Đại biểu trình bày ý kiến trong hội thảo hôm nay |
HÀ ÁNH |
Bầu hội đồng ĐH là một trong các nội dung trên được nêu ra trong hội thảo lấy ý kiến các cơ sở giáo dục ĐH về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 13.8.
Nghị định 99 được Chính phủ ban hành năm 2019, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH. Sau 4 năm thực hiện luật và gần 3 năm thi hành nghị định này, thực tiễn áp dụng cho thấy có những quy định cụ thể còn vướng mắc, chồng chéo hoặc cách hiểu chưa thống nhất. Vì vậy, Bộ GD-ĐT thực hiện rà soát, lấy ý kiến các cơ sở giáo dục ĐH để đề xuất ban soạn thảo trong xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 99 thời gian tới.
Những kiến nghị liên quan đến các ĐH
Chia sẻ trong hội thảo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết hiện nay ngày càng nhiều trường ĐH muốn trở thành ĐH. Tuy nhiên, trong Nghị định 99 có một số vấn đề chưa rõ, chưa mang tính đặc thù, như việc bầu Hội đồng ĐH. Trong quy định này, hoặc là người lao động hoặc đại biểu cần ít nhất ½ thành viên tham gia bầu trên tổng số người lao động. “Nhưng với ĐH vùng với quy mô khoảng 3.000 hoặc 4.000 người lao động thì bầu 1 hội đồng phải có gần 2.000 người, thì tập trung kiểu gì?”, ông Vũ đặt câu hỏi.
Ông Vũ cho biết: “Vừa qua, khi bầu Hội đồng của ĐH Đà Nẵng, theo quy định cần trên 50% và chúng tôi đáp ứng được khoảng 1.700 người, tổ chức bầu ở tất cả trường thành viên. Với các trường đơn lẻ, việc quy định hơn 50% là hợp lý nhưng với các ĐH vùng, ĐH quốc gia thì thành phần bầu cần phải khác vì đông quá cũng không giải quyết được việc gì. Đây là một ví dụ cho tính đặc thù cần tính thêm trong nghị định”.
Liên quan vấn đề này, hội thảo cũng có những ý kiến về việc phát triển trường ĐH thành ĐH. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y dược Cần Thơ, ý kiến: Để trở thành ĐH theo quy định hiện nay phải có ít nhất 3 trường thành viên và mỗi trường thành viên cần tối thiểu 5 mã ngành ĐH… Như vậy, tất cả khối ngành sức khỏe hiện nay cộng lại chỉ 12 mã ngành, thì vô hình trung các trường đào tạo khối ngành này không bao giờ trở thành ĐH”.
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y dược TP.HCM, cũng cho rằng lĩnh vực khoa học sức khỏe rất đặc thù. Trên thế giới có những trường y chỉ đào tạo bác sĩ y khoa. Có những ĐH cũng chỉ đào tạo khối ngành y gồm 4 ngành nhưng rất nổi tiếng. Ông Tuấn cho rằng vấn đề còn tùy thuộc vào cách phân ngành, khối ngành ngay từ ban đầu.
“Do vậy nếu luật không thể thay đổi được thì trong trường hợp đặc biệt xin ý kiến của bộ để xem xét trường nào đủ cho phép là ĐH, trường nào chưa thì vẫn là trường ĐH”, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y dược TP.HCM đề xuất.
Ai là ‘người đứng đầu’ trường ĐH?
Bộ Tư pháp nói rằng không cần người đứng đầu một trường ĐH, theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Vũ. Nhưng ông Vũ cho rằng cần phải có người đứng đầu này, bất cứ tập thể nào cũng cần có người đứng đầu, trong điều kiện bình thường không có gì nhưng khi xảy ra việc gì thì ai là người giải quyết, cần phải rõ. Trong tập thể lãnh đạo của ĐH Đà Nẵng, đương nhiên khi họp Đảng ủy thì bí thư Đảng ủy, họp Hội đồng thì Chủ tịch Hội đồng, họp Ban giám đốc thì Giám đốc rồi nhưng có những cuộc họp mà trước đây Bộ GD-ĐT quy định thủ trưởng đơn vị chủ trì, nếu không có quy định cụ thể rất lúng túng, PGS-TS Vũ lưu ý.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Diệp Tuấn cho rằng: “Người đứng đầu trường ĐH không nên né tránh mà cần được xác định rõ”. Lý giải nhận định này, ông Tuấn nói: “Dù có ý kiến cho rằng nên ‘để trống’ nhưng từ góc độ quản trị một tổ chức mà không có người đứng đầu là không thể. Chủ trương và hành động phải nhất quán mà muốn vậy thì ít nhất phải có người đứng đầu và sự phân quyền, nhất là trong giai đoạn hiện nay”.
Khác với các quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang, nói: “Trường công rất quan tâm đến vai trò người đứng đầu nhưng trường tư không ai thắc mắc vì đã rất rõ. Nhưng trường công có những quy định rất khó khăn nên tôi thống nhất quan điểm người đứng đầu trong từng lĩnh vực, công việc gì mới quan trọng. Nghị định 99 có thể xử lý theo hướng có sự tham chiếu của mô hình nhà nước để có sự đồng thuận”.
Cũng trong hội thảo góp ý Nghị định 99, ngoài việc bầu hội đồng đại học, nhiều ý kiến tập trung bàn luận về thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường.
Bình luận (0)