Bay đến thiên đường - Truyện ngắn của Phong Điệp

26/08/2018 08:40 GMT+7

Đám ma của Ân đột ngột quá. Sáng hôm qua Facebook Ân vẫn còn tươi roi rói ảnh Ân ngồi duỗi dài bên bãi biển, làn da nâu bóng lấm tấm cát trắng đầy khiêu khích, kèm theo dòng trạng thái 'mỗi ngày tôi chọn một niềm vui'.

Vui gì mà hôm qua còn tung tăng, hôm nay mắt đã nhắm nghiền, tay chắp trước bụng như một pho tượng, nhợt nhạt và lạnh ngắt.
Thầy cúng lấy ngày sinh tháng đẻ, nhắm mắt, bấm đốt ngón tay choách choách như trẻ con học gảy bàn tính, đoạn cao giọng phán: xác Ân phải được chôn ngay, thế thì người chết mới ra đi nhẹ nhõm và được hưởng vinh hoa phú quý, an nhàn chốn thiên đường. Thầy nói thế thì làm thế. Không tiếp tục hưởng vinh hoa phú quý, an nhàn nơi trần thế được thì lên thiên đường hưởng cũng tốt chứ sao. Chả nhẽ lại tước đi niềm vui thiên đường của Ân? Chị gái Ân hối hả gọi điện cho công ty chuyên lo tang lễ. Mọi việc từ A đến Z có người lo hết. Kể cả điếu văn cũng chỉ cần cung cấp một số nét chính về cuộc đời và sự nghiệp của người đã chết thì sẽ có một đội quân lăm lăm tay trên bàn phím máy tính sắp xếp để cho ra một bài khóc thương lâm li, mùi mẫn nhất trần gian. Gia đình chỉ việc đứng túc trực cạnh quan tài, việc đến đâu sẽ có người check kịch bản và nhắc đến đấy. Thời đại 4.0 rồi, chả có gì phải lo cả.
Mẹ Ân sấp ngửa khóc trong buồng. Ông giời ơi ông giời ơi! Làm sao con tôi chết được hả giời. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời! Ông có mắt hay không hả ông giời ơi!
Bà không muốn tin, không thể tin là Ân đã chết. Tin hay không thì Ân cũng tim ngừng đập, chân ngừng đi rồi. Không cười toe cười toét, tung tăng check in khắp nơi để “mỗi ngày chọn một niềm vui” nữa rồi. Chứ không kiểu gì Ân chẳng cố vớt vát làm thơ đối lại với mẹ “hôm qua thì vẫn online, hôm nay nó đã nằm die thế này”!
Ối Ân ơi là Ân! Đến thiên đường nào mà bỏ mẹ ở lại thế này hả con!
Làm sao Ân chết? Câu hỏi này khó quá. Chả có lý do gì để Ân chết cả. Tai nạn không, bệnh tật không, ngộ độc không, kẻ xấu hại không... Túm lại là chẳng ai, chẳng cái gì khiến cho Ân chết ngoài dự định cả. Chỉ là tự Ân chủ động chọn cho mình cái chết. Nhưng sao lại chọn chết khi mà Ân còn tràn đầy sức sống như thế, còn bao nhiêu khao khát, ước mong được thực hiện như thế. Và được yêu nhiều đến như thế...
Facebook của Ân tràn ngập comment. Ngạc nhiên, tiếc nuối, xót xa. Mắng mỏ, rủa xả.
“Chưa cùng nhau đến Bắc cực mà đã đi vội thế chế ơi?”.
“Hẹn cuối tuần gặp nhau mà mày đã bỏ đi một mình thế à?”.
“Con điên, đừng đùa thế!”.
Nhưng Ân không đùa. Chuyến này Ân đi thật. Đi một mình. Thật xa…
Nhưng xa thế thì Kha sẽ sống thế nào? Kha sống thế nào nếu một ngày không có Ân? Kha từng bảo Ân là hơi thở, là lẽ sống của đời Kha. Giờ mất lẽ sống rồi, Kha tiếp tục thế nào đây?
Kha quen Ân như là sự sắp đặt của số phận. Cả hai cùng viện nghiên cứu. Kha kỹ tính, ngại giao tiếp. Ân xởi lởi, gặp ai cũng có thể làm thân, trò chuyện không dứt. Kha sần sùi, thô ráp, Ân nhẹ nhõm, ưa nhìn. Kha khó gần, Ân dễ mến. Vậy mà cái dễ cái khó va cái đùng vào nhau. Chịu trận nhau. Và rồi chẳng dứt được nhau. Thế chẳng phải là số phận ư.
