Bay lại quốc tế nửa mừng, nửa lo

14/09/2020 06:20 GMT+7

Việc mở lại các đường bay quốc tế được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mới cho thị trường hàng không đang khá trầm lắng do làn sóng Covid-19 lần 2. Dù vậy, các hãng hàng không vẫn “nửa mừng, nửa lo”...

Các hãng hàng không đã sẵn sàng

Nếu được Chính phủ chấp thuận, từ 15.9, 3 đường bay quốc tế thường lệ đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ được chính thức mở lại và từ 22.9 là đường bay đi Đài Loan, Campuchia, Lào.

Mở cửa bầu trời từ từ, thận trọng sẽ là bước đà, bước thí điểm để cả hàng không và du lịch thực tập, chuẩn bị kỹ hơn cho bước mở tiếp theo, sâu hơn vào thị trường du lịch quốc tế

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN

Để đón đầu việc mở lại đường bay quốc tế, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã công bố khai thác trở lại đường bay Việt Nam - Nhật Bản với các chuyến từ Hà Nội, TP.HCM đi sân bay Narita (Tokyo), nhằm đưa hành khách từ Việt Nam đến Nhật Bản lao động, học tập và sinh sống với giá vé trên 10 triệu đồng/chiều. Các chuyến bay chở khách chiều ngược lại từ Nhật về VN sẽ được hãng thực hiện sau khi có quyết định chính thức của cơ quan chức năng. VNA cũng đang xây dựng phương án khôi phục các đường bay đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia trong thời gian tới.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam chiều 13.9: Thêm 3 ca mắc mới về từ Nga

Theo đại diện VNA, việc chuẩn bị cho khai thác trở lại các đường bay quốc tế không quá khó khăn, do hãng vẫn duy trì hoạt động thường xuyên trên mạng bay quốc tế qua các chuyến đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách 1 chiều từ VN ra nước ngoài. Từ tháng 6, VNA cũng đã khai thác trở lại các đường bay 1 chiều từ Hà Nội, TP.HCM đến Seoul (Hàn Quốc) với tần suất 2 - 4 chuyến/tuần; và đến Franfurt (Đức) với tần suất 1 chuyến/tuần.
Tương tự, Vietjet Air và Bamboo Airways đều bày tỏ đã sẵn sàng cho việc khai thác trở lại các đường bay quốc tế khi được Chính phủ cho phép.
Phương án được Cục Hàng không Việt Nam xây dựng thì đối tượng được nhập cảnh khi mở lại đường bay quốc tế gồm: các nhà ngoại giao, công vụ; công dân Việt Nam có nhu cầu về nước; công dân Việt Nam đi lao động tại các nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc; người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm. Với 6 đường bay quốc tế được mở trong tháng 9, dự kiến mỗi tháng có 20.000 người nhập cảnh Việt Nam qua sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ.

Theo Cục Hàng không, đón khách quốc tế trở lại nhưng chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu

ẢNH: ĐỘC LẬP

Chưa cho phép khách du lịch

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam , cho biết để đảm bảo yêu cầu chống dịch, trước mắt chỉ tập trung vào các nhóm đối tượng như đã đề xuất. “Việc có mở rộng sang các đối tượng khác như khách du lịch hay hành khách không nằm trong các nhóm ưu tiên sẽ phải chờ diễn biến của dịch. Đón khách quốc tế trở lại nhưng chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu”, ông Thắng nói, và cho biết Cục Hàng không không đề nghị điều chỉnh các quy định kiểm soát dịch của Bộ Y tế.

