Theo dữ liệu của dự án Election Lab của Đại học Florida (Mỹ), tính đến hôm qua, đã có gần 42 triệu cử tri bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Trong khi ngày bầu cử chính thức đang đến gần, hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris đang trình bày những thông điệp chính nhằm thuyết phục những cử tri chưa quyết định.
Thông điệp cuối
Cuối tuần qua, cựu Tổng thống Trump đưa ra trước tầm nhìn của ông cho nhiệm kỳ tổng thống lần 2. Tại sự kiện ở New York, ứng viên đảng Cộng hòa đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng nhập cư trái phép và tuyên bố "sẽ khởi động chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ ngay ngày đầu nhiệm kỳ", theo Reuters. Bài phát biểu cũng tập trung về cáo buộc cho rằng chính quyền đương nhiệm, trong đó bà Harris là Phó tổng thống, đã phá hỏng nền kinh tế và chính sách nhập cư, và ông Trump sẽ khắc phục sau khi tái nhậm chức.
Bầu cử Mỹ: Bà Melania Trump bất ngờ xuất hiện, phát biểu cổ vũ chồng
Bên cạnh đó, ông Trump công bố chính sách mới nhằm cung cấp một hạn mức tín dụng thuế cho những người là trụ cột gia đình, cam kết giảm một nửa giá năng lượng và giảm thuế doanh nghiệp. Ông không trình bày rõ kế hoạch kinh tế bởi việc thay đổi quy định về thuế cần được quốc hội thông qua, trong khi chưa có gì đảm bảo đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát lưỡng viện sau kỳ bầu cử này. Ngoài ra, sự kiện tại New York còn gây tranh cãi bởi những phát biểu bị cho là mang tính phân biệt chủng tộc, thô tục từ những đồng minh của vị cựu tổng thống.
Trong khi đó, bà Harris có các sự kiện vận động tại Philadelphia, thành phố lớn nhất tại bang chiến trường quan trọng bậc nhất là Pennsylvania, để thu hút cử tri gốc Puerto Rico, vùng lãnh thổ bị một đồng minh tại sự kiện của ông Trump miêu tả là "đảo rác".
Trong ngày 29.10, bà Harris sẽ có cuộc vận động quan trọng tại công viên Ellipse ở Washington D.C, nơi mà vào ngày 6.1.2021 ông Trump có bài phát biểu trước khi người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội để cản trở việc phê chuẩn chiến thắng của ông Joe Biden. NBC News dẫn lời các trợ lý của bà Harris cho hay phó tổng thống sẽ tập trung vào việc miêu tả ông Trump là mối đe dọa cho nền dân chủ, đồng thời nêu bật tầm nhìn và kế hoạch trong nhiệm kỳ tương lai của bà.
Lo ngại bạo lực hậu bầu cử Mỹ
Lo ngại hậu bầu cử
Hiện tại, đã xuất hiện những lo ngại từ trong và ngoài nước Mỹ về cả 2 kịch bản ông Trump thua hoặc thắng. Theo AFP, một bộ phận người Mỹ lo rằng với bản tính không chấp nhận thua cuộc của ông Trump, tình trạng bạo lực có thể sẽ lại tái diễn như sau cuộc bầu cử 4 năm trước. Sự cân bằng trong các cuộc khảo sát báo hiệu kết quả cuộc đua có thể được phân định bởi vài chục ngàn phiếu bầu và là cơ sở cho những tranh cãi, kiện tụng sau bầu cử. Nhà phân tích chính trị Adrienne Uthe của Hãng truyền thông Kronus Communications (Mỹ) dự báo mâu thuẫn pháp lý có thể kéo dài nhiều tuần và tùy vào mức độ có thể dẫn đến biểu tình, thậm chí bạo lực. Theo khảo sát của Scripps News/Ipsos mới đây, gần 2/3 người Mỹ dự đoán sẽ có bạo lực sau bầu cử.
Trong khi đó, tại các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington D.C tuần qua, giới chức tài chính các nước bày tỏ lo ngại về tác động tiềm tàng của chính quyền Trump nhiệm kỳ 2. Theo Reuters, trong số những lo ngại lớn là hệ thống tài chính toàn cầu bị thay đổi bởi việc tăng thuế mạnh, gia tăng phát hành nợ và đảo ngược nỗ lực chống biến đổi khí hậu để ưu tiên sản xuất năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Trái lại, một chiến thắng cho bà Harris được xem là sự tiếp nối chính sách hợp tác đa phương của chính quyền Biden trong 4 năm qua về các lĩnh vực khí hậu, thuế doanh nghiệp, giảm nợ.
"Mọi người có vẻ lo ngại đối với sự không chắc chắn cao về việc ai sẽ trở thành tổng thống kế tiếp và chính sách nào sẽ được thực thi", Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Ueda Kazuo cho hay.
Bình luận (0)