"Các bạn đã biết Donald Trump. Ông ấy không phù hợp để lãnh đạo. Hãy nhìn ông ấy. Hãy nghe những người biết ông ấy rõ nhất".
Ban biên tập The New York Times viết trong bài ý kiến ngắn vào ngày 2.11, cho rằng cựu tổng thống là "mối đe dọa cho nền dân chủ".
Bài viết của The New York Times được đính kèm theo hơn 2 chục bài ý kiến khác chỉ trích ông Trump về các chủ đề được nhắc đến trong bài.
Mặc dù kêu gọi không bỏ phiếu cho ông Trump nhưng bài báo không hề nhắc đến đối thủ tranh cử của ông là Phó tổng thống Kamala Harris.
Đây là động thái đáng chú ý, sau khi nhiều tờ báo tại Mỹ, trong đó có các báo lớn như The Washington Post và Los Angeles Times, thông báo không ủng hộ ứng viên nào trong kỳ bầu cử này.
Quyết định của hai tờ báo đã gây tranh cãi lớn và khiến họ bị mất một lượng lớn độc giả đăng ký đọc báo trực tuyến, và nhiều nhà báo nghỉ việc.
Theo tổng hợp của trang Semafor, rất nhiều cơ quan báo chí, truyền thông tại Mỹ, đặc biệt là các tòa soạn báo in, năm nay không ủng hộ ứng viên nào. Trong số các tòa soạn bày tỏ quan điểm, đa số ủng hộ cho bà Harris.
Về việc The Washington Post và Los Angeles Times không ủng hộ ứng viên như truyền thống lâu nay, nhiều nhà bình luận cho rằng quyết định này không ảnh hưởng nhiều đến cử tri.
Tuy nhiên, các chuyên gia truyền thông lập luận ngược lại và khẳng định đã có nghiên cứu chỉ ra rằng sự ủng hộ của báo chí đã làm thay đổi hơn 17 triệu lá phiếu trong 5 cuộc bầu cử tổng thống từ năm 1960-1980.
Chính từ sự im lặng của The Washington Post và Los Angeles Times, ông Trump chớp thời cơ và cho rằng điều này có nghĩa là các tờ báo cho rằng bà Harris "không tốt".
Thực tế, theo Semafor, ban biên tập của 2 báo đã có bản thảo ủng hộ bà Harris nhưng bị chủ sở hữu ngăn không cho đăng.
Chưa rõ lý do là gì song nhiều nhà báo cho rằng công ty không gian Blue Origins của tỉ phú Jeff Bezos, ông chủ của The Washington Post, sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ chính quyền Trump.
Ông Bezos đã bác bỏ ý kiến này, khẳng định hành động của báo là "quyết định nguyên tắc" trước tình trạng công chúng mất lòng tin vào báo chí truyền thông. Trong khi đó, Los Angeles Times không giải thích quyết định của báo.
Bà Nika Soon-Shiong, con gái của Patrick Soon-Shiong - ông chủ của Los Angeles Times - nói với CNN rằng cha bà ngăn việc ủng hộ bà Harris là bởi phó tổng thống ủng hộ cuộc chiến của Israel tại Dải Gaza.
Tỉ phú Patrick Soon-shiong sau đó bác bỏ thông tin này, nhấn mạnh con gái ông không có vai trò gì tại Los Angeles Times và chỉ nêu quan điểm cá nhân.
Bình luận (0)