Thủ tục cách ly

Khách lên máy bay sẽ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày, khi vào VN phải cách ly tập trung 5 - 7 ngày. Trong thời gian này, khách sẽ được xét nghiệm PCR 2 lần, nếu âm tính sẽ tiếp tục cách ly tại nhà hoặc doanh nghiệp, đơn vị đủ 14 ngày dưới sự giám sát của địa phương. Trường hợp khách có dấu hiệu nhiễm sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Các chi phí cách ly do người nhập cảnh (gồm cả người VN và nước ngoài) tự chi trả.
Trước đó, giữa tháng 6, thông tin Chính phủ yêu cầu nghiên cứu mở lại các đường bay quốc tế nhận được rất nhiều sự trông đợi của các doanh nghiệp (DN) hàng không, lữ hành. Việc mở cửa bầu trời tại thời điểm đó được đánh giá là liều thuốc hiệu quả nhất “cấp cứu” cho ngành hàng không, du lịch, vực dậy nền kinh tế. Từ DN cho tới các hiệp hội, hội đồng tư vấn du lịch..., rất nhiều đơn vị đã kiến nghị trực tiếp với Thủ tướng đề xuất thực hiện nhanh các quy trình để tổ chức thực hiện các chuyến bay song phương an toàn.
Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh tái bùng phát tại Đà Nẵng, chiến lược vực dậy ngành du lịch đã có rất nhiều thay đổi. Trước kế hoạch chi tiết mở lại một số đường bay quốc tế, các DN lữ hành đánh giá chỉ mang nhiều ý nghĩa về tâm lý, giúp mọi người hy vọng du lịch đang từng bước quay trở lại, còn về doanh thu thì chưa đủ để cứu các DN lữ hành, khách sạn, nhà hàng...
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, thừa nhận ngành du lịch hiện chỉ có thể tập trung vực dậy thị trường nội địa, chưa thể trông chờ vào khách quốc tế. Những diễn tiến dịch bệnh trong thời gian qua khiến mọi động thái mở cửa thị trường buộc phải thực hiện rất thận trọng, tuân thủ nghiêm ngặt quy định chống dịch, với mục tiêu an toàn phải đặt lên hàng đầu. Thực tế cho tới bây giờ, một số lượng lớn khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm phục vụ chủ yếu cho khách nước ngoài vẫn chưa thể mở cửa trở lại, kéo theo cả hệ thống cung ứng dịch vụ cho du lịch, hàng triệu lao động, hàng trăm DN “chết” theo.
Số lượng chuyên gia, người lao động được phép nhập cảnh Việt Nam làm việc tuy không quá nhiều nhưng cũng sẽ góp phần kích hoạt hệ thống khách sạn, một số loại hình dịch vụ, mở dần du lịch cũng như các hoạt động kinh tế khác. Đồng thời, giải cứu các hãng hàng không trong bối cảnh các đường bay quốc tế đã đình trệ thời gian quá dài.
“Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta không thể trông chờ việc mở cửa nhanh chóng, vội vàng tăng doanh thu để vực dậy kinh tế. Trước mắt, du lịch và hàng không vẫn cần tập trung kích cầu, phục hồi hoàn toàn du lịch nội địa. Mở cửa bầu trời từ từ, thận trọng sẽ là bước đà, bước thí điểm để cả hàng không và du lịch thực tập, chuẩn bị kỹ hơn cho bước mở tiếp theo, sâu hơn vào thị trường du lịch quốc tế”, ông Thọ nhận định.

Đồ họa: Hồng Sơn

“Test” phản ứng thị trường

Tương tự, các hãng hàng không dù đều sẵn sàng nhân lực và phương án khai thác trở lại các đường bay quốc tế, song không quá kỳ vọng vào sự đột phá. Chia sẻ với Thanh Niên, các hãng hàng không đều cho biết việc mở lại đường bay quốc tế là một liệu pháp “test” (kiểm tra) phản ứng thị trường. Khảo sát cho thấy lượng khách có nhu cầu mua vé về/đến VN trong một vài tháng tới không nhiều, do tâm lý e ngại dịch bệnh, cũng như quy định cách ly của các nước. Về phía hãng hàng không, theo quy định hiện hành, phi hành đoàn gồm phi công, tiếp viên khi từ nước ngoài về sẽ phải xét nghiệm và cách ly 14 ngày, nếu mở lại các đường bay quốc tế với tần suất 5 - 6 chuyến/tuần, cũng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều trong phân bổ nhân lực.
Để hỗ trợ các hãng hàng không trong việc mở lại đường bay quốc tế, đại diện VNA bày tỏ mong muốn Chính phủ có một đơn vị đầu mối chủ trì với các bộ, ban, ngành liên quan nhằm thống nhất được bộ quy trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, DN hàng không và hành khách, bởi đây là vấn đề mang tính hệ trọng của đất nước khi vừa phải mở cửa nền kinh tế, vừa phải đảm bảo phòng, chống dịch.
“Quy trình kiểm dịch phải đảm bảo khách nhập cảnh không mang mầm bệnh vào cộng đồng, nhưng thủ tục phải nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện để tránh trường hợp khách có nhu cầu nhưng ngại bay do thủ tục rườm rà, mất thời gian, tiền bạc. Quy định của các bộ, ngành cần đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện để các hãng, hành khách nắm được và thực hiện”, đại diện VNA kiến nghị.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.