|
Gánh hát, rạp hát đầu tiên
Tiền Giang được xem là cái nôi của nghệ thuật cải lương bởi vì ngay từ đầu thế kỷ 20, gánh hát và rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam đã ra đời tại Mỹ Tho.
|
Theo GS-TS Trần Văn Khê thì vào thời đó có một người không phải trong giới cải lương, nhưng lại mê cải lương và biến cải lương thành thương mại là ông André Lê Văn Thận, quê ở Sa Đéc. Bấy giờ ông Thận có gánh hát xiệc, vì vậy giữa những màn hát xiệc, ông cho xen vào tiết mục ca ra bộ để công chúng xem cho vui. Năm 1917, không hiểu vì sao ông Thận bán gánh xiệc lại cho thầy Năm Tú (tên thật là Châu Văn Tú, người làng Vĩnh Kim), một người rất mê nhạc tài tử cải lương. Năm 1918, thầy Năm Tú làm lại một gánh và đặt tên là “Gánh hát của thầy Năm Tú” chuyên giới thiệu nhiều tiết mục ca ra bộ. Tuy nhiên, thấy rằng cách làm đó không có vẻ nghệ thuật lắm vì khi diễn thì bài này không ăn với bài kia, vì vậy ông đã nhờ một nhà nho Trương Duy Toản đứng ra làm thầy tuồng và vở tuồng đầu tiên viết theo tích Kim Vân Kiều.
Cùng lúc, thầy Năm Tú cho xây một rạp hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam tại Mỹ Tho và lấy tên là rạp hát Thầy Năm Tú. Bên trong rạp, khán giả được chia làm 3 hạng nhất, nhì, ba và hai bên sân khấu có một số phòng đặc biệt dành cho khách quý. Nhờ có rạp hát khang trang, chương trình đầy đủ nên gánh hát Thầy Năm Tú đã quy tụ được nhiều đào kép danh tiếng thời bấy giờ như Tám Danh, Ba Du, Năm Phỉ, Phùng Há… Ngoài ra, do có óc kinh doanh nên khi biết hãng đĩa hát của Tây là Pathé Phono, thầy Năm Tú đã mời đại diện hãng tới coi hát, họ thích quá nên đã ký hợp đồng ghi âm cải lương đưa vào đĩa. Và trong mỗi đĩa hát đều được mở đầu bằng câu: “Đây là gánh hát của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”.
Sau khi in đĩa, thầy Năm Tú còn nghĩ ra chuyện phối hợp với hãng Pathé Phono để lắp ráp máy hát đĩa đầu tiên tại Việt Nam. “Vào thời đó giá bán một máy hát tới 40 đồng và một đĩa hát 4 đồng, vậy mà khi đem xuống thôn quê giới thiệu được bà con thích quá. Đó là một cách “tiếp thị” vô cùng phong phú”, GS-TS Trần Văn Khê nói.
Không phải là nghệ sĩ cải lương mà làm ra rạp hát cải lương, làm ra đĩa hát cải lương và có công phổ biến nghệ thuật cải lương tới những nơi hẻo lánh của thôn quê Việt Nam, thông qua máy hát thầy Năm Tú. Đây là công lớn của thầy Năm Tú. Ông là người hào hoa phong nhã và cũng là người Việt Nam đầu tiên sở hữu xe hơi. Không thấy tài liệu nào ghi lại lý do vì sao thầy Năm Tú làm ăn sa sút, phải bán rạp hát lại cho người khác làm rạp chiếu bóng rồi được đổi tên thành Ciné Palace, sau đó đổi tên thành rạp Vĩnh Lợi, rồi bây giờ là Rạp Tiền Giang.
Người có công bị bỏ quên
Tại buổi tọa đàm Tiền Giang, cái nôi nghệ thuật cải lương ngày 18.1.2014, GS-TS Trần Văn Khê cho biết: “Ban tổ chức không nhờ tôi nói về Rạp Huỳnh Kỳ và gánh hát Phước Cương, nhưng ở Mỹ Tho thời đó có Bạch Công Tử (tên thật là Lê Công Phước, còn gọi là George Phước) con của Đốc phủ Lê Công Sủng. Ông Sủng không phải là người đờn ca tài tử, nhưng có đi cùng dàn nhạc của ông Nguyễn Tống Triều sang dự cuộc đấu xảo thuộc địa tại Pháp năm 1906, nhờ vậy mà Bạch Công Tử được đi du học ở Pháp vào năm 1909. Vốn là người mê nhạc tài tử, năm 1926 khi Bạch Công Tử gặp ông Nguyễn Ngọc Cương (thân phụ nghệ sĩ Kim Cương) thì hai người hùn lại lập ra gánh Phước Cương, là gánh hát đại quy mô đầu tiên và đã quy tụ được nhiều đào kép giỏi thời bấy giờ như Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Châu… Tiếc là gánh này không tồn tại lâu. Sau đó Bạch Công Tử mới lập ra gánh Huỳnh Kỳ, lấy cờ vàng làm hiệu. Khi gánh Huỳnh Kỳ tan rã, cô Bảy Phùng Há (vợ Bạch Công Tử) mới lập gánh hát riêng”.
“Như vậy, trong thời kỳ sơ khai của cải lương, thầy Năm Tú có công lớn trong việc xây rạp hát đầu tiên rồi in đĩa, lắp ráp máy hát đĩa để phổ biến cải lương ra công chúng. Trong bộ môn nghệ thuật sân khấu từ hát bội đến cải lương, chưa có nơi nào có rạp hát như thế, cho nên Tiền Giang hãnh diện có rạp Thầy Năm Tú, lại còn có rạp của Bạch Công Tử, rất phong phú”, GS-TS Trần Văn Khê nhấn mạnh.
Tại Tiền Giang, Bạch Công Tử để lại một ngôi biệt thự khá đẹp nằm trên khu đất rộng bên cạnh rạp hát Huỳnh Kỳ, tọa lạc tại đường Đinh Bộ Lĩnh, Mỹ Tho. Là người đầu tư rất lớn cho nghệ thuật cải lương, vào thập niên 1930, khi Bạch Công Tử bị sạt nghiệp thì cả ngôi biệt thự và rạp hát đều bị bán lại cho ông Lê Ngọc Chiếu nên rạp hát được đổi tên thành rạp Lê Ngọc. Khoảng năm 1963, ông Chiếu bán rạp hát cho người khác và nó mang tên mới Viễn Trường, đến thập niên 1980 thì đổi thành rạp Mỹ Tho. Sau năm 1975, ngôi biệt thự của Bạch Công Tử được sử dụng làm trụ sở UBND P.3 rồi trụ sở Phòng VH-TT TP.Mỹ Tho và có thời gian bị bỏ không, gần đây thì được sửa chữa, sơn phết lại. Riêng rạp hát thì cách đây ít năm đã được đập để xây siêu thị sách. Nhưng có lẽ do kinh doanh ế ẩm nên siêu thị sách bây giờ thấy bán cả… quần áo, xoong nồi, dầu ăn, nước mắm...
Hoàng Phương
>> Vinh danh đờn ca tài tử - di sản văn hóa của nhân loại
>> Tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất
>> Trao giải Hoa sen vàng Liên hoan Đờn ca tài tử TP.HCM 2013
>> Đờn ca tài tử từng xuất ngoại hơn 100 năm trước
>> Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể
Bình luận (0)