Bầu cử tổng thống Pháp quyết liệt đến phút chót

24/04/2022 08:00 GMT+7

Cả hai ứng viên có mặt ở vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp đều “chạy nước rút” để thu hút thêm lá phiếu vào ngày 24.4.

Tối 23.4.2017, ngay sau khi có kết quả về nhất ở vòng 1 kỳ bầu cử tổng thống Pháp, tại nhà hàng nổi tiếng lâu đời ở Paris - La Rotonde, ông Emmanuel Macron đã “ăn tối và gặp gỡ thân mật” với các cố vấn, cộng sự thân cận. Bữa tối ấy lập tức hứng nhiều chỉ trích, ứng viên trẻ tuổi bị cho là “quá tự tin nên ăn mừng sớm” dù chỉ mới vượt qua vòng 1.

Giờ đây, sau gần 5 năm, ngày 10.4.2022, kết quả bỏ phiếu đưa Tổng thống đương nhiệm Macron - ứng viên của đảng Cộng hòa Tiến lên (LREM), gặp lại đối thủ cũ trong vòng 2 là bà Marine Le Pen, ứng viên của đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN). Khác với “chung kết lượt đi” năm 2017, “chung kết lượt về” kỳ này, các cuộc thăm dò dự đoán bà Le Pen tuy thua nhưng thu hẹp đáng kể khoảng cách với người chiến thắng. Chính vì thế, buổi tối của ngày bỏ phiếu vòng 1 - 10.4, ông Macron không hề tổ chức “ăn tối thân mật”, thay vào đó là thông báo lịch gặp gỡ cử tri ngay từ ngày 11.4.

Tổng thống Macron tiếp tục chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận trực tiếp với bà Le Pen

AFP

Mặt đối mặt

Tâm điểm của chặng cuối trong cuộc đua xác định chủ nhân Điện Élysée 5 năm tới là cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên vào ngày 20.4. Năm 2017, cuộc tranh luận tương tự từng được đánh giá là một “thảm họa” với bà Le Pen khi bà chỉ tập trung công kích đối thủ một cách gay gắt, nhưng thiếu luận điểm thuyết phục, và hoàn toàn không thể hiện được bản thân sẽ là một tổng thống ra sao nếu đắc cử. Rút kinh nghiệm, lần này ứng viên của RN chủ động tạo ấn tượng là người cởi mở, là “đại diện của nhân dân”, đặc biệt là những người lao động thu nhập thấp, người sống ở thôn quê hẻo lánh… Thậm chí, bà Le Pen thậm chí còn tự nhận RN “là một đảng nghèo”, để tạo sự tương phản vì ông Macron vẫn bị phe đối lập chỉ trích là “Tổng thống của giới tinh hoa, của những người khá giả”.

Xung đột Nga-Ukraine liệu có ảnh hưởng đến lựa chọn tổng thống Pháp?

Trong khi đó, ứng viên của đảng LREM đã phát huy tối đa thế mạnh về sự thông thạo các chính sách, nắm rõ các số liệu, để phục vụ cho chiến lược được áp dụng xuyên suốt gần 3 tiếng “mặt đối mặt” với ứng viên của RN. Ông Macron chỉ ra bà Le Pen vẫn là một lãnh đạo cực hữu, với một cương lĩnh tranh cử nhiều sơ hở. Chiến lược này đã phát huy tác dụng, trong hầu hết các đề tài, dù là nói về kế hoạch “nếu tôi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai” hay khi phản bác lại luận điểm của đối phương, ông Macron là người đưa ra được nhiều chi tiết, trích dẫn được các con số cụ thể, nhiều lần đẩy bà Le Pen vào thế không thể đáp gì khác hơn ngoài việc khẳng định “điều đó sai”.

Đề xuất… vi hiến

Trong chủ đề về sức mua vốn được ứng viên cực hữu xem là trọng tâm của chiến dịch tranh cử giữa bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng ở Pháp đang tăng, hệ quả từ những ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine lên giá nhiên liệu và lương thực, bà Le Pen cũng tỏ ra thiếu thuyết phục. Bà hứa hẹn sẽ giúp mỗi hộ gia đình tiết kiệm được từ 150 - 250 euro/tháng nhờ vào việc cắt giảm các loại thuế, phí, chẳng hạn như giảm thuế giá trị gia tăng trên nhiên liệu từ 20% còn 5,5%. Lãnh đạo đảng cực hữu cũng khẳng định sẽ miễn giảm thuế cho người lao động dưới 30 tuổi, đồng thời tăng các khoản hỗ trợ cho sinh viên. Tuy nhiên, bà không hề cho biết chính phủ sẽ có biện pháp gì để bù vào các khoản thâm hụt ngân sách khi thực hiện các hỗ trợ vừa nêu.

