Hứa hẹn lãi khủng
Ngoài những dự án chiêu mộ nhà đầu tư (NĐT) tham gia bỏ vốn vào tiền ảo, chào mời sàn vàng thì gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “sàn thương mại điện tử tràn tầng”… Điểm chung của những dự án này là được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, YouTube, các nhóm mạng xã hội như là sân chơi của những “bạn trẻ khởi nghiệp” hay của những doanh nhân muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư.
Chẳng hạn dự án ChiliMall.net xuất hiện tại VN vào đầu năm nay và giới thiệu là được sinh ra tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Nếu là người tiêu dùng khi tham gia sẽ được quyền lợi như hoàn tiền từ 30 - 150% khi mua sắm tùy theo hạng thành viên; được sở hữu đồng Siling token (SLN) với giá 1 SLN = 1 USD; được hưởng hoa hồng trọn đời khi giới thiệu thêm người dùng; được quyền nâng cấp thành viên khi bỏ tiền 35 USD, 250 USD hoặc 500 USD. Còn nếu là doanh nghiệp khi tham gia ChiliMall
sẽ được quảng bá thương hiệu miễn phí với cộng đồng và chỉ khi nào bán được hàng mới chiết khấu trong sàn này. Mục đích chính của sàn ChiliMall là thuyết phục người tham gia bỏ tiền để nâng hạng thành viên nhằm thu được mức chiết khấu và hoa hồng cao hơn.
Còn tại sàn W. được giới thiệu là khi tham gia, lợi nhuận cho mỗi giao dịch lên đến 95%. Thậm chí khi mới mở tài khoản trên sàn này, NĐT đã được tặng 1.000 USD để học cách giao dịch. Sau đó, NĐT nếu không có thời gian giao dịch thì có thể lựa chọn mua cổ phiếu eShare với thời gian đầu tư tối thiểu 6 tháng và sẽ có lợi nhuận kép. Nếu giao dịch thì theo mô hình nhị phân chỉ trong vòng 5 phút, NĐT có thể biến tài khoản trị giá 1.000 USD của mình lên đến 16.000 USD. “Còn khi bạn mời được 1 người đăng ký và giao dịch, người đó nạp 1.000 USD và thực hiện 10 giao dịch 100 USD/ngày thì sẽ nhận được tối đa 2% hoa hồng là 1.000 USD x 2% = 20 USD/ngày. Nếu là 10 người, 100 người thì bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền”, một bài viết giới thiệu sàn W. nhấn mạnh.
Nhiều mô hình gần đây thực hiện tuyển dụng nhân viên (chủ yếu là sinh viên) với các tiêu chí rất chung chung, dễ đáp ứng và hấp dẫn về thu nhập như lương 10 triệu đồng/tháng không cần kinh nghiệm và bằng đại học, làm ca 4 tiếng/ngày thu nhập 6 triệu đồng/tháng chưa kể hoa hồng… Nhưng sau đó nhân viên tuyển dụng bằng nhiều biện pháp kể cả dụ dỗ và ép buộc người xin việc nộp các khoản tiền rất lớn với nhiều lý do (như phí đào tạo kỹ năng bán hàng, mua tài liệu kinh doanh…) hoặc bị yêu cầu mua một gói sản phẩm ban đầu để đầu tư hay “gia nhập” doanh nghiệp…
|
Cơ quan quản lý kêu khó
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết hiện nay chỉ có 22 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, những doanh nghiệp khác nếu hoạt động theo mô hình này đều là trái phép và người tiêu dùng khi tham gia sẽ gặp rủi ro thiệt hại về vật chất lẫn pháp lý.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết các hoạt động liên quan tiền ảo là bất hợp pháp, không phải là phương tiện thanh toán tại VN. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng các loại tiền ảo như Bitcoin là bị cấm và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có cảnh báo nhiều lần đến người dân việc tham gia những hoạt động liên quan tiền ảo là rủi ro, mất tiền. Một số loại tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số, tính ẩn danh cao nên thường là công cụ cho tội phạm như rửa tiền, lừa đảo, trốn thuế… sử dụng. Đồng thời, những đồng tiền ảo này có nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.
Chính vì các hoạt động liên quan đến tiền ảo không hợp pháp nên những người tham gia còn thêm rủi ro về pháp lý, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không đủ chức năng để có thể điều tra, xử lý trực tiếp các vụ việc cá nhân, doanh nghiệp ngoài tổ chức tín dụng sử dụng tiền ảo và chỉ có thể phối hợp với cơ quan chức năng khác trong công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này.
TS Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế - Luật), nhận định nhiều dự án huy động vốn đa cấp được ẩn dưới hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư nên đây là giao dịch dân sự và không bị cấm. Chỉ đến khi các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo và nạn nhân tố cáo thì cơ quan công an mới có thể điều tra. Bên cạnh đó, do khung pháp lý về tiền ảo chưa đầy đủ nên nhiều cá nhân, tổ chức cũng lách được với nhiều chiêu trò khác nhau. Việc quản lý, phối hợp kiểm tra các hoạt động lừa đảo từ sàn vàng, forex đến kinh doanh trên mạng… đều phải có sự phối hợp của nhiều bộ ngành nên khá phức tạp, thời gian xử lý lâu. Có nhiều trường hợp những kẻ lừa đảo ôm tiền bỏ trốn sang nhiều quốc gia khác không tìm được hoặc thậm chí nhiều kẻ bị truy tố hình sự nhưng tiền của nhà đầu tư cũng không thể lấy lại được. Vì vậy, người dân phải tự mình nâng cao hiểu biết, không chạy theo lời hứa hẹn về mức lợi nhuận cao để tránh rơi vào bẫy lừa.
Bình luận (0)