Bầu Đức sắp ‘thoát’ hết bất động sản

23/04/2019 11:28 GMT+7

Mục tiêu của Hoàng Anh Gia Lai là sẽ trở thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trái cây đóng góp 54% doanh thu

Hơn 10 năm trước, khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán niêm yết, nguồn thu chính của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (hay còn gọi là bầu Đức) chủ yếu là bất động sản với quỹ đất rất lớn tập trung chủ yếu tại TP.HCM. Thế nhưng hiện nay, doanh thu chính đến từ các loại trái cây.
Trong thư gửi cổ đông tại Báo cáo thường niên 2018 mới công bố, bầu Đức xác định 2019 là năm bản lề quan trọng để công ty đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025.
Để thực hiện mục tiêu này, ngoài mở rộng diện tích cây ăn trái, chọn lọc danh mục sản phẩm hiệu quả và kiện toàn bộ máy quản trị, tập đoàn sẽ tập trung quản trị bằng ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến chuyên biệt theo nhóm cây ăn trái và cây công nghiệp, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. “Với nguồn sức mạnh được cộng hưởng, nội lực hiện tại đang được củng cố, tôi tin rằng HAGL sẽ sớm vượt qua khó khăn để bước vào giai đoạn phát triển bền vững, vươn xa tầm châu lục”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Nguyên Đức nhấn mạnh.
Bầu Đức cũng nhấn mạnh việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Trường Hải (Thaco) có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của HAGL. Trường Hải đã hỗ trợ nguồn vốn cho mảng nông nghiệp của tập đoàn đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn; cải tiến công tác quản trị sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp và sắp xếp lại công tác kho vận, giúp nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm.
Bản thân bầu Đức đánh giá, nhờ vào thành quả của ngành cây ăn trái đã đầu tư từ năm 2016, HAGL đã duy trì ổn định mức doanh thu, tạo ra một phần nguồn thanh khoản để trang trải chi phí hoạt động và đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái. Trong năm 2018, ngành cây ăn trái đã mang lại nguồn doanh thu khả quan với mức 2.897 tỉ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của tập đoàn. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, và hơn 10 loại cây ăn trái khác. Với diện tích cây ăn trái này, dự kiến sẽ mang lại nguồn doanh thu chủ lực cho năm 2019, khẳng định chiến lược tái cơ cấu kinh doanh đang đi đúng hướng. Đây là tiền đề và động lực quan trọng, tạo đà cho chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của HAGL.

Sẽ thoát hết bất động sản

Sau quá trình tái cơ cấu, rút gọn lại còn 2 mảng chính là nông nghiệp (HAGL Agrico) với cao su, cọ dầu, mía đường và bất động sản (HAGL Land) có dự án chủ lực là khu phức hợp HAGL Myanmar. Trong năm vừa qua, HAGL ghi nhận doanh thu từ ngành bất động sản là cho thuê và cung cấp dịch vụ của dự án Hoàng Anh Myanmar tính đến tháng 9.2018 là 709 tỉ đồng. Đến tháng 9.2018, THACO thông qua Công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center. Hiện HAGL đang sở hữu 47,89% cổ phần trong dự án Hoàng Anh Myanmar và có chủ trương sẽ thoái vốn dự án này để trả bớt nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản của tập đoàn.
Cơ cấu doanh thu năm 2018 của HAGL Báo cáo thường niên 2018
Như vậy HAGL sẽ hầu như không còn nguồn thu từ bất động sản mà chỉ còn dòng tiền từ lĩnh vực nông nghiệp. Theo kế hoạch mới được công bố, HAGL đặt mục tiêu năm 2019 đạt doanh thu 5.125 tỉ đồng, trong đó, mảng trái cây - chủ yếu là chuối - sẽ đóng góp khoảng 86%, tương ứng hơn 4.400 tỉ đồng. Phần còn lại đến từ cao su với 469 tỉ đồng và 255 tỉ đồng từ các lĩnh vực khác như dịch vụ, chăn nuôi...
"Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải", bầu Đức chia sẻ trong báo cáo. Tính đến ngày 31.12.2018, HAGL còn lỗ lũy kế hơn 36 tỉ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Kiểm toán cũng tiếp tục nhấn mạnh sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.