Kết quả từ lá phiếu của các cử tri vào ngày 10.4 đã mở ra một “trận chung kết lượt về” vì tiếp tục là cuộc đối đầu của hai ứng viên vào vòng hai ở kỳ bầu cử năm 2017: Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, đảng Cộng hòa Tiến lên (LREM) và bà Marine Le Pen, đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN). Theo tờ Le Figaro, đây là lần đầu tiên kể từ hơn 40 năm có 2 ứng viên đối đầu nhau trong “chung kết” ở hai kỳ bầu cử Tổng thống Pháp liên tiếp.
“Chung kết lượt về” giữa ông Macron và bà Le Pen hứa hẹn sẽ quyết liệt đến phút chót |
Reuters |
Ông Macron có số điểm cao nhất (27,6% số phiếu), xếp trên bà Le Pen (23,41%) và ông Jean-Luc Mélenchon của đảng cánh tả Nước Pháp không khuất phục (FI - 21,95%). Đây là 3 ứng viên có số điểm rất cách biệt so với 9 ứng viên còn lại, người xếp thứ 4 là ông Eric Zemmour của đảng cực hữu Tái chinh phục chỉ nhận được 7,05% số phiếu, và các ứng viên khác đều có số điểm dưới 5%, thấp hơn chuẩn để được chính phủ chi trả chi phí vận động tranh cử. Tỷ lệ cử tri không đến phòng phiếu trong vòng một tuy cao (25,14%) nhưng vẫn thấp hơn kỷ lục hồi năm 2002 (28,4%).
Bầu cử Tổng thống Pháp: cuộc đua song mã |
Diện mạo mới của chính trường Pháp
Năm 2016, khi thành lập phong trào chính trị trung dung Tiến lên (tiền thân của đảng LREM hiện nay) và chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua vào Điện Élysée diễn ra một năm sau đó, ông Macron từng khẳng định sẽ làm thay đổi diện mạo của chính trường Pháp, vốn vẫn theo định hướng chính trị truyền thống tả - hữu, với hai đảng lâu đời và mạnh nhất vào thời điểm ấy là đảng Xã hội (PS, cánh tả) và đảng Những người Cộng hòa (LR, cánh hữu). Với kết quả chính thức của vòng một bầu cử Tổng thống Pháp 2022, điều khẳng định này đã trở thành sự thật. Trước năm 2017, khó có ai tưởng tượng rằng đảng Xã hội từng có Tổng thống đắc cử năm 2012 - ông François Hollande - đồng thời chiếm luôn thế đa số ở lưỡng viện Quốc hội, 10 năm sau lại chỉ đạt 1,74% số phiếu (ứng viên Anne Hidalgo, Thị trưởng đương nhiệm của Paris). Đảng LR cũng không khá hơn là mấy, khi ứng viên Valérie Pécresse chỉ đạt tỷ lệ 4,79%.
Một hướng tấn công khác của đảng LREM chính là các luận điểm về kinh tế “nhiều sơ hở” trong cương lĩnh tranh cử của bà Le Pen, bao gồm cả chủ đề yêu thích của bà này là “tăng sức mua cho người Pháp”. Kinh tế vốn là chủ đề sở trường của ông Macron vì trước khi đắc cử vào năm 2017, ông từng là báo cáo viên của Ủy ban Phát triển kinh tế Quốc gia (2007), chuyên viên cấp cao của Ngân hàng Rothschild & Cie (2008 - 2012) và Bộ trưởng Kinh tế (2014 - 2016)… Khi cần tranh luận về lĩnh vực này, đương kim Tổng thống sẽ có ưu thế hơn bà Le Pen.
Sau vòng một, nhiều ứng viên khác đã kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron hoặc “không dành bất kỳ phiếu nào cho bà Le Pen” để tránh nguy cơ một đảng cực hữu cầm quyền tại Pháp, nhưng hiệu quả sẽ khó có thể cao như năm 2017. Vì vậy, “chung kết lượt về” sẽ quyết liệt đến phút cuối.
Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho sự “sụp đổ” của PS và LR. Trước hết, những tổng thống gần nhất của hai đảng này không thật sự nổi bật và nhiều cử tri đã chán cảnh chỉ tập trung cho hai lựa chọn trong suốt nhiều thập niên. Kế đến, đảng của ông Macron, với khẳng định trung dung, không tả cũng chẳng hữu, đã lấy đi số phiếu đáng kể từ hai đảng truyền thống, đồng thời cũng thu hút nhiều tên tuổi nổi bật của hai đảng này. Ngoài ra, xu hướng “bỏ phiếu hữu ích” cũng làm nhiều cử tri PS, LR dồn phiếu cho những ứng viên có khả năng chiến thắng cao hơn.
Ngược lại với những đảng “truyền thống”, ông Macron của đảng LREM và bà Le Pen của đảng RN đều có số điểm tăng so với năm 2017 (khi ấy lần lượt là 24,01% và 21,3%). Đây là lần thứ hai sau Tổng thống François Mitterrand (hai nhiệm kỳ, từ 1981-1995), một Tổng thống Pháp tranh cử nhiệm kỳ thứ hai giành được số phiếu ở vòng một cao hơn kỳ tranh cử trước. Và ứng viên Jean-Luc Mélenchon với đảng FI, nhờ số điểm ấn tượng đã được giới quan sát xem là lực lượng chính trị đứng đầu cánh tả ở Pháp, thay cho PS.
Mục tiêu của ông Macron
Tuy về đầu ở vòng một và đang có nhiều lợi thế để tiếp tục là chủ nhân Điện Élysée thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng ông Macron và các cộng sự đều phải dồn toàn lực để đạt kết quả tốt nhất vào ngày 24.4 vì “chung kết lượt về” với bà Le Pen được dự đoán sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với “chung kết lượt đi” cách đây 5 năm.
Nhiệm kì 2 vẫy gọi Tổng thống Pháp Macron |
Các thăm dò mới nhất cho thấy ở vòng hai, Tổng thống Pháp đương nhiệm sẽ chiến thắng với tỷ lệ từ 51 - 54% so với tỷ lệ từ 46 - 49% của ứng viên RN. Rõ ràng chiến lược “cực hữu nhu mì” của bà Le Pen đã có tác dụng khi đảng của bà ngày càng khẳng định vị thế ở Pháp và khoảng cách với ứng viên đứng đầu ngày càng thu hẹp.
20 năm trước, việc cha của bà Le Pen là ông Jean-Marie Le Pen bất ngờ vào vòng 2 bầu cử Tổng thống với ông Jacques Chirac đã tạo nên một cơn “địa chấn” tại nước này. Người dân, nhất là giới trẻ, đồng loạt xuống đường trên khắp nước Pháp để phản đối ứng viên cực hữu. Các ứng viên bị loại sau vòng một đều kêu gọi dồn phiếu cho ông Chirac, và kết quả là ông này đã đắc cử với tỷ lệ áp đảo 82,21%. “Chung kết lượt đi” năm 2017, ông Macron cũng chiến thắng với tỷ lệ cao là 66,1%, hơn xa so với kết quả được dự đoán của năm nay.
Chính vì vậy, ngay từ ngày 11.4, ứng viên của đảng LREM đã gấp rút tập trung cho vòng hai, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là nhấn mạnh vào cương lĩnh tranh cử của đối thủ để đẩy bà Le Pen về với đúng vai trò của một lãnh đạo cực hữu, thay cho hình ảnh nhu mì, thân thiện nhằm “bình thường hóa cực hữu”.
Trên thực tế, ngay từ trước vòng một, ông Macron đã hướng về vòng hai, nên thay vì chỉ tập trung giới thiệu cương lĩnh tranh cử của mình, ông đã bắt đầu có những phát biểu nhằm vào ứng viên của RN. Trả lời nhật báo Le Parisien ngày 7.4, Tổng thống đương nhiệm Pháp quả quyết: “Những chương trình về xã hội mà bà Marine Le Pen hứa hẹn đều là lừa dối, bởi vì bà ấy chẳng thể vạch ra được nguồn ngân sách để chi trả cho những chương trình đó”. Cũng ngay trước vòng một, ông Macron nhấn mạnh rằng RN chính là đảng vẫn ra rả về “nước Pháp đang bị châu Phi hóa”, quan điểm đậm màu kỳ thị chủng tộc thường thấy của các nhóm cực hữu.
Bình luận (0)