Làng Siêu Quần, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hàng ngàn cây lộc vừng hàng trăm năm tuổi. Dân làng xem đây là báu vật của tổ tiên để lại nên ai ai cũng ra sức bảo vệ.
Ở làng thuần nông Siêu Quần, đi trên con đường nối với trung tâm xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đâu đâu người ta cũng nhìn thấy những hàng cây lộc vừng thẳng tăm tắp, xanh ngắt chạy dọc bờ đê hay giữa cánh đồng lúa. Hàng trăm cây hai tay ôm không xuể, cao hơn chục mét, vỏ xù xì đầy rêu mốc với hình thế rất đẹp như bao trọn cả làng Siêu Quần.
Chuyện “ngài khai canh”
Ông Trần Thanh Hóa, trưởng làng Siêu Quần, cho biết làng có đến 5 hàng lộc vừng với các tên gọi do ông cha đặt từ thời xa xưa: duồng (hàng) Bạn, duồng Na, duồng Nọ, bàu Rộng, bàu Tranh. Số lượng cây lộc vừng lên đến hàng ngàn, trong đó có khoảng 1.000 cây trên 500 năm tuổi, đường kính gần 0,5 m; cây nhỏ vài chục năm tuổi, đường kính khoảng 0,2 - 0,3 m thì đếm không xuể.
|
Người khai canh vùng đất này năm xưa đã biết Siêu Quần là nơi cồn bãi, nước bao xung quanh và năm nào cũng bão lũ triền miên nên trồng cây lộc vừng để bảo vệ làng. “Ông nội, cha tôi và những người già trong làng nói rằng tên của những duồng lộc vừng là do người xưa đặt và tồn tại đến bây giờ. Đó là báu vật của tổ tiên để lại cho chúng tôi” - ông Hóa cho biết.
Một câu chuyện luôn được người dân làng Siêu Quần truyền miệng là việc “ngài khai canh” kêu gọi người dân trồng lộc vừng. Cách đây trên 500 năm, “ngài khai canh” đã khuyến khích người dân trong làng ai trồng được nhiều lộc vừng sẽ được thưởng gạo, thưởng áo. Dân làng đua nhau đi trồng nhưng chỉ được ngài thưởng gạo, còn áo thì chờ mãi chẳng thấy.
Đến một thời gian lâu sau, vào một ngày mùa đông lạnh giá, người dân ra khỏi làng cày cấy và không chịu nổi những cơn rét buốt xương nhưng khi trở về thì cảm thấy rất ấm áp. Từ đó, người dân mới hiểu ra rằng cái áo mà “ngài khai canh” treo thưởng chính là những duồng lộc vừng nay đã tốt tươi.
Chở che, cứu đói
Trong ký ức tuổi thơ của bà Nguyễn Thị Mùng (83 tuổi, mẹ ông Hóa) là những chuỗi ngày gắn bó với cây lộc vừng. Bà Mùng kể: “Hồi đó, cứ mỗi lần ra đồng thả trâu xong là lũ trẻ chúng tôi tìm đến những cây lộc vừng để chơi đùa. Có hôm mải chơi mà quên về nhà, chúng tôi nghỉ trưa ngay dưới gốc cây. Còn đến mùa thi cử thì lũ học trò cả làng dắt nhau ra đó học bài”.
Đi gần hết cuộc đời, bà Mùng chứng kiến không biết bao nhiêu cây lộc vừng già cỗi lụi tàn để nhường chỗ cho các cây non vươn mầm sự sống. Qua nhiều cuộc chiến tranh và biết bao mùa bão lũ, bà Mùng cùng người dân Siêu Quần đã thấy được tầm quan trọng của cây lộc vừng và họ càng khâm phục về sự tính toán tài tình của ông cha.
Vào thời chống Pháp, dưới những tán lộc vừng là những căn hầm bí mật của các chiến sĩ cách mạng ẩn nấp để kháng chiến. Còn vào thời chống Mỹ, làng Siêu Quần tập trung nhiều đơn vị bộ đội, dân quân du kích, họ chiến đấu dưới sự che chở của cây lộc vừng. Dù quân đội Mỹ không biết bao lần ném bom, tưới xăng đốt nhưng cây lộc vừng vẫn vươn lên sống mãnh liệt.
Không những che chở cho làng, lộc vừng đã cứu đói cho người dân Siêu Quần vào những ngày giáp hạt. Bà Mùng kể rằng vào thời chiến tranh, người dân Siêu Quần không thể sản xuất, nhà cửa thường xuyên bị giặc đốt. Gạo thành tro, khoai sắn không có, người dân Siêu Quần ra rừng lộc vừng ngắt lá non về phơi qua nắng nhai sống hoặc nấu canh ăn tạm qua ngày. “Tôi có 6 người con, chồng chết sớm vì giặc Mỹ giết hại, nhờ cây lộc vừng mà con cái tôi sống sót qua những tháng ngày bom đạn chiến tranh” - bà Mùng tự hào.
