Theo AFP, một bộ phận người Mỹ lo rằng với bản tính không chấp nhận thua cuộc của ông Trump, tình trạng bạo lực có thể sẽ lại tái diễn như sau cuộc bầu cử 4 năm trước.
Sự cân bằng trong các cuộc khảo sát báo hiệu cuộc đua có thể so kè rất sít sao, kết quả có thể được phân định bằng chênh lệch chỉ vài chục ngàn phiếu bầu, tạo cơ sở cho những tranh cãi, kiện tụng sau bầu cử. Nhà phân tích chính trị Adrienne Uthe của Hãng truyền thông Kronus Communications (Mỹ) dự báo mâu thuẫn pháp lý có thể kéo dài nhiều tuần và tùy vào mức độ có thể dẫn đến biểu tình, thậm chí bạo lực. Theo khảo sát của Scripps News/Ipsos mới đây, gần 2/3 người Mỹ dự đoán sẽ có bạo lực sau bầu cử.
Trong khi đó, tại các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington D.C tuần qua, giới chức tài chính các nước bày tỏ lo ngại về tác động tiềm tàng của chính quyền ông Trump nhiệm kỳ 2.
Theo Reuters, trong số những lo ngại lớn là hệ thống tài chính toàn cầu bị thay đổi bởi việc tăng thuế mạnh, gia tăng phát hành nợ và đảo ngược nỗ lực chống biến đổi khí hậu để ưu tiên sản xuất năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Trái lại, một chiến thắng cho bà Harris được xem là sự tiếp nối chính sách hợp tác đa phương của chính quyền Biden trong 4 năm qua về các lĩnh vực khí hậu, thuế doanh nghiệp, giảm nợ.
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Ueda Kazuo cho biết: "Mọi người có vẻ lo ngại đối với sự không chắc chắn cao về việc ai sẽ trở thành tổng thống kế tiếp và chính sách nào sẽ được thực thi".
Bình luận (0)