Năng suất của người Đức, nhìn từ phục vụ bia
Oktoberfest 2024 khai mạc hôm 21.9 ở Munich. Cũng như mọi năm, Thị trưởng xứ Bavaria thực hiện nghi thức khui thùng bia đầu tiên, hô tô khẩu hiệu "O'zapft is" (tiếng Bayern nghĩa là vòi đã được đóng vào), chính thức khai mạc lễ hội bia lớn nhất kéo dài 16 ngày.
Anh bạn cùng đoàn tôi đã có cơ hội được "giả làm thị trưởng", đóng vòi bia vào thùng bằng một chiếc búa gỗ to, trong một nhà hàng bia truyền thống nổi tiếng ở Munich. Theo lời giới thiệu của anh chủ cửa hàng thì động tác đóng vòi bia có thể tiết lộ tính cách của người đàn ông. Nếu hành động dứt khoát, vòi được đóng vào thùng ngay trong nhát búa đầu tiên chứng tỏ anh là người đàn ông quyết đoán, bản lĩnh, cương trực. Ngược lại, nếu lực đóng mỏng, chưa dứt khoát sẽ khiến thùng bị rỉ bia, đồng nghĩa anh là người thiếu quyết đoán. "Người dân chúng tôi có thể nhìn vào động tác khui bia để đánh giá thị trưởng là người như thế nào" - chủ cửa hàng diễn giải thêm.
Trải qua hơn 200 năm lịch sử, Oktoberfest là biểu tượng văn hóa và du lịch Đức, cũng như của người dân Munich. Hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới sẽ cùng quy tụ về đây, cùng nhau tổ chức lễ hội, quây quần thưởng thức những cốc bia Baravia truyền thống với mùi lúa mạch nồng đượm, nhâm nhi những chiếc bánh mì nướng, burger và xúc xích, rồi cùng nhau vui chơi tưng bừng. Trong ngày khai mạc, người dân xứ Bavaria ùa ra đường, chen nhau đi rước những kiệu bia "khổng lồ" với niềm trân quý một cách thiêng liêng bởi đây như ngày tết truyền thống của họ.
Trong suốt 16 ngày này, 17 căn lều lớn và 21 căn lều nhỏ ở quảng trường Theresienwiese chen kín chỉ có người và bia. Mùa Oktoberfest năm ngoái, Munich "đãi bia" 7 triệu người trong 2 tuần. Giới thiệu kỹ hơn cho chúng tôi về lễ hội dân gian "siêu khủng" này, ông Benedikt Brandmeier (Giám đốc của Văn phòng Du lịch Munich - Đức) cho biết, mỗi căn lều sẽ chứa khoảng 10.000 - 15.000 người. Cùng một thời điểm, các nhân viên phải phục vụ bia và đồ ăn cho khoảng 400.000 - 500.000 người, trong không khí cuồng nhiệt khi âm nhạc ở khắp mọi nơi.
"Mọi người có thể đi theo từng nhóm, hoặc đi riêng lẻ, không đặt bàn trước mà từ những người xa lạ ghép chung một bàn. Vậy làm thế nào để chúng tôi biết trong vé của họ có bia kèm đồ ăn gì? Làm sao để khách chỉ cần ngồi xuống, đưa vé 1 lần và nhân viên có thể mang đúng phần được đặt cho đúng bàn, đúng từng người? Là nhờ các nhân viên của chúng tôi đã được đào tạo trước lễ hội suốt 3 tháng, theo 1 dây chuyền đúng chuẩn và chính xác tới từng khâu. Chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ bia, đồ ăn cho mọi người và mang tới đúng từng vị trí, không có sai sót" - ông Benedikt Brandmeier diễn giải.
Nhưng kinh ngạc và khâm phục hơn là tất cả khối lượng công việc khổng lồ với quy trình tỉ mỉ, được sắp đặt đến từng bàn, từng khách như vậy được chuẩn bị và tổ chức chỉ với... 11 người.
"Nếu mùng 6 bữa tiệc kết thúc thì ngày hôm sau, chúng tôi đã bắt tay vào công tác chuẩn bị và chỉ cần 11 người cho tất cả điều này" - ông Benedikt Brandmeier nói đơn giản.
Vẫn biết Đức có năng suất vượt trội so với các quốc gia trên thế giới, nhưng 11 người chuẩn bị cho lễ hội dân gian lớn nhất thế giới, quy tụ tới 6 - 7 triệu khách du lịch vẫn khiến chúng tôi không hết kinh ngạc, ngay cả khi đã rời đi.
Tại sao phải tới Munich uống bia Đức?
Đức được mệnh danh là xứ sở bia không chỉ vì chất lượng hàng đầu thế giới mà còn bởi văn hóa thưởng thức bia.
Trên hành trình từ Frankfurt đến Munich hồi tháng 7 vừa rồi, đoàn chúng tôi ghé Nuremberg - một thành phố lớn nằm trong vùng phía bắc của bang Bayern. Đây từng là trung tâm của Đế chế La Mã Thần thánh, chứng kiến sự trỗi dậy và suy tàn của nhiều triều đại. Sau khi dạo quanh thành phố cổ với những ngôi nhà gỗ vách khung sắc màu đẹp như tranh vẽ, những con phố lát đá cổ kính và những quảng trường rộng lớn, chúng tôi dừng chân tại một nhà hàng nhỏ ăn trưa. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu thay vì đưa chúng tôi cuốn menu để lựa chọn thì cô phục vụ chỉ hỏi: "Bàn mình dùng mấy bia ạ? Bia vàng hay bia đen?". Nghĩa là chỉ có bia, hoặc không gì hết.