Dẫn chúng tôi đi xem những duồng cây lộc vừng, ông Nguyễn Văn Thuận không ngớt lời ca ngợi về báu vật của làng. “Nếu làng Siêu Quần ni không có lộc vừng thì chắc không thể chịu nổi với gió bão được, nhà cửa e không đứng vững mô” - ông Thuận khẳng định.
Ông Thuận cho biết năm 1985, cơn bão Cecil đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên - Huế rất mạnh. Dù nhiều ngôi làng xung quanh bị bão tàn phá tan hoang nhưng làng Siêu Quần được lộc vừng chở che nên không hề hấn gì. Năm 1999, cơn lũ lịch sử khiến nước sông Ô Lâu dâng cao nhấn chìm tới nóc, nhiều căn nhà bị sập khi nước chưa rút. Trong sự nguy nan, cây lộc vừng trở thành chỗ trú ngụ cho người dân để chờ lực lượng cứu hộ tới ứng cứu. “Cũng vào cơn lũ đó, có rất nhiều người dân ở thôn Vĩnh An, xã Phong Bình bị nước cuốn trôi nhưng may mắn dạt vào những rừng cây lộc vừng nên được người làng Siêu Quần cứu sống” - ông Thuận nhớ lại.
Làng triệu phú
Vì lẽ đó, dù làng Siêu Quần hiện còn có gần 70 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm gần 45% tổng số hộ của làng nhưng không ai muốn bán báu vật đi để cuộc sống bớt khó khăn. Ông Hóa nhẩm tính: “Một cây lộc vừng có giá thấp nhất cũng 20 triệu đồng, cao thì cả 100 triệu, nếu bán đi thì người nào của làng ni cũng sẽ trở thành triệu phú. Làng sẽ có rất nhiều tiền để làm đủ thứ việc nhưng chúng tôi quyết giữ nguyên vẹn báu vật của ông cha cho đời con cháu, là giữ chiếc áo cho làng, mất lộc vừng thì làng cũng mất”.
Để bảo vệ được lộc vừng, từ xưa, Siêu Quần đã có tục lệ nếu ai chặt phá dù một cây cũng bị cả làng bắt phạt nhốt một ngày, đến khi người nhà ra bảo lãnh mới được thả. Chưa hết, người vi phạm phải soạn một mâm cau, trầu, rượu đưa ra trình làng để nhận tội và mong làng tha thứ. Còn từ năm 2003, trong hương ước của làng cũng đã quy định rằng người nào ở Siêu Quần chặt phá, bán trộm lộc vừng mà bị làng bắt được thì ngoài hình phạt theo pháp luật quy định còn phải có mâm cau, trầu, rượu đến đình làng xin lỗi.
Vào năm 2007 trở lại đây, nhiều người lạ tới săm soi rừng lộc vừng của làng Siêu Quần, không mua được thì những người này tìm cách bứng trộm. Để đối phó với nạn trộm lộc vừng, Siêu Quần đã lập ra đội tuần tra bảo vệ vào ban đêm với trụ cột chính là các cán bộ làng. Nhưng để đối phó với bọn trộm xảo quyệt, đầy tinh vi thì việc bảo vệ thành công như ngày hôm nay của làng là nhờ vào người dân. “Chúng tôi thường tuyên truyền bảo vệ lộc vừng tại các cuộc họp chi bộ, họp dân, vào các buổi sinh hoạt của các hội người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ. Ngay cả trẻ em cũng có nhận thức rất cao trong việc này” - ông Hóa cho biết.
Theo quy định của làng, chỉ những cây bị gió bão đánh bật gốc mới được bán. Tuy nhiên, muốn bán thì Siêu Quần phải tổ chức họp dân, công khai người mua và tất cả số tiền bán được phải sử dụng vào lợi ích của toàn dân làng. Sau khi bán, làng còn làm một mâm lễ gồm cau, trầu, rượu đến cúng tại gốc cây đó và trồng lại một cây khác.
Mong được bảo tồn Vào những ngày cuối mùa hè đầu mùa thu, về làng Siêu Quần, đâu đâu cũng thấy những chùm hoa lộc vừng đỏ chói, chan hòa với màu xanh của lúa. Cảnh đẹp đó thu hút rất nhiều du khách phương xa đến tham quan, ngắm cảnh và những cặp uyên ương dắt nhau về đây lưu ảnh kỷ niệm.
Giờ đây, người dân Siêu Quần luôn mong ước Nhà nước quan tâm đầu tư vào việc chăm sóc, bảo tồn và giới thiệu hình ảnh cây lộc vừng để ngày càng nhiều du khách biết tới báu vật của làng mình. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)