Báu vật 'rừng giữa đồng bằng'

21/02/2023 08:15 GMT+7

Rừng cho xóm làng dựa lưng. Rừng che chở trước bão tố, bom cày đạn bắn, cho dân làng nguồn nước ngọt quanh năm. Bởi vậy, dân làng xem rừng là báu vật, ra sức bảo vệ qua nhiều thế hệ.

Đó là câu chuyện về việc người dân gìn giữ những khu rừng xanh ở ngay vùng đồng bằng thuộc xã Bình Tân Phú, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Từ xa, nhìn về những cánh rừng xanh um, tôi lấy làm lạ. Bởi trên tận núi non cao thẳm, người ta cũng cạo sạch nhẵn rừng mà tại sao ở vùng đồng bằng này, lại ở sát làng mạc, nhà cửa, rừng cây vẫn vươn cao lên nền trời ? Giải thích cho chúng tôi, ông Nguyễn Thái Học, Trưởng thôn Nhơn Hòa 2, xã Bình Tân Phú, nói cứ theo chân ông vào rừng sẽ hiểu vì sao.

Báu vật 'rừng giữa đồng bằng' - Ảnh 1.

Di tích căn cứ cách mạng và nghĩa tự ở cửa rừng An Tráng

RỪNG - LÀNG DỰA NHAU

Khu rừng lớn nhất trong số các cánh rừng ở sát các xóm làng tại xã Bình Tân Phú là rừng Phú Vinh với diện tích khoảng 8 ha, thuộc địa bàn thôn Nhơn Hòa 1. Ông Học đưa tôi vào cửa rừng Phú Vinh, rồi thắp nén nhang ở nghĩa tự (nơi thờ cúng thần rừng) nơi này. Ông Học cho biết, đây là nghĩa tự của rừng Phú Vinh, cứ đến trước mùng 1 Tết Nguyên đán hằng năm, bà con tụ về đông đủ sinh hoạt. Ai đi xa cũng nhớ đến ngày này, khói hương ấm áp bay tỏa vào rừng, như tỏ lòng tri ân rừng cây che chở.

Sau tuần nhang, ông Học dẫn tôi men theo bìa rừng lội bộ vào bên trong rừng Phú Vinh. Sáng mùa xuân, cây cối xanh tươi, lộc non còn đọng sương mai. Chốc chốc, có con gà rừng vụt bay từ trong các bụi rậm, kêu the thé vọt lên cao. Trên đầu chúng tôi, chim thi nhau ca hát. Thôi thì đủ âm thanh của các loài chim rừng, quành quạch, chào mào, chim cắt, chim se sẻ… tạo thành thanh âm vui nhộn liên hồi không dứt, lúc trầm lúc bổng, náo nức rừng xuân. Ông Học nói, đến khoảng tháng 5 âm lịch, ở đây có nhiều loại trái rừng chín vàng, đỏ, chim về ăn như trẩy hội. "Có cả con cù lần và cả bầy khỉ hàng trăm con cũng kéo về rừng này, vui lắm", ông Học khoe.

Báu vật 'rừng giữa đồng bằng' - Ảnh 2.

Gốc cây cổ thụ hàng chục năm ở rừng Phú Vinh

Sâu vào rừng khó đi, vì cây cối đan dày. Tầng trên, cây lớn thì cao hàng chục mét, thân một người ôm không hết. Còn bên dưới, bụi mây, gai bụi, một vài cây thuốc nam và hàng tá loài khác chen nhau sinh sống. Ông Học giới thiệu cho tôi biết nhiều giống cây quý có mặt ở rừng này, như: huỳnh đàn, gõ, cây sến, mít nài, sến, kơ nia, cà chít..., đường kính từ 0,5 - 1 m. Đặc biệt, có một góc rừng, có cụm cây lớn ngẩng đầu san sát nhau, thẳng tắp cả chục mét, trông bằng phẳng rất đẹp, như một tấm thảm xanh khổng lồ.

Ông Học kể, theo những người lớn tuổi ở đây, thì rừng Phú Vinh do dòng họ Phan rất nhiều đời trước tạo trồng. Các thế hệ tiếp nối đã tìm hạt giống, cây gỗ quý để trồng thêm cho khu rừng ngày càng rậm rạp. Quan niệm của họ là sợ "rừng tan làng mạt", nên ra sức giữ gìn qua các thế hệ. Cây củi khô trong rừng này có bị bão làm gãy đi cũng để tàn mục, không ai được mang ra khỏi rừng. "Cũng không ai được phép đến đây bắn chim, bẫy chim. Đi đốt ong cũng bị cấm. Dân làng canh chừng kỹ lắm!", ông Học nói.

Rừng được giữ gìn cẩn thận nên trải qua bao tháng năm, những xóm làng sống dựa lưng vào rừng đều được vẹn nguyên dù xảy ra bão tố. Ông Nguyễn Ngọc Sơn (62 tuổi), một người sinh ra và lớn lên ở cạnh rừng Phú Vinh, cho biết: "Xóm làng ở đây chưa bị thiếu nước uống. Mạch nước ngầm dồi dào, trong vắt, mát lạnh quanh năm. Tất cả là nhờ vào rừng cả thôi. Rừng xanh thì mạch tốt".

