Cụ thể, như ghi nhận của các cơ quan truyền thông, không ít bạn trẻ chuẩn bị thi đại học trở nên hoang mang cho việc lựa chọn ngành nghề, nhất là với những bạn đã chọn các ngành nằm trong nhóm bị xếp vào nhóm "vô dụng nhất" như nội dung nói trên.
Sự lo lắng vẫn tồn tại bất chấp các chuyên gia giáo dục, nhân sự đã khẳng định những thông tin trên là thiếu chính xác vì không có các nghiên cứu, đánh giá khoa học. Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, TS Hà Thanh Vân, Viện Khoa học văn hóa và giáo dục - Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN, cũng đã nhấn mạnh: "Không có ngành học nào là vô dụng cả, chỉ là có chương trình học chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhiều ngành học đã ở mức bão hòa so với nhu cầu tuyển dụng". "Người trẻ cũng cần phải tự vấn lại bản thân rằng ngành học vô dụng hay là mình áp dụng những kiến thức của ngành đó một cách vô dụng", vị chuyên gia phân tích thêm.
Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nói chung, TikTok nói riêng, đã tạo ra những kênh thông tin mới mà ai cũng có thể trở thành người sản xuất nội dung, thông tin. Sự tham gia rộng rãi của mọi giới, mọi thành phần cùng đủ chiêu trò hay mẹo vặt, những video clip, nội dung ấy nhanh chóng len lỏi và tác động lên xã hội.
Nhưng điều đáng lo là sự phát triển thông tin một cách vô tội vạ, đặc biệt là tình trạng bất chấp để câu like, câu view vì nhiều mục đích như thu hút quảng cáo, kinh doanh trực tuyến… Từ đó, nhiều người làm nội dung trên mạng xã hội tự cho mình cái quyền