Li Weihong (không phải tên thật), người Malaysia, nghe nói về cơ hội làm việc tại một công ty cờ bạc trực tuyến ở Campuchia với mức lương lên đến 4.000 USD/tháng, nên đã đến Sihanoukville vào tháng 12.2021 với hy vọng đổi đời. Thế nhưng, tất cả lại là cơn ác mộng. Ngay khi vừa đến Sihanoukville, Li đã bị công ty tịch thu hộ chiếu. “Họ bảo chúng tôi ký hợp đồng, nhưng nó hoàn toàn khác với những gì đã thỏa thuận trước đó”, anh kể lại với tờ Liên hợp Tảo báo của Singapore.
Điều kinh hoàng nhất là anh không làm việc cho một sòng bạc trực tuyến, mà là cho một nhóm lừa đảo qua mạng. Anh cho biết có ít nhất 100 người khác giống mình. Không ai được phép di chuyển quá nhiều và tất cả bảo vệ đều có súng, dùi cui cùng roi điện. “Nếu ai đó cố gắng trốn chạy, họ sẽ bị đánh đập hoặc bị chích điện”, anh nói.
Buôn người, cưỡng bức lao động
Đó chỉ là một trong số hàng ngàn nạn nhân đến từ nhiều nước, vùng lãnh thổ bị lừa gạt và ép buộc làm việc tại các ổ lừa đảo, chủ yếu do người Trung Quốc điều hành, đang bùng nổ ở Campuchia, đặc biệt tại Sihanoukville. Các nhóm lừa đảo này ban đầu chủ yếu “tuyển dụng” người Trung Quốc vào làm việc, nhưng sau khi dịch Covid-19 bùng phát và Trung Quốc đóng biên, chúng đã nhắm vào người dân ở các nơi khác.
Theo The Guardian, nhóm nạn nhân lớn nhất dường như từ VN và Đài Loan. Giới chức Đài Loan hôm 18.8 cho biết ít nhất 373 người dân vùng lãnh thổ này đã bị lừa sang làm việc cho các nhóm lừa đảo tại Campuchia, trong đó mới chỉ có 40 người trở về. Một ngày sau đó, cảnh sát Đài Loan cho biết số người đã đến Campuchia nhưng chưa trở về lên đến gần 4.700 người, theo Hãng thông tấn CNA.
Campuchia bắt quản lý casino nơi 42 người Việt chạy trốn |
Hồi tháng 4, cảnh sát Thái Lan được Campuchia cho phép tiến hành đột kích một loạt địa điểm ở Sihanoukville và thủ đô Phnom Penh với sự đồng hành của cảnh sát địa phương. Các nhà chức trách Thái Lan hy vọng sẽ giải cứu được 3.000 người Thái được cho là đã bị lừa đến làm việc tại các ổ lừa đảo và bị giam giữ. Tuy nhiên, họ chỉ cứu được 66 người.
Các nhóm lừa đảo này đặt trụ sở tại các sòng bạc, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư và văn phòng trên khắp Campuchia. Đặc điểm nổi bật của chúng là thanh chắn trên cửa sổ và ban công, cũng như hàng rào thép gai kiên cố xung quanh, theo Al Jazeera. Với lực lượng an ninh canh giữ mọi lối đi, không ai có thể ra vào những nơi này ngoài các bọn tội phạm.
Lưới sắt che kín ban công một khu nhà ở Sihanoukville |
Chụp màn hình Think China |
Lợi nhuận hàng tỉ USD
Các nhóm lừa đảo trên mạng của người Trung Quốc ở Campuchia có thể kiếm được hàng tỉ USD mỗi năm. Những kẻ lừa đảo không chỉ nhắm vào người Trung Quốc mà còn cả nạn nhân từ các nước châu Á khác, thậm chí Úc, Mỹ lẫn châu Âu.
Hong từng làm việc cho một nhóm lừa đảo xổ số nhắm vào những nông dân ít học ở Trung Quốc. Kể với Al Jazeera, Hong cho biết có khoảng 200 người làm việc tại nơi này và tỷ lệ lừa đảo thành công rất cao - hàng ngàn nạn nhân đầu tư từ 15.000 - 30.000 USD chỉ trong vài tháng.