ĐỊA ĐẠO DƯỚI GỐC CÂY CẦY

Rời rừng Phú Vinh, tôi theo chân ông Học qua rừng An Tráng (rộng gần 2,5 ha), cũng thuộc thôn Nhơn Hòa 1, nằm giữa cánh đồng Cả ở phía đông bắc và cánh đồng Soi ở phía tây nam. Từ con đường thôn chúng tôi theo con đường nhỏ bên bờ ruộng đi vào khu rừng. Chừng vài mươi phút, chúng tôi men theo lối mòn nhỏ được dọn dẹp sạch sẽ như cái hang vòm làm bằng lá cây, đi sâu vào cửa rừng. Rừng An Tráng có cây cổ thụ chằng chịt, có các dãy núi bao bọc cả ba mặt.

Giống như rừng Phú Vinh, cửa rừng này cũng có nghĩa tự hương khói ấm áp. Ông Học cho biết, 4 cánh rừng nằm sát làng mạc ở xã Bình Tân Phú đều có nghĩa tự thờ cúng ở cửa rừng. Với người dân, do nhận được quá nhiều ưu ái từ rừng, ai cũng xem đó là rừng thiêng, nên lập miếu để thờ phụng. Cạnh nghĩa tự rừng An Tráng còn có bia đề là di tích căn cứ cách mạng H.Đông Sơn.

Báu vật 'rừng giữa đồng bằng' - Ảnh 3.

Rừng cấm An Tráng

PHẠM ANH

Tìm hiểu, thì tôi được biết căn cứ này thành lập khoảng tháng 8.1970. Khi đó, tỉnh Quảng Ngãi thành lập H.Đông Sơn, gồm 5 xã khu đông nam của H.Bình Sơn, 9 xã khu đông H.Sơn Tịnh và một phần xã Tịnh Phong (H.Sơn Tịnh). Rừng An Tráng được xây dựng thành căn cứ của Huyện ủy, Ủy ban cách mạng H.Đông Sơn. Tại đây, các lực lượng bộ đội địa phương và bộ đội Quân khu 5 đã làm bàn đạp tấn công cũng như chống càn quét của địch ở trong khu vực. Ngày 13.6.2011, rừng An Tráng, căn cứ H.Đông Sơn đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Theo lời ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú, rừng An Tráng, Phú Vinh từng bị địch bắn pháo, càn quét, mang cả máy ủi để san lấp để lực lượng ta không còn chỗ ẩn nấp. Thế nhưng khi địch rút, quân và dân ta lập tức dựng lại rừng tươi tốt như xưa.

Đi sâu vào rừng, chúng tôi tận hưởng khí trời tinh khiết, mát lạnh. Dọc theo lối đi, nhiều cây cổ thụ cao tít hàng chục mét, nắng trời khó xuyên vào, trong đó có nhiều cây cổ thụ như mít nài, vĩnh, trâm, quăng, chò, cầy, sến... Chừng vài chục phút đi bộ, chúng tôi phát hiện cây cầy to lớn, cao vút, gốc to chừng 5 - 6 người ôm không xuể. Theo người dân ở đây, cây cầy này đã vài ba trăm tuổi.

Chỉ cho tôi xem rất nhiều tảng đá xung quanh cây cầy, ông Học cho biết ngày trước địa đạo của căn cứ H.Đông Sơn nằm bên dưới, mà nắp địa đạo là ở dưới gốc cây cầy này.

Giữ cho con cháu mai sau

Trước đây, rừng ở sát xóm làng tại khu đông H.Bình Sơn xưa rất nhiều nhưng hiện chỉ có 4 cánh rừng nguyên sinh ở xã Bình Tân Phú, gồm: Phú Vinh, An Tráng, Bình An và Phước Sơn. Theo UBND xã Bình Tân Phú, tổng diện tích 4 khu rừng hơn 18 ha, là báu vật mà các xóm làng đang cùng gìn giữ.

Tính phương án phát triển du lịch

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú, cho biết những khu rừng còn lành lặn đến bây giờ là điểm để liên kết với các vùng khác phát triển du lịch cộng đồng. Hiện xã vẫn đang tìm phương án khả thi để phát triển. "Nếu có cơ hội, những cánh rừng sẽ là nơi thu hút du lịch cộng đồng, du lịch dã ngoại lý tưởng. Bà con đang gìn giữ để mai sau con cháu sẽ có cách hưởng lợi từ rừng này", ông Hoàng nói.

Theo ông Học, các cụ ở đây kể lại, những cánh rừng này được bảo vệ từ rất xa xưa. Thôn làng nào có rừng sẽ thành lập đội tuần sương, ngoài tuần tra bảo vệ trâu, bò và hoa màu của dân thì nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ khu rừng của xóm làng. Đội này không cho bất cứ ai vào rừng để chặt củi, bắt chim, bẫy thú. "Một cành củi mục cũng không được mang ra khỏi rừng. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm, mà cách xử lý của xóm, của thôn ngày xưa nghiêm khắc lắm", ông Học nói.

Đến hôm nay, những đội tuần sương nói trên không còn. Người dân ở đây lại đưa việc bảo vệ rừng qua hương ước, việc bảo vệ rừng còn ngầm là việc thi đua của các tộc họ ở xóm làng. Theo hương ước, cả 4 khu rừng nói trên nếu ai chặt phá cây (cả cây củi khô, lấy cây về làm cảnh) lần đầu bị cảnh cáo trước dân; vi phạm lần hai bị phạt 150.000 - 200.000 đồng/người. "Lần thứ ba, thôn sẽ giao xã và ngành chức năng xử lý. Dù đói rách, dân ở Bình Tân Phú cũng giữ mình, ai cũng tự trọng trước rừng xanh và cố giữ lại báu vật này lại cho con cháu mai sau", ông Hoàng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.