Bầu Đức: ‘Làm bóng đá trẻ khó, cho cầu thủ xuất ngoại còn khó hơn nhiều’

24/12/2015 18:00 GMT+7

Ông bầu phố Núi khẳng định, trong 40 năm qua, chưa có một câu lạc bộ (CLB) bóng đá lớn nào dòm ngó tới lứa cầu thủ trẻ tại Việt Nam, nhưng HAGL đã được 3 CLB để mắt tới.

Ông bầu phố Núi khẳng định, trong 40 năm qua, chưa có một câu lạc bộ (CLB) bóng đá lớn nào dòm ngó tới lứa cầu thủ trẻ tại Việt Nam, nhưng HAGL đã được 3 CLB để mắt tới.

Bầu Đức trong ngày "gả" Công Phượng cho Mito Hollyhock - Ảnh: Bạch Dương
Chỉ trong 1 tháng, CLB HAGL đã ký 2 hợp đồng đưa Tuấn Anh và Công Phượng đi thi đấu tại nước ngoài. Sắp tới vào cuối tháng 12, dự kiến sẽ là lễ ký kết bản hợp đồng thứ 3 của Xuân Trường, người được kỳ vọng sẽ sang Hàn Quốc chơi bóng.

Đây được xem là lứa cầu thủ trẻ đầu tiên của Việt Nam có cơ hội thi đấu và học hỏi từ môi trường bóng đá đẳng cấp cao hơn hẳn. Rõ ràng Việt Nam có ít nhất 20 lò luyện cầu thủ, nhưng việc đưa “con cưng” đi xuất ngoại thi đấu chưa bao giờ có tiền lệ.

Bởi theo bầu Đức, Việt Nam có nền bóng đá kém phát triển. Vị trí của chúng ta chỉ trong khu vực Đông Nam Á. Chẳng hà cớ gì để các nước có bóng đá phát triển vượt bậc như Nhật Bản, Hàn Quốc lại dòm ngó tới thế hệ cầu thủ non nớt của Việt Nam.

Do đó, việc các CLB nước ngoài mượn cầu thủ của Việt Nam đi thi đấu là chuyện không mấy dễ dàng. Theo đúng lời ông bầu phố núi chia sẻ : “Đào tạo cầu thủ trẻ đã khó, đưa họ đi xuất ngoại còn khó hơn”.
Chủ tịch CLB Mito nhiều lần gọi Công Phượng là "ngôi sao" - Ảnh: Khả Hòa

Chia sẻ về thành công hiện tại của Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG, ông Đoàn Nguyên Đức không khỏi ngậm ngùi khi kể về những khó khăn khi thực hiện chiến lược đào tạo cầu thủ trẻ.

Cụ thể, với trường hợp của Công Phượng. Đến với học viện vào năm 10 tuổi, sau hành trình 10 năm, cầu thủ 20 tuổi trở thành “cậu bé vàng” của bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó, còn là những cái tên như Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều... cũng làm nên một lứa cầu thủ sắc sảo.

“Thực chất, ở Việt Nam chưa có một giáo án hay phương pháp đào tạo cầu thủ trẻ nào. Cái mà HAGL có là nhờ vào sự học hỏi từ các học viện đào tạo của những nền bóng đá lớn trên thế giới”, bầu Đức khẳng định.

Còn nhớ, HAGL từng gây sóng gió khi bắt cầu thủ trẻ đá bằng chân đất trong vòng 6 năm. Điều trên được cho là phản khoa học. Nhưng đến lúc này, thành công của HAGL đã chứng minh họ đi đúng hướng.
Tuấn Anh đã gây những ấn tượng rất tốt đến CLB Yokohama FC - Ảnh: Bạch Dương

Tuyển U.19 Hàn Quốc cao lớn hơn nhiều so với đội U.21 HAGL trong trận chung kết giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên 2015. Nhưng trước những chàng trai nhỏ hơn nhưng rất khéo léo, kỹ thuật, hàng phòng ngự của xứ sở kim chi trở nên yếu đuối và phải nhận 2 bàn thua.

Cái khó mà bầu Đức còn nhắc tới là việc đào tạo bóng đá song song với văn hóa và tư chất cầu thủ: “Tất cả các cầu thủ của tôi phải tốt nghiệp đại học. Ra sân, họ không biết chơi xấu, không cãi trọng tài. Đó mãi mãi là chất riêng của cầu thủ HAGL. Để làm được điều đó, chúng tôi đã phải uốn nắn các cháu từ năm lên 9 lên 10”.

Rõ ràng, thế hệ cầu thủ hôm nay mà HAGL đưa đi nước ngoài thi đấu là một Công Phượng tự tin sang Nhật sống và làm việc một mình, là Tuấn Anh dõng dạt trả lời báo chí nước ngoài về hợp đồng xuất ngoại. Rồi Xuân Trường và rất nhiều gương mặt khác nữa…

Với việc cho mượn cầu thủ sang nước ngoài thi đấu không chỉ là bước ngoặt đối với HAGL mà còn là bước tiến lớn đối với nền bóng đá Việt Nam. Cái tên Công Phượng của Việt Nam sẽ được nhiều người biết đến. Cùng đó là việc kéo theo các hợp đồng từ những CLB tên tuổi trong nay mai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.