BẦU CỬ MỸ ĐẾM NGƯỢC: Tranh cử ít tiền làm sao thắng?

BẦU CỬ MỸ ĐẾM NGƯỢC: Tranh cử ít tiền làm sao thắng?

25/10/2024 19:00 GMT+7

Bản tin Bầu cử Mỹ đếm ngược - nơi tổng hợp các thông tin đáng chú ý nhất liên quan đến kỳ bầu cử Mỹ năm 2024 được phát vào lúc 19 giờ hằng ngày trên các nền tảng của Báo Thanh Niên cho đến ngày bầu cử Mỹ chính thức.

Theo cập nhật từ chuyên trang về khảo sát bầu cử Mỹ - FiveThirtyEight, tính đến ngày 25.10.2024, kết quả tổng hợp thăm dò dư luận trên khắp nước Mỹ cho thấy ứng viên Kamala Harris của đảng Dân chủ, với tỷ lệ ủng hộ 48,1% đang dẫn trước ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa, người nhận tỷ lệ ủng hộ 46,4 điểm phần trăm - không thay đổi nhiều so với ngày hôm qua.

BẦU CỬ MỸ ĐẾM NGƯỢC: Tranh cử ít tiền làm sao thắng?- Ảnh 1.

Tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ

ĐỒ HỌA: QUỲNH PHƯƠNG

Cũng theo FiveThirtyEight, tỷ lệ cử tri Mỹ có ý kiến tích cực về bà Kamala Harris hiện nay là 46,4% và tỷ lệ ý kiến tiêu cực dành cho bà là: 47,5%.

Trong khi đó, số cử tri Mỹ có ý kiến tích cực về ông Donald Trump chiếm tỷ lệ 43,5% còn số ý kiến tiêu cực dành cho cựu tổng thống chiếm 52,2%.

FiveThirtyEight cũng sử dụng dữ liệu thăm dò, kinh tế và nhân khẩu học để phân tích các kết quả có thể xảy ra trong cuộc bầu cử. Theo kết quả 1.000 lần chạy mô phỏng bỏ phiếu: Tỷ lệ chiến thắng của ông Donald Trump hiện nay là khoảng 51% và của bà Harris là khoảng 49%.

Có ít hơn 1% khả năng không có người nào giành đủ số phiếu đại cử tri tối thiểu để thắng cử.

BẦU CỬ MỸ ĐẾM NGƯỢC: Tranh cử ít tiền làm sao thắng?- Ảnh 2.

Ông Donald Trump hiện đang có khả năng thắng cao hơn bà Kamala Harris theo kết quả 1.000 lần chạy mô phỏng bỏ phiếu

ĐỒ HỌA: QUỲNH PHƯƠNG

11 ngày nữa là cuộc đua tranh cử khép lại, một cuộc thăm dò từ Bloomberg News và Morning Consult cho thấy rất khó để đoán được ai sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Ông Trump đang chiếm ưu thế trong số cử tri nam giới, nhưng ông có thể đánh mất các lá phiếu từ cử tri nữ. Theo cuộc thăm dò của USA Today/Đại học Suffolk, ông Trump có tỷ lệ ủng hộ từ cử tri nam giới là 53%, còn bà Harris chỉ được 37%. Tuy nhiên, tỷ lệ này hoàn toàn đảo ngược khi cử tri là nữ - có 53% ủng hộ bà Harris, nhưng chỉ có 36% ủng hộ cựu Tổng thống Trump.

Nhưng dù nhiều cuộc khảo sát cho thấy khoảng cách giới tính giữa các cử tri ngày càng tăng, bà Harris cho biết bà không thấy sự khác biệt này ở các cuộc vận động tranh cử của mình.

Bà cho biết: "Những gì tôi đang thấy là ở mức độ ngang nhau, cả nam lẫn nữ đều nói về những lo ngại của mình về tương lai nền dân chủ của chúng ta".

Cả Phó tổng thống Harris và đối thủ đảng Cộng hòa đều dành cả ngày 24.10 để tham gia các cuộc vận động khắp các bang chiến trường. Phát biểu trong sự kiện vận động tranh cử ở tiểu bang Nevada (Mỹ) ngày 24.10, ông Trump khẳng định nếu thắng cử vào ngày 5.11 thì ngay đêm đó ông sẽ gọi điện thoại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông tuyên bố: “Tôi sẽ nói với hai người họ rằng chúng ta phải ngăn chặn xung đột" và "tôi sẽ cố gắng hoàn thành việc này với tư cách là tổng thống đắc cử. Điều đó sẽ mang lại cho tôi rất nhiều uy tín. Tôi sẽ không đợi đến buổi nhậm chức vào ngày 20.1.2025. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành sớm hơn thế".

Ông Putin tại hội nghị của khối BRICS mới đây tại Nga cũng đã nhắc đến ông Trump.

Tỉ phú Mỹ Elon Musk hôm qua đã trao khoảng 44 triệu USD cho tổ chức hành động chính trị America PAC do ông thành lập để ủng hộ chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, Reuters ngày 20.10 đưa tin ông Musk, được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu nhất thế giới, đã cung cấp ít nhất 75 triệu USD cho America PAC trong 3 tháng từ tháng 7-9, khiến tổ chức này trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực trở lại Nhà Trắng của ông Trump.

Các khoản quyên góp của tỉ phú Musk cho America PAC đưa ông vào câu lạc bộ những nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa, trong đó có người thừa kế ngân hàng Timothy Mellon và tỉ phú sòng bạc Miriam Adelson.

Cũng trong thông tin liên quan, các tỉ phú Mỹ được cho là đang chi khoản tiền lớn cho mục đích tính minh bạch của cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận định rằng đây là biện pháp dọn đường cho khả năng nếu thất cử, ông Trump lại có thể cáo buộc có gian lận bầu cử và vì vậy không chấp nhận kết quả.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết đã chi hơn 88 triệu USD cho quảng cáo trong nửa đầu tháng này, và ông còn 36 triệu USD trong ngân hàng cho giai đoạn cuối của chiến dịch, theo một hồ sơ gửi đến Ủy ban Bầu cử Liên bang. Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã huy động được 16 triệu USD trong giai đoạn này.

Có một nhận định chung mà các chuyên gia bầu cử đều tán thành, đó là mùa bầu cử của Mỹ càng ngày càng có cảnh bạo chi. Một ước tính cho thấy năm nay chi tiêu cho cả chu kỳ bầu cử - trong đó bao gồm bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội - có thể lên đến 15,9 tỉ USD. Và nếu đúng vậy, đây sẽ là chu kỳ bầu cử đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ.

Chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vẫn chưa nộp báo cáo chi tiết về tài chính của chiến dịch trong nửa đầu tháng này. Tuy nhiên, chiến dịch của bà Harris đã huy động và chi tiêu nhiều hơn chiến dịch của ông Donald Trump trong những tháng gần đây.

Thưa quý vị, cũng trong một thông tin liên quan, các nhóm ủng hộ độc lập cho đến nay đã quyên góp hơn 1 tỉ USD để tiến hành các hoạt động ủng hộ hoặc bài bác các ứng cử viên Harris và Trump. Khoản tiền này cũng đã phá vỡ kỷ lục lập được vào kỳ bầu cử 4 năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.