Những cuộc gọi từ người lạ
Chị Trần Thị Nguyệt Sương (34 tuổi), ngụ ở block A11, chung cư EHome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết là nạn nhân của bẫy lừa này.
Cụ thể, vào giữa tháng 7 vừa qua, khi đang làm việc đã nhận cuộc gọi từ đầu số 028. Người gọi tự xưng làm việc tại một trung tâm bảo hiểm xã hội ở TP.HCM, yêu cầu chị Sương đến cơ quan để cập nhật thông tin, nhằm được đảm bảo các quyền lợi.
Vì người gọi đến nói đúng mọi thông tin cá nhân, biết số điện thoại, nơi ở… nên chị tin tưởng. Chị tiếp tục được yêu cầu ghi lại một số điện thoại khác mà người gọi cho rằng đó là nhân viên hướng dẫn, xử lý hồ sơ của chị trực tiếp cùng lời khuyên "hãy kết bạn Zalo để gửi mã đăng ký, khi đến cơ quan sẽ làm nhanh hơn".
Chị Sương ngao ngán kể lại: "Trong quá trình trao đổi trên Zalo, tôi nhận link với yêu cầu đăng ký thông tin. Khi làm xong, cũng là lúc điện thoại nóng ran, màn hình điện thoại có những thay đổi, một số ứng dụng chưa từng cài đặt cũng xuất hiện… Hóa ra điện thoại tôi bị xâm nhập. Tôi nhanh chóng nhờ đồng nghiệp hỗ trợ và sau đó vội xóa các ứng dụng ngân hàng, khôi phục cài đặt điện thoại".
Trên diễn đàn chongluadao.vn, nhiều người cho biết đã từng là nạn nhân của bẫy lừa này. Họ nhận cuộc gọi của người lạ tự xưng làm việc ở một số cơ quan nhà nước, ngân hàng… Họ được yêu cầu cần đổi giấy phép lái xe, hộ chiếu, nộp thuế điện tử, hoàn thành thông tin đăng ký cấp lại thẻ bảo hiểm y tế…
"Có lần đang chạy xe trên đường thì nhận cuộc gọi của người tự xưng làm việc ở UBND phường, yêu cầu cập nhật thông tin tạm trú. Người gọi đến biết tất tần tật thông tin cá nhân của tôi, như họ và tên, địa chỉ đang trọ, quê quán… nên tôi tưởng thật. Tôi được cho một số điện thoại với lời giới thiệu là "anh ấy là công an khu vực, hãy kết bạn qua Zalo để được hướng dẫn chi tiết hơn". Tôi làm theo và cũng bị chiếm quyền trên điện thoại", anh Nguyễn Văn Doãn (32 tuổi), ngụ tại 28 Phan Tây Hồ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM cho hay.
Ngoài ra, nhiều người cũng ta thán việc từng đối diện với bẫy lừa tương tự. Kẻ lừa đã sử dụng các kịch bản như: giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm, nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước, nhân viên điện lực gọi dọa cắt điện… rồi yêu cầu "làm việc qua Zalo trước khi làm việc trực tiếp", sau đó gửi link đăng ký, hướng dẫn.
Để tránh bẫy lừa
Anh Đỗ Nguyễn Thanh Hoàng, thành viên diễn đàn chongluadao.vn, khuyên: "Để tránh bẫy lừa này, đừng kết bạn Zalo với người lạ. Đừng bao giờ truy cập vào link do người lạ gửi. Cần phải nhớ là các cơ quan nhà nước sẽ không làm việc theo kiểu gọi điện thoại, kết bạn Zalo, gửi link… Nếu không cẩn thận, làm theo yêu cầu của người lạ, truy cập vào link virus có chứa mã độc sẽ bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại, máy tính, bị xâm nhập các tài khoản ngân hàng…".
Cũng theo anh Hoàng, mọi người cần sử dụng các giải pháp bảo mật như phần mềm diệt virus, tường lửa và hệ thống phát hiện xâm nhập trên điện thoại, máy tính.
Một cán bộ Công an TP.HCM, nói: "Cần phải đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước. Tuyệt đối không làm theo các hướng dẫn, chỉ định của người lạ vì sẽ trở thành nạn nhân của bẫy lừa này. Cũng cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội".
Anh Hoàng Hải Phong (35 tuổi), chủ cửa hàng điện thoại Nhân Nguyên, đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM, cho biết: "Dấu hiệu cho thấy điện thoại bị xâm nhập là: nhiệt độ pin tăng cao, điện thoại nóng bất thường, xuất hiện những tiếng ồn lạ từ thiết bị, có những xáo trộn trên màn hình điện thoại, hiển thị một số ứng dụng lạ… Nếu rơi vào tình huống này cần sử dụng ứng dụng quét virus ngay lập tức, thay đổi mật khẩu cho tất cả tài khoản trên điện thoại, đặt lại mật khẩu và mã pin màn hình. Việc sớm nhận biết điện thoại bị đột nhập giúp tránh mất những thông tin, dữ liệu quan trọng cũng như không bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng".
Bình luận (0)