở thành biểu tượng tranh cử. Cũng ngay sau đó, hàng loạt nhân vật nổi bật lên tiếng ủng hộ ông trong cuộc đua và tỷ lệ ủng hộ từ phía cử tri cũng gia tăng nhanh chóng.

Đến ngày 21.7, một dấu mốc đặc biệt của cuộc đua khi ông Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua và ủng hộ phó tướng của mình là bà Harris tranh cử. Chỉ ít ngày sau, bà Harris bắt đầu tranh cử và nhanh chóng trở thành ứng viên Dân chủ.

Vì sao tổng thống Mỹ đắc cử phải đợi 2 tháng mới nhậm chức?

Chiến dịch tranh cử ngắn nhất lịch sử

Phó tổng thống Harris kết thúc chiến dịch tranh cử với điểm dừng chân cuối cùng ở Philadelphia, bang Pennsylvania vào tối 4.11 giờ Mỹ, chỉ ít giờ trước khi ngày bầu cử chính thức 5.11 bắt đầu.

Bà khởi động chiến dịch từ hồi tháng 8 và toàn bộ hành trình vận động tranh cử chỉ kéo dài 107 ngày, ngắn nhất lịch sử Mỹ hiện đại.

Chặng đường của bà cũng đầy cảm xúc khi là người phụ nữ da màu đầu tiên đại diện cho một trong hai chính đảng lớn của Mỹ tranh cử tổng thống - điều chưa từng có trong tiền lệ. Đây cũng là "cái nhất" tiếp theo trong cuộc đời và sự nghiệp của bà Harris.

Nữ phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ cũng nhanh chóng huy động được số tiền ủng hộ khổng lồ trong thời gian cực ngắn. Bà thể hiện không tệ trong cuộc đua và nhiều khảo sát trước bầu cử cho thấy bà nhỉnh hơn ông Trump về tỷ lệ ủng hộ trong một số vấn đề.

Sít sao, gay cấn đến phút chót

Cuộc đấu giữa hai ứng viên Trump và Harris sít sao trên mọi mặt trận, dù là khảo sát toàn quốc hay ở các bang chiến địa. Trong hai người, không có ai trội hẳn để có thể chắc chắn thắng cử. Bởi vậy cả hai đều tận dụng từng giây phút đến cuối cùng để thuyết phục cử tri bầu cho mình.

Cả hai quyết liệt nhắm vào đối phương và đều hiểu rằng chưa ai giành lợi thế đủ lớn trong cuộc đua của mình. Và đúng như đã dự báo, kết quả ở 7 bang chiến địa gồm Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Bắc Carolina, Georgia, Arizona và Nevada định hình cuộc đấu này.

Kết quả khảo sát cử tri trước bầu cử cho thấy ông Trump và bà Harris mỗi người nhỉnh hơn đối phương ở một số bang nhưng trong phạm vi sai số, tức không có gì chắc chắn bang đó sẽ ngả xanh hay ngả đỏ.

Ngay khi có kết quả dự phóng ở Pennsylvania và Georgia ngả về màu đỏ của đảng Cộng hòa, phía ông Trump đã ăn mừng, còn phía bà Harris không lên tiếng ngay. Nhưng cuộc đua coi như ngã ngũ.

Tranh cử Tổng thống Mỹ đắt đỏ như thế nào?

Và tốn kém nhất lịch sử

Cũng không thể không kể đến số tiền đã được đổ vào cuộc đua năm nay. APF ngày 6.11 dẫn số liệu từ tổ chức phi lợi nhuận OpenSecrets cho khoản chi tiêu cho cuộc bầu cử Mỹ 2024, xác nhận kỳ bầu cử năm 2024 tiêu tốn 15,9 tỉ USD, vượt qua con số 15,1 tỉ USD đã chi cho cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 và tăng gấp đôi so với con số 6,5 tỉ USD của năm 2016.

Đây là kỳ bầu cử tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ hiện đại. Chiến dịch tranh cử của bà Harris đã trực tiếp huy động được hơn 1 tỉ USD, trong đó 40% đến từ các nhà tài trợ nhỏ, cộng thêm 586 triệu USD tiền ủng hộ từ các ủy ban hành động chính trị. Trong khi đó, chiến dịch của ông Trump đã huy động được 382 triệu USD trực tiếp, trong đó có 28% đến từ các nhà tài trợ nhỏ, và các ủy ban liên kết đóng góp 694 triệu USD.

Tổng cộng, 10,5 tỉ USD đã được chi cho các quảng cáo chiến dịch tranh cử trong các cuộc đua từ tổng thống đến các quan chức địa phương, theo dữ liệu do công ty theo dõi quảng cáo AdImpact đưa ra.

Pennsylvania dẫn đầu các bang chiến địa về chỉ tiêu cho cuộc tranh cử tổng thống với 264 triệu USD, tiếp theo là Michigan với 151 triệu USD và Georgia với 137 triệu USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.