>> KHÁNH HOAN
Khu rừng nằm trên quả đồi thoải hình bát úp, thuộc xã Hậu Thành (H.Yên Thành, Nghệ An), xung quanh là làng mạc và đồng ruộng. Người dân ở đây gọi khu rừng này là rú (núi) Tháp. Điều thú vị và gây ngạc nhiên cho bất cứ ai khi đến đây là rừng nằm ngay giữa vùng đồng bằng, vựa lúa của Nghệ An, nhưng hàng trăm năm qua vẫn bình yên. Hai cánh cổng vào rú Tháp cách trụ sở xã Hậu Thành chừng vài trăm mét, khi tôi đến, chỉ cài chứ không khóa. Cụ Mai Huy Định, người làng Đức Hậu, thủ từ ngôi đền Cả trầm mặc nép mình bên rừng lim, nói rừng ở đây như cái công viên của làng xã, sẵn sàng đón bất cứ ai tìm đến đền vào rừng để cầu an, thư giãn.
Ngôi đền Cả cất bằng gỗ lim được khởi dựng từ năm 1883, thờ các vị quan có công với dân với nước. Dưới gốc cây lim cổ thụ cạnh đền Cả là một cái am nhỏ thờ thần Trăn. Tương truyền, ngày xưa, có một vị thần Trăn cai quản khu rừng này. Thần thiêng nên không ai dám đụng đến rừng. Cụ Định kể, 70 năm trước, khi cụ còn là một cậu bé, rừng lim rất thiêng liêng với dân làng, không ai dám chặt một cành cây. Câu chuyện thần Trăn cũng chỉ là hư cấu để răn mọi người không được đụng vào rừng, nhưng từ xa xưa, người làng Đức Hậu (tên cũ của xã Hậu Thành ngày nay) đã đặt ra hương ước để bảo vệ khu rừng này. Nếu ai chặt một cây thì bị phạt nặng, buộc phải trồng lại mười cây và bị bêu danh giữa làng. Nhờ đó, đến nay, trải qua nhiều thế hệ, khu rừng vẫn nguyên vẹn với hàng ngàn cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi. Người làng Đức Hậu coi rú Tháp như báu vật của làng.
Dẫn tôi vào rừng, ông Lại Văn Ngân, người trông coi khu rừng, nói nếu muốn đi xuyên rừng phải mặc “quần áo giáp” bảo vệ vì dây leo chằng chịt và đề phòng rắn rết. Qua khỏi cánh cổng rừng chừng trăm mét, dưới ánh nắng buổi sáng, khu rừng trông hoang sơ, bình yên đến lạ. Những thân lim, trắc, gụ, lát hoa hàng trăm tuổi đứng sừng sững đan cành vào nhau. Phía dưới là tầng cây bụi, dây leo tạo nên thảm thực vật rất dày, trầm mặc. Tiếng côn trùng rả rích lẫn trong tiếng chim lảnh lót và tiếng muỗi rừng vo ve tạo cảm giác như đang ở nơi thâm sơn cùng cốc. Không chỉ giá trị về mặt tâm linh, khu rừng này như cái máy lạnh khổng lồ, điều hòa cho cả vùng dưới cái nắng nóng 39 độ C giữa trưa hè.
Ông Ngân được xã giao trông coi, bảo vệ khu rừng, mỗi tháng nhận 1,3 triệu đồng tiền công. Nhà ông ở sát bìa rừng. Công việc bảo vệ không quá vất vả, mỗi ngày vài bận, ông đi một vòng quanh rừng ngó nghiêng. Ông bảo thực ra vì nhiệm vụ ông phải đi chứ dân làng chẳng ai động đến rừng dù nó đang sở hữu khối lượng gỗ quý rất lớn. Ở đây, người dân nào cũng là người bảo vệ rừng.
Ông Phạm Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Hậu Thành, cho biết khu rừng chỉ rộng 15 ha, nhưng nó là hòn ngọc, báu vật của xã và của huyện vì nó là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại của huyện Yên Thành. Vùng này là bản địa của cây gỗ lim. Nhưng lim đã biến mất từ lâu, ngoại trừ khu rừng này và một số cây lim ít ỏi ở xã Lăng Thành kề bên còn sót lại. Khu rừng được liệt vào danh sách rừng đặc dụng do xã quản lý từ hàng chục năm nay.
Năm 1983, không có kinh phí xây trường học, lãnh đạo xã đã cho khai thác một số cây gỗ lim từ khu rừng này để dựng trường. Đó cũng là việc bất đắc dĩ. Từ đó đến nay, không ai còn đụng đến rừng, dù chỉ là cành cây. Kết quả khảo sát khu rừng của lực lượng kiểm lâm mới đây cho thấy, khu rừng này có 101 loài cây, trong đó nhiều nhất là lim và một số loài gỗ quý như trắc, gụ, lát hoa. Ngoài ra, trong rừng còn có các loài muông thú như: trăn, rắn, chồn, cáo… “Điều may mắn là khu rừng nằm biệt lập, không lớn, bao quanh là xóm làng và đồng ruộng nên dễ quản lý. Quan trọng hơn là từ nhiều đời nay, người dân ở đây đã có ý thức bảo vệ, coi khu rừng là nơi bất khả xâm phạm, không lấy gỗ dù trữ lượng gỗ quý là khá lớn nên rừng mới tồn tại đến nay”, ông Luyến nói.
Ông Luyến cũng cho biết, không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, khu rừng này còn là niềm tự hào của người dân trong xã và coi nó như một báu vật quý của cha ông để lại. Người dân ở đây cũng đang hy vọng khu rừng này sẽ thành điểm du lịch sinh thái, phục vụ nghiên cứu khoa học và là biểu tượng về trách nhiệm bảo vệ gìn giữ môi trường tự nhiên của mỗi người dân.
Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Khánh Hoan