Bộ Công thương vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể việc đầu tư thí điểm hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ ở Tây nguyên do Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) làm chủ đầu tư.
Tăng vốn gấp 2, gấp 5 lần
Theo Bộ Công thương, công tác chuẩn bị đầu tư hai dự án bauxite, sản xuất alumin của chủ đầu tư chưa tốt. Cụ thể, lựa chọn quy mô, công suất, công nghệ các dự án... chưa phù hợp, phải điều chỉnh nhiều lần làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư, tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến kế hoạch vốn chung của chủ đầu tư. Đơn cử tại dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng (dự án Tân Rai) vốn đầu tư sau 3 lần điều chỉnh đã tăng từ hơn 7.700 tỉ lên trên 15.400 tỉ đồng. Nguyên nhân của điều chỉnh tổng mức đầu tư chủ yếu do điều chỉnh công nghệ sản xuất alumin; điều chỉnh quy mô công suất từ 600.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm. Bên cạnh đó do khủng hoảng tài chính khiến giá của máy móc, thiết bị, nguyên nhiên liệu tăng.
|
Vốn đầu tư tăng còn do bổ sung một số khoản mục chi phí trước đây chưa tính vào chi phí đầu tư do chưa có kinh nghiệm như trạm diesel dự phòng, nguyên vật liệu điền đầy và chạy thử nhà máy alumin, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, còn có các khoản như chi phí thu xếp vốn (300 tỉ đồng), tiền hỗ trợ dự án quan trắc môi trường. Dự án Tân Rai được bàn giao và đưa vào sản xuất từ tháng 10.2013, theo quy định thì phải lập báo cáo quyết toán tháng 10.2014, song đến nay đã bị chậm 5 năm.
Trong khi đó, dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (dự án Nhân Cơ) có tổng vốn đầu tư ban đầu 3.300 tỉ, sau đó tăng lên 16.800 tỉ đồng (điều chỉnh lần 3). Nguyên nhân đội vốn cũng do điều chỉnh quy mô công suất từ 300.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm cùng với các khoản “chi phí trước đây chưa có kinh nghiệm” như thuế VAT trong tổng mức đầu tư, xây dựng hồ bùn đỏ, hệ thống cáp điện, chi phí chạy thử... Dự án này được đưa vào sản xuất từ tháng 7.2017 thì đến tháng 4.2018 phải hoàn thành lập báo cáo quyết toán nhưng đến nay đã chậm hơn 1 năm.
Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự án Tân Rai đi vào hoạt động từ tháng 10.2013 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Tương tự, dự án Nhân Cơ cũng chưa hoàn thành hồ sơ thủ tục đề nghị Bộ TN-MT xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Tại đây cũng chưa lắp đặt trạm quan trắc tự động, liên tục với nguồn nước thải, khí thải theo quy định. Trong quá trình sản xuất để xảy ra một vài sự cố. Mặc dù đã được TKV xử lý nhưng chưa triệt để, một số đoạn tấm lót HDPE chống thấm bị rách, chưa được thay thế kịp thời, có nguy cơ không đảm bảo an toàn.
Máy móc hiện đại nhưng vận hành bằng tay
Theo đánh giá của Bộ TN-MT, sau 9 năm triển khai các thiết bị ở nhà máy alumin và thiết bị tại một số hệ thống xử lý môi trường của dự án Tân Rai đã xuống cấp, khả năng tuổi thọ của các thiết bị này không được như mong muốn. Trong quá trình sản xuất, dự án vẫn còn gặp một số lỗi về kỹ thuật do chất lượng của công trình, công nghệ và để xảy ra sự cố 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng trong tương lai dự án vẫn tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra, cần được kiểm tra, giám sát và có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Điều khá hài hước, theo báo cáo, hệ thống thiết bị điều khiển được nhập từ các hãng nổi tiếng thế giới, tuy nhiên, phần mềm điều khiển do nhà thầu Trung Quốc Chalieco thiết lập mặc dù cấu hình mạnh nhưng không có kinh nghiệm đối với quặng gipxit Tây nguyên nên điều khiển không tối ưu hóa được các chu trình vận hành, nhiều chức năng điều khiển phức tạp, chức năng điều khiển tự động, liên động nhà thầu không thực hiện được. Vì vậy, thực tế sản xuất hiện nay các khu vực công nghệ và phụ trợ chưa vận hành liên động tự động được, thường xuyên sử dụng chế độ bằng tay dựa theo kinh nghiệm của công nhân, làm tăng số công nhân vận hành. Công ty nhôm Lâm Đồng đã nghiên cứu thay thế thiết bị Trung Quốc, đảm bảo vận hành tự động và nâng hiệu suất nhà máy. Tuy nhiên, mức độ tự động hóa của nhà máy còn thấp.
Ở cả dự án Tân Rai lẫn Nhân Cơ, công nghệ thải bùn đỏ vẫn là thải ướt. Hiện các nhà máy alumin trên thế giới dần từ bỏ công nghệ này để chuyển sang thải khô bùn đỏ. Theo Hội đồng giám sát - đánh giá kết quả chuyển giao và ứng dụng công nghệ, công nghệ thải ướt bộc lộ một số nhược điểm, cần tiếp tục nghiên cứu chuyển sang phương pháp thải khô hợp lý hơn.
Tiềm ẩn sự cố môi trường
Đã nhiều lần có ý kiến cảnh báo về những nguy hại của các dự án bauxite tại Tây nguyên, GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, nhận định chất thải của các dự án này là bùn đỏ có độ pH lên đến 12 - 13 do sử dụng xút để chế biến bauxite. Trong khi các hồ chứa bùn đỏ ở độ cao 700 - 800 m, nếu xảy ra sự cố vỡ đập thì dưới hạ lưu như TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương... chịu rủi ro vô cùng lớn trong lũ quét, hệ sinh thái bị tiêu diệt. Một mối nguy khác, bauxite VN phân bố theo kiểu lỗ chỗ như da báo trên bề mặt, không phải nằm theo tầng như những địa chất khác nên khai thác dễ nhưng hiệu quả không tốt. Hậu quả lớn là khả năng hoàn thổ không có, mặt bằng sau khi khai thác không còn khả năng sử dụng để canh tác. Trong lịch sử khai thác khoáng sản của VN từ trước đến nay đều chưa có dự án nào hoàn thổ được. Nhiều dự án khai thác xong để lại những hố sâu còn gây rủi ro nguy hiểm tai nạn chết người trong nhiều năm sau đó. Đồng thời, nguy cơ thay đổi địa chất cũng có thể khiến cho khả năng những vùng này xảy ra động đất, phun trào.
Đặc biệt, việc khai thác bauxite được cho là rất độc hại vì khí thải, bụi nhôm bị phát tán ra môi trường gây nguy hại cho các sinh vật, động vật và con người. Đó là chưa kể sau khai thác thì việc vận chuyển cũng tàn phá lớn đến hệ thống hạ tầng đường bộ... Dẫn lại câu chuyện Hungary đã gọi vụ tràn bùn đỏ độc hại là một "thảm họa sinh thái nghiêm trọng" vào năm 2010, vị chuyên gia này cho rằng thiệt hại về môi trường lâu dài là không thể tránh khỏi. Vì vậy, nhiều nước đã không đầu tư các dự án bauxite, cụ thể Úc bỏ ra hàng triệu USD để thực hiện nhưng sau đó ngưng vì không có lợi.
“Nếu vỡ hồ chứa bùn đỏ thì khả năng hủy hoại sinh vật rất cao, tàn phá môi trường không biết khi nào mới khắc phục được. Lúc đó, dự án có lợi ích kinh tế thì cũng không đủ bù đắp thiệt hại về môi trường mà người dân phải gánh chịu”, GS-TS Lê Huy Bá nhấn mạnh.
TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, phân tích thêm, bùn từ các viên bauxite được hòa tan bằng xút khi lọc còn lại là bùn nguy hại. Nguy cơ bể hồ chứa bùn là ít nhưng sự cố khi sản xuất alumin từ bauxite phát tán ra nhiều bụi gây ô nhiễm không khí đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, công nghệ và thiết bị của dự án chủ yếu mua từ Trung Quốc khiến mọi người không thể an tâm. Vì vậy, không ai có thể đảm bảo rằng một vài năm sau, trong quá trình vận hành nhà máy sẽ không xảy ra các vấn đề nguy hại khác. Do đó cần giám sát chặt chẽ quá trình vận hành của nhà máy. Đặc biệt, bauxite cũng như các loại quặng khác là không tái tạo được, sử dụng đến đâu hết đến đó nên xu hướng các nước hạn chế khai thác và không được xuất khẩu quặng thô.
Bộ Công thương cho rằng trong quá trình thực hiện các dự án, nhìn chung dư luận trong tầng lớp nhân dân tại địa phương đồng thuận với chủ trương xây dựng dự án.
Tuy nhiên, còn có một số ý kiến trái chiều, phản đối việc triển khai dự án. Một số nhà khoa học, chuyên gia kinh tế lo ngại đến tính khả thi, hiệu quả của các dự án, các vấn đề về công nghệ Trung Quốc, môi trường, ảnh hưởng đến văn hóa xã hội...
Công tác an ninh trật tự được đảm bảo, người nước ngoài làm việc tại dự án tuân thủ pháp luật VN về đi lại, cư trú và chưa phát hiện có hoạt động nghi vấn xâm phạm đến an ninh quốc gia.
|
Bình luận (0)