Đằng đẵng gần chục năm Kha đeo đuổi Ân, tự nhận mình là cái bóng của Ân. Chỉ có điều ai vẫn ở nhà nấy. Ân thản nhiên đi qua tuổi ba mươi như thể mới chớm mười lăm, chẳng buồn lo nghĩ, kệ cả nhà lẫn họ hàng lẫn xóm giềng rú rít “con kia lấy chồng nhanh không ế sưng lên rồi”. Kệ chứ. Ân chẳng lo thì ai lo hộ được. Ai lại muốn buộc chân mình lại làm gì khi đường phía trước hãy còn thênh thang thế kia.
Nhưng Kha thì sốt ruột. Tóc Kha chuyển màu muối tiêu rồi. Kha đâu còn trẻ nữa. Kha cũng hơn Ân cả chục tuổi chứ ít ỏi gì. Chưa kể tính Kha hay lo lắng, hay nghĩ ngợi. Có lúc Kha đùa: chỉ riêng cái việc ngồi nhà chầu chực Facebook xem Ân đi đâu, làm gì cũng đã khiến Kha bạc tóc và chết già mất thôi. Kha tự hỏi lúc nào thì Ân mới thấy mỏi, mới chịu dừng lại? Năm lần bảy lượt Kha ướm hỏi Ân chuyện về chung một nhà, Ân vẫn lắc đầu ngoay ngoảy như trẻ con bị bố mẹ nhồi ăn. Nhưng sự kiên nhẫn của Kha đang cạn dần. Kha bắt đầu thấy mệt mỏi vì chờ đợi. Đời này Kha chỉ có Ân thôi. Nhưng cứ đợi chờ thế này, Kha không chịu nổi nữa.
Bây giờ thì Ân chết rồi, Kha không phải chờ đợi gì nữa. Nhưng không còn gì chờ đợi nữa thì sống thế nào đây? Kha nhìn ảnh Ân ai oán. Ân có trả lời câu hỏi này cho Kha được không?
Điện thoại Kha tràn ngập ảnh Ân. Chỉ duy nhất mỗi ảnh Ân thôi. Toàn ảnh Kha lấy từ Facebook của Ân. Thế mà cũng chật cả bộ nhớ. Mà Ân cũng tai quái, chẳng bao giờ chịu chủ động gửi ảnh cho Kha, chỉ khi nào bị “nhắc nhở” nhiều quá mới tiện thể gửi cho vài cái chụp vội lúc đi chơi. Rồi thể nào những tấm ảnh ấy cũng được post la liệt lên Facebook cho bàn dân thiên hạ ngắm. Thế đấy. Có gì là mang khoe khắp bàn dân thiên hạ, Ân chả giữ riêng cho Kha gì cả. Mặc Kha dỗi dằn, trách móc, Ân vẫn cứ nhơn nhơn, bất cần. Ảnh đẹp đưa lên Facebook còn câu like, chứ gửi riêng cho Kha thì được cái gì nào.
Vì sao Ân chết? Kha không tài nào giải thích được. Kha yêu Ân, nhẫn nại với Ân như thế cơ mà. Tại sao Ân lại bỏ Kha mà đi?
Rốt cuộc thì chỉ mình Ân biết. Nhưng Ân đã mang câu trả lời theo mình, chôn vùi dưới lòng đất sâu lạnh lẽo…
***
Đúng là Ân biết chẳng ai yêu mình nhiều như Kha. Lúc nào trong Kha cũng thường trực bóng hình Ân, cũng bận rộn những mối âu lo về Ân.
Ân quảng giao, nhiều mối quan hệ, nhiều bạn nhiều bè, nhiều “ong bướm” vây quanh. Sinh nhật Ân, hoa hồng xếp đầy một góc nhà. Những bưu thiếp gửi gắm lời yêu thương xếp ngổn ngang một ngăn kéo bàn làm việc. Rồi những lời mời mọc cà phê, ăn trưa. Ân chẳng đầu mày cuối mắt với ai. Chẳng viển vông cao sang. Chẳng ai khiến Ân mủi lòng như Kha, nhưng các mối quan hệ của Ân lại khiến đám chị em đồng nghiệp cùng phòng khó chịu ra mặt. Ân đã có Kha rồi mà không chịu chuyên tâm đi.
Nhưng thế nào là chuyên tâm? Thì ổn định cuộc sống gia đình, sinh lấy đứa con cho nó chững chạc con người. Chứ gái ba mươi rồi mà vẫn quần xớ, áo tua rua, tóc highlight, nom chả ra làm sao cả.