Về phần tổng thống đương nhiệm, để gia tăng sức mua “cho những người thật sự cần đến”, ông cho biết sẽ tăng các khoản trợ cấp xã hội cho người về hưu, cho sinh viên, gia đình đông con…, đồng thời sẽ tiếp tục duy trì “lá chắn giá cả” - hạn chế mức tăng giá điện ở mức tối đa 4% và cam kết không tăng giá khí đốt. “Lá chắn” này được ông Macron cho rằng hiệu quả hơn giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng trên nhiên liệu. Để bù vào các chính sách giúp tăng sức mua, ông nhấn mạnh về nỗ lực tạo thêm việc làm cho người Pháp. Ông chỉ ra: “Trong nhiệm kỳ vừa qua của tôi, đã có thêm 1,2 triệu người khỏi thất nghiệp”. Bên cạnh đó, theo ông Macron, dự định tăng dần tuổi về hưu từ 62 lên 65 tuổi, cũng sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách.

Ở hai chủ đề quan trọng khác là đối ngoại và quản lý nhập cư, bà Le Pen không chỉ bị lấn lướt khi tranh luận chi tiết, mà còn phát biểu những quan điểm cực hữu mà bà đã cố tình không nói đến trong suốt chiến dịch tranh cử. Cụ thể, bà đề xuất mở cuộc trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp ở khoản liên quan đến nhập cư để “trục xuất những tội phạm người nước ngoài, không cấp giấy tờ cho những ai nhập cư bất hợp pháp, điều chỉnh luật liên quan đến tị nạn…”. Tuy nhiên, đề xuất này là vi hiến vì điều 11 của hiến pháp Pháp không cho phép tổ chức trưng cầu dân ý về nhập cư. Về đối ngoại, lãnh đạo đảng cực hữu bị đối thủ “nhắc nhở” về mối liên hệ với Moscow qua việc bà Le Pen đã vay 9 triệu euro của một ngân hàng Nga vào năm 2014.

Liên quan châu Âu, ông Macron cũng nhấn mạnh tuy không còn bàn về việc Pháp rời khỏi EU, nhưng những đề xuất của ứng viên RN như chấm dứt tự do trao đổi thương mại chính là “sự quay lưng với các nước trong khu vực”. Theo thăm dò của Viện Elabe cho Đài truyền hình BFMTV, 59% số người được hỏi đánh giá ông Macron là người “thắng cuộc” trong cuộc tranh luận ngày 20.4.

Nguồn dự trữ phiếu

Một mục tiêu quan trọng khác của tổng thống đương nhiệm trước ngày bầu cử vòng 2 là hướng về lá phiếu của các cử tri cánh tả đã lựa chọn ông Jean-Luc Mélenchon của đảng Nước Pháp không khuất phục (FI). Ông Mélenchon là ứng viên xếp thứ 3 ở vòng 1, với tỷ lệ ủng hộ 21,95%, bám sát 2 người về đầu và bỏ xa những người còn lại (đều có số điểm dưới 10%). Do đó, ứng viên của FI được xem là “nguồn dự trữ phiếu” đáng kể cho vòng 2. Theo thăm dò của Viện Ipsos Sopra-Steria cho Đài truyền hình France Télévisions vào ngày 21.4, trong số những cử tri đã bỏ phiếu cho ông Mélenchon, có 34% cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Macron, 18% chọn bà Le Pen, còn lại bỏ phiếu trắng, không đi bầu hoặc chưa quyết định được.

Bên cạnh đó, tổng thống đương nhiệm đã có nhiều đề xuất và phát ngôn hướng về cánh tả, cùng các chính sách xã hội. Cụ thể, ông Macron cho biết “sẵn sàng thảo luận về việc cải cách độ tuổi hưu trí”, và thậm chí không loại trừ việc hạ độ tuổi về hưu trong dự án cải cách thành dưới 65 tuổi. Trong cuộc tranh luận trực tiếp vào ngày 20.4, ông Macron cũng “tấn công” quyết liệt đề xuất của bà Le Pen về cấm đeo mạng che mặt ở khu công cộng. Điều này hướng thẳng đến những cử tri Hồi giáo, vốn có tỷ lệ ủng hộ ông Mélenchon ở vòng 1 lên đến 69%.

Cũng theo thăm dò nói trên của Viện Ipsos Sopra-Steria, 3 ngày trước vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp, ông Macron đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 57,5%, so với 42,5% của bà Le Pen.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.