Cuộc bầu cử quốc hội ngày 26.2 vừa qua là phép thử đối với tương lai Iran.
Một phụ nữ tại Tehran mang theo con đi bầu cử - Ảnh: Reuters |
Đây là lần đầu tiên khoảng 55 triệu cử tri đi bỏ phiếu kể từ sau khi có giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, mở ra bước chuyển giai đoạn về chính trị đối nội lẫn đối ngoại ở nước này.
Cuộc bầu cử là phép thử về sự tán đồng của thường dân lẫn sự chống đối của các thế lực bảo thủ về thỏa thuận hạt nhân cũng như cá nhân Tổng thống Hassan Rouhani, về những mâu thuẫn xã hội và thực trạng tương quan quyền lực ở nước này. Đây đồng thời là phép thử về định hướng tương lai cho các mối quan hệ đối ngoại của Iran, đặc biệt với Mỹ và các nước phương Tây khác, với Ả Rập Xê Út và Israel.
Bầu cử là chuyện nội bộ của các nước, nhưng kỳ bỏ phiếu vừa qua ở Iran lại chịu tác động mạnh mẽ của các chuyện bên ngoài. Trong đó bao gồm việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, điều chỉnh chính sách của Mỹ và EU đối với nước này, tình hình Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, quan hệ giữa Iran với Ả Rập Xê Út và những vương triều khác ở vùng Vịnh liên quan đến cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đến cuộc chiến Ả Rập Xê Út cùng đồng minh tham gia ở Yemen.
Cũng chính vì thế mà kết quả cuộc bầu cử này có tác động mạnh mẽ không kém tới tất cả những nhân tố bên ngoài kể trên. Nếu phe cải cách thắng thế như kết quả kiểm phiếu sơ bộ ban đầu cho thấy thì sẽ có lợi cho Iran bởi sẽ có thể tận dụng tác động tích cực để vô hiệu hóa tác động tiêu cực.
Bình luận (0)