Ô hay, gái ba mươi đến cái việc ăn mặc thế nào còn bị xét nét thế thì chuyên tâm thế quái nào được.
Nhưng Ân không sợ cái đám phụ nữ cùng phòng nhiệt liệt giơ khẩu hiệu đòi chuyên tâm. Ân sợ Kha. Sợ thực sự. Một nỗi sợ khó cắt nghĩa.
Dù không có kinh nghiệm tình trường, nhưng Ân tin chắc chẳng ai yêu đến tuyệt vời trung thành và mẫn cán như Kha. Trừ bữa sáng và bữa tối Ân ăn theo sở thích và sinh hoạt tại gia đình, bữa trưa Kha nhất quyết giành quyền chăm sóc Ân. Bất chấp mặt đường đang nhả lửa giữa ngày hè hay dở trời giông gió, Kha vẫn hùng hục lao xe ra đường lo bữa ăn cho Ân. Này là gà ác tần của bà cụ trong ngõ Cột Đèn. Này là bún cá chị béo phố Cầu Đông. Này là bún bò riêu cua của vợ chồng nhà Tám Râu ở ngã sáu Năng Tĩnh. Này là mì vằn thắn của Sáu cụt phố Đường Tầu. Rồi thì bánh cuốn Nhà Hỏa, cháo gà chợ Gạo, cháo đậu đen cà pháo chợ Đuổi, xôi xíu Lò Trâu... Chả món nào Ân từ chối nổi vì quá ngon. Trong lúc Ân ăn như chết đói thì Kha ngồi ngắm say sưa. Ngắm cũng đã đủ no rồi. Ngắm đã đủ mãn nguyện rồi. Vậy nên bữa trưa nào Ân đi ăn với bạn là Kha đứng ngồi không yên.
“Nhớ ăn xong về sớm với anh nhé!”.
Vài lần như thế, Ân cáu lắm. Bạn bè lâu lâu gặp nhau, ngồi cà kê buôn dưa lê bán dưa chuột chứ có phải xếp hàng ăn ở căn tin rồi lo trả bát đâu mà sớm với chả nhanh. Thì là Kha cứ dặn thế chứ có ý gì đâu. Không được lo bữa trưa cho Ân là Kha thấy chân tay mình thừa thãi, miếng cơm cho vào miệng thấy vô duyên, nhạt nhẽo. Vậy là Kha ngồi chết dí trong phòng làm việc, úp mì tôm ăn cho qua ngày đoạn tháng, mặc kệ trời đang nắng đẹp như tranh Levitan, dân văn phòng xôn xao rủ nhau lượn lờ ngắm phố, ăn trưa. Ân chẳng bao giờ hiểu được cái cảm giác phải xa Ân khiến cho Kha bất an đến thế nào. Thế nên lúc mới yêu nhau Kha mới đề nghị Ân về đến nhà phải nhắn tin cho Kha yên lòng. Tối nào không có tin nhắn của Ân, Kha ngủ không yên.
Thật là dở hơi quá đi. Nhắn đi nhắn lại, ngày nào cũng đong đưa cả tiếng đồng hồ khiến Ân nổi cáu. Nhắn gì đòi mà nhắn lắm thế. Hôm nào cũng báo cáo em đã về đến nhà, đã ăn cơm, đã xem phim, và chuẩn bị đi ngủ. Rồi chuẩn bị sẵn câu trả lời cho cả tá câu hỏi đại loại như đi có bị tắc đường không, có bị mưa không, có mệt không, hôm nay ăn cơm với gì, xem phim gì, bla bla... Thế thì chịu thế quái nào được. Em có phải là trẻ mẫu giáo đâu. Chẳng lẽ cứ soạn sẵn cái tin rồi cài đặt automatic giờ ấy nó chuyển? Tính Ân cứ cái gì lặp lại là Ân chán. Nhưng Kha muốn vậy mà. Kha xin Ân đấy!
Ân không phải là trẻ mẫu giáo nhưng lúc nào cũng khiến Kha lo lắng. Không lo sao được khi mà cứ sểnh ra là Ân lên đường. Người thì bé bằng cây kem mút dở mà dãi nắng dãi gió suốt thôi. Nay lên rừng, mai xuống biển. Vừa leo núi ngã bầm dập cả đầu gối mà hôm sau đã chung chiêng đứng co chân tạo dáng để phơi nắng ở đỉnh một con dốc tận xứ khỉ ho cò gáy nào đó. Kha nhớ có lần hai người đi công tác chung, ra đến sân bay, chuẩn bị vào quầy làm thủ tục check in, thế mà vừa phát hiện bên đường có vạt hoa dã quỳ vàng rực, Ân tức tốc kéo vali lao ra. Lúc đầu Kha chả hiểu mô tê gì, cũng quèn quẹt lôi vali đuổi theo. “Sắp đến giờ bay rồi, quay lại đi!”. Mặc Kha quát, Ân cứ lao như mũi tên rời khỏi cung bắn, bất chấp. Mà đường nhìn thì gần nhưng phải lên xuống mấy lần thang máy, vượt qua dải phân cách, cắt qua con đường cao tốc xe lao vùn vụt chỉ để được chụp ảnh với mấy bông hoa dại. Trần đời Kha thấy chỉ có Ân khùng thế. Hay có lần đi thực tế vùng cao, nhoáng cái Kha đã thấy Ân mất tích. Tìm kiếm cả tiếng đồng hồ, điện thoại thì ò í e ngoài vùng phủ sóng, khiến Kha lo lắng đến đau cả tim. Hóa ra Ân đã rúc vào một nhà dân trong xóm xem người ta làm lễ đặt tên con. Cái gì lạ cũng làm Ân háo hức tò mò. Vì cái tính hiếu kỳ ấy mà có lần Ân bị ngộ độc thức ăn suýt chầu ông bà ông vải. Ân cứ sống hồn nhiên như cây cỏ trong khi có phải ai cũng như Ân đâu. Nên Ân chả mấy lần bị mang tiếng vì những thứ chẳng đâu vào đâu, nói mãi chẳng thể nào sửa được. Ân cứ như thế thì bảo Kha không lo làm sao được.
Bởi vậy những lúc gần nhau, Kha đều tranh thủ chăm sóc, bảo bọc Ân theo kiểu bảo mẫu chăm trẻ. Như thể đó là trách nhiệm, là sứ mạng của Kha trong cuộc đời này. Vì chung cơ quan nên mỗi sáng đi làm, rà xe vào bãi Kha lập tức tìm xem xe Ân đậu chỗ nào. Kha sẽ nắn nót xếp lại nếu xe Ân xếp cẩu thả. Và nếu bên cạnh còn chỗ trống, Kha sẽ đậu xe mình vào đó. Thỉnh thoảng Kha còn tự động lấy chìa khóa xe Ân đi bảo dưỡng, chứ đợi Ân thì xe cũng ra nghĩa địa sắt vụn sớm. Lên đến phòng làm việc, còn chưa kịp hạ ba lô xuống, Kha đã nhấc điện thoại gọi cho Ân. Gọi chỉ để được nghe tiếng Ân. Một ngày không được nghe tiếng Ân vài lần, Kha không chịu được. Hôm nào biết Ân bận, Kha đành ngồi thừ, nhìn trân trối vào chiếc điện thoại, mà phải kìm nén lắm mới không bấm số của Ân. Nhưng Kha sẽ ngắm ảnh Ân, cho đỡ nhớ. Nhìn ảnh Ân cười, Kha tưởng tượng Ân đang cười với mình. Thế đủ cho Kha lâng lâng vì hạnh phúc rồi.
Ân sẽ chẳng bao giờ biết Kha yêu Ân nhiều đến như thế. Kha giành mua sữa tắm cho Ân tắm, mua kem dưỡng da cho Ân bôi. Kha giành mua nước hoa cho Ân dùng. Thậm chí cả cái việc đàn ông vốn ngại ngùng là mua đồ lót cho phụ nữ thì Kha lại cảm thấy hạnh phúc. Ân nhất định phải mặc đồ Kha mua, không thì Kha sẽ buồn lắm. Mặc Ân càu nhàu, Kha cứ tự nguyện làm tất cả những việc ấy một cách mãn nguyện. Ân đừng bao giờ tước đi niềm vui bé nhỏ ấy của Kha là được.
***
“Về chung nhà với anh đi. Em biết là anh sẽ không thể sống thiếu em được mà”.
Kha nói mà không dám nhìn Ân. Kha sợ sẽ lại nhìn thấy ánh mắt né tránh hoặc trêu chọc tinh quái của Ân như mọi khi. Nhưng lần này thì Ân nhìn Kha chăm chú. Tóc Kha bạc thêm nhiều. Những nếp nhăn khắc khổ hằn hai bên gò má đen sạm. Lưng Kha còng xuống, nhẫn nhịn. Lòng Ân thắt lại.
***
Một tuần sau thì Ân chết.
Không, Ân bay đến với thiên đường của mình. Chốn đó đủ rộng cho Ân tha hồ bay bổng.
Để Kha không còn phải khổ vì Ân nữa.
Hà Nội, 8.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.