Tôi không phải người sành đồ uống có cồn, nhưng bia Đức vẫn cho một cảm giác hoàn toàn khác (không biết có bị thao túng tâm lý bởi danh tiếng của bia Đức hay không). Cái vị êm êm, tê tê nơi đầu lưỡi khiến người ta cứ muốn tiếp tục... Cho đến khi mê lúc nào không biết.
5 ngày ở Đức, lượng "sinh tố lúa mạch" tôi nạp vào người có lẽ bằng cả giai đoạn trước đó cộng lại. Một phần vì sự hấp dẫn của bia Đức, một phần vì vào bất cứ quán ăn, nhà hàng nào, bạn cũng không thể chọn thức uống gì khác cho câu hỏi "Mấy bia?".
Munich cũng như bao thành phố khác ở Đức, 8 giờ tối là mọi cửa hàng sẽ đóng cửa, chỉ còn những quán ăn, nhà hàng, và chắc chắn không thể thiếu bia. Trên khắp các con phố, những nhà hàng kín khách nhưng không ồn ào. Mọi người nhâm nhi ly bia và thưởng thức đồ ăn, thả mình sau 1 ngày làm việc mệt mỏi. Nhớ lúc tiếp chúng tôi trong một nhà hàng tại BMW Welt, thuộc tổ hợp trụ sở chính của Tập đoàn BMW, ông Benedikt Brandmeier từ chối uống bia. "Vì giờ trưa, đây vẫn là công việc của tôi nên tôi không uống bia được. Bữa tối tôi mới có thể làm vài ly", vị này giải thích. Người Đức coi bia là 1 phần không thể thiếu trong đời sống nhưng chỉ uống bia sau giờ làm việc.
Còn người Đức ở Munich, niềm tự hào về bia ngấm vào trong máu.
Ông Benedikt Brandmeier chia sẻ: "Munich chúng tôi không có những công trình kiến trúc quá ấn tượng đến mức khiến mọi người phải "wow" như London hay Paris nhưng chúng tôi có sức hấp dẫn từ bên trong, đó là nét văn hóa truyền thống mà không nơi nào có được. Bạn đến Frankfurt hay Berlin, rất dễ dàng tìm kiếm quán ăn Hàn Quốc, Nhật Bản, đồ Âu quen thuộc, nhưng rất khó để tìm một nhà hàng truyền thống của Frankfurt hay trang phục truyền thống của Berlin. Munich có! Chúng tôi có ẩm thực bản địa, có những làng bia truyền thống hàng trăm năm, có vị bia thuần Đức nhất và có cả sự kết nối với hiện đại. Tôi nghĩ rằng người Việt Nam giống người Đức, rất thích khám phá, tìm thật sâu bên trong để thấy những giá trị văn hóa đặc sắc. Tôi tin Munich sẽ đáp ứng tất cả các nhu cầu của du khách Việt và ngược lại, các bạn cũng sẽ mang những điều tuyệt vời đến Munich".
Bạn phải tới tận nơi, tự trải nghiệm thì mới cảm nhận hết được, sự khác biệt của việc uống một ly bia Đức ở Munich và bất kỳ nơi nào khác ngay trên chính nước Đức.
Đường bay giữa Hà Nội và Munich được Vietnam Airlines khai thác với tần suất 2 chuyến mỗi tuần, khởi hành từ Hà Nội vào thứ sáu, chủ nhật; khởi hành từ Munich vào thứ hai, thứ bảy. Đường bay giữa TP.HCM và Munich được khai thác 1 chuyến mỗi tuần vào thứ hai, và chiều ngược lại vào thứ ba. Từ tháng 12, Vietnam Airlines sẽ tăng thêm 1 chuyến bay giữa TP.HCM và Munich, khởi hành từ TP.HCM vào thứ tư và từ Munich vào thứ năm hàng tuần. 100% chuyến bay được khai thác bằng máy bay thân rộng hiện đại, được trang bị công nghệ tiên tiến giúp giảm thiểu mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường. Bên cạnh đó, thiết kế khí động học tối ưu cùng việc sử dụng vật liệu nhẹ giúp máy bay hoạt động hiệu quả hơn, giảm tác động xấu đến môi trường so với các dòng máy bay truyền thống.
Theo chia sẻ của ông Lê Đức Cảnh, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, việc mở đường bay thẳng đến Munich là cột mốc đặc biệt quan trọng trong hành trình mở rộng mạng đường bay quốc tế của hãng. Hai mươi năm trước, Vietnam Airlines bắt đầu khai thác đường bay đầu tiên giữa Việt Nam và Đức. Trong suốt 2 thập kỷ, Vietnam Airlines đã phục vụ hơn 3,1 triệu lượt hành khách với gần 14.000 chuyến bay. Việc khai trương đường bay thẳng từ Hà Nội và TP.HCM đến Munich không chỉ mở ra những cơ hội mới cho du lịch và thương mại, mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Đức, đưa hai đất nước đến gần nhau hơn.
Bình luận (0)