Những người khác như Chen (cũng là người Trung Quốc) thì bị ép lừa đảo đầu tư vào tiền ảo dựa trên quan hệ tình cảm. Điều đầu tiên mà công ty lừa đảo bắt họ làm là tạo ra một nhân vật giả với hình ảnh và video lấy trên mạng. “Chúng tôi cần trở thành một người đẹp trai, tích cực và có một công việc ổn định. Không cần phải là con nhà giàu, chỉ cần có một công việc thích hợp. Tôi giả làm một người góa vợ và được bảo rằng câu chuyện của mình càng buồn thì càng tốt”, Chen kể Al Jazeera. Tỷ lệ thành công của nhóm này cũng cao. Chen nhớ một nhóm 6 người từ Thành Đô, Trung Quốc, đã lừa được hơn 3 triệu USD, trong khi một phụ nữ ở Canada bị lừa 1,5 triệu USD.
Theo Chen, đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Với khả năng tiếp cận công nghệ phức tạp, các công ty đã đặt mục tiêu lừa được 500 người mỗi ngày. Anh cũng cho biết công ty có phần mềm cho phép họ đăng nhập đồng thời 20 - 30 tài khoản WhatsApp và dịch ngay lập tức các tin nhắn từ tiếng Trung Quốc sang bất kỳ ngôn ngữ nào của “con mồi”.
Trước tình hình trên, Campuchia mới đây cho biết đang truy quét các hoạt động trái phép liên quan các vụ lừa đảo, buôn người nhằm vào người nước ngoài, đồng thời sẽ nỗ lực giải cứu nạn nhân.
Vợ bên Campuchia nhắn chồng lo 7.000 USD để chuộc về
Nội dung trao đổi qua Zalo do chị T. cung cấp cho chồng |
Ngày 24.8, anh Lê Ngọc Châu (23 tuổi, ngụ xã Xà Bang, H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đến Công an xã Xà Bang trình báo việc vợ mình là chị T.N.H.T (22 tuổi) nghi bị bán qua Campuchia để lao động. Anh Châu cho biết ngày 18.8, chị T. dẫn con gái từ xã Xà Bang lên TP.HCM gửi cho cô giáo giữ trẻ rồi đến gặp anh, nói là theo nhiều người khác “đi tập huấn”. Đến ngày 22.8, chị T. nhắn tin qua Zalo cho anh Châu biết mình đã bị bán qua Campuchia để lao động. “Đến khoảng 9 giờ ngày 22.8, vợ tôi nhắn tin qua Zalo nói là đã bị bán qua Campuchia làm việc cho một công ty do người Trung Quốc quản lý. Vợ tôi nói trong ô tô còn có nhiều người khác. Khi mọi người lên xe thì ngủ thiếp đi hết, lúc tỉnh dậy thì thấy đang ở trong một khu khách sạn ở Campuchia”, anh Châu kể.
Anh Châu chụp màn hình cho PV Thanh Niên xem cuộc trao đổi giữa chị T. với người đàn ông nghi là đã bán chị và những người khác qua Campuchia. Nội dung cuộc trao đổi là “làm lương từ 30 - 50 triệu đồng. Nếu không làm thì bỏ 7.000 USD ra chuộc” và khuyên chị T. “chịu khó đi, làm đủ tiền chuộc rồi về. Còn muốn ở lại làm thì làm, giờ vô đặc khu rồi”. Người đàn ông nhắn tin tiếp với lời lẽ đe dọa: “Tụi em không chống được đâu. Công an, đại sứ quán gì không vô được đó đâu”. Chị T. nhắn tin xin người đàn ông này giúp đỡ thì người này nhắn lại: “Anh không giúp được rồi. Anh bán tụi em vào đó. Bây giờ tụi em thuộc về phía công ty. Có gì em báo tụi nó, chịu khó mà làm đi, nghe anh. Đừng chống đối tụi nó. Trai gái gì tụi nó cũng đánh đập đó, hoặc bán qua công ty khác”. Chị T. còn cho anh Châu biết khi hỏi người quản lý nơi mình bị “giam giữ” thì được biết những người bán mình qua Campuchia để làm việc với giá 4.500 USD, muốn chuộc ít nhất phải lo 7.000 USD và “giao tiền mới giao người”. Chị T. nhắn cho chồng: “Anh đừng bỏ mặc em. Em sợ lắm”.
Anh Châu cho biết vợ chồng anh có con nhỏ hơn 3 tuổi. Anh Châu làm thợ xăm, còn chị T. làm trong tiệm nail. Do không đủ tiền trang trải cuộc sống, nhiều tháng qua chị T. học tiếng Trung Quốc bằng hình thức online để dễ tìm việc. Gia đình bên chồng cũng khuyên chị T. đừng tin vào những lời rao giới thiệu việc nhẹ lương cao trên mạng mà sập bẫy lừa lao động. Gia đình chồng chị T. còn thuê mặt bằng, mở tiệm nail cho chị T. làm nhưng chưa đến ngày khai trương thì xảy ra vụ việc trên.
Bình luận (0)