Chiếc đèn thắp sáng nhờ năng lượng mặt trời được thiết kế như một chiếc bẫy tiêu diệt côn trùng, giúp nông dân tiết kiệm chi phí mua hóa chất phòng ngừa sâu bệnh, bảo vệ mùa màng.
Người dân xã Kiên Mộc dùng đèn năng lượng mặt trời để bẫy côn trùng, sâu bệnh hại rau - Ảnh: Văn Luân |
Sản phẩm do nhóm tác giả Lường Thị Thêm và Lộc Thị Hường, lớp 9 Trường THCS dân tộc bán trú xã Kiên Mộc (H.Đình Lập, Lạng Sơn) nghiên cứu.
Ý tưởng sáng tạo này xuất phát từ thực tế những năm gần đây, mùa màng tại Kiên Mộc luôn bị thất bát bởi các loại sâu bệnh, côn trùng gây hại. Hàng năm, toàn H.Đình Lập có tới 400/1.400 ha thông bị sâu, côn trùng tàn phá, mật độ phổ biến từ 800 - 1.000 con/cây, có nơi lên tới trên 2.000 con/cây. Người dân sử dụng ồ ạt các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng không phát huy tác dụng, do thân cây thông cao, diện tích rộng.
|
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và trăn trở giúp người dân địa phương, Lường Thị Thêm và bạn cùng lớp Lộc Thị Hường đã tìm cách chế tạo bẫy côn trùng chạy bằng năng lượng mặt trời, áp dụng trước hết ngay tại xã Kiên Mộc.
Giải thích về quy trình “bẫy” côn trùng, Lường Thị Thêm cho hay, thiết bị làm việc hoàn toàn tự động dựa vào cảm biến ánh sáng. Ban ngày, khi có ánh sáng chiếu vào, cảm biến ánh sáng sẽ mở mạch điện nối với các bóng đèn khiến đèn sẽ tắt. Đêm xuống không còn ánh sáng, thiết bị cảm biến ánh sáng sẽ tự động đóng mạch điện, để thắp sáng đèn led thu hút côn trùng. Trong quá trình di chuyển xung quanh đèn, côn trùng va vào bóng và chao đèn phản quang rơi xuống phễu hứng, bên dưới có bình chứa nước khiến côn trùng không thể bay lên được và bị rơi xuống nước. Các bóng đèn led được thắp sáng bằng năng lượng từ ắc quy tích trữ được chuyển hóa từ các tấm pin năng lượng mặt trời gắn phía trên đèn. Ban ngày có ánh sáng mặt trời, pin năng lượng mặt trời sẽ chuyển hóa quang năng thành điện năng, tự động nạp vào tích trữ trong ắc quy.
Trực tiếp đồng hành và tư vấn cho nhóm tác giả, thầy giáo Lường Văn Luân, Phó hiệu trưởng Trường THCS bán trú xã Kiên Mộc cho biết, ngay từ thời gian thử nghiệm, sản phẩm mang lại kết quả ngoài mong đợi. Giữa vạt rừng tăm tối, ánh sáng của đèn led có sức thu hút đặc biệt, cá biệt có đêm một chiếc bẫy đã “diệt” được vài kg côn trùng, tình trạng hoa màu bị côn trùng phá hoại giảm hẳn. Sản phẩm này được người dân đặc biệt quan tâm khi giúp họ giảm thiểu đáng kể thời gian, chi phí mua thuốc trừ sâu.
Theo tính toán, tổng chi phí nguyên vật liệu thiết kế bẫy côn trùng có giá không quá 250.000 đồng. Không chỉ áp dụng phòng trừ sâu bệnh trên cây thông, chiếc bẫy này cũng được thử nghiệm thành công diệt côn trùng trên nhiều loại cây trồng.
Lộc Thị Hường chia sẻ, để xây dựng được quy trình chế tạo bẫy côn trùng bằng đèn năng lượng mặt trời, nhóm nghiên cứu hoàn toàn vận dụng kiến thức đã học về ánh sáng, dòng điện của môn Vật lý; các hình thái biến thái, tính hướng sáng của côn trùng trong môn Sinh học và kiến thức phòng trừ sâu bệnh của môn Công nghệ. “Bên cạnh chuyển giao kỹ thuật cho người dân địa phương, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm cách để cải tiến, tối ưu về hình thức, kích cỡ bẫy để giảm chi phí xuống mức thấp nhất, giúp sản phẩm được ứng dụng rộng rãi”,
Bình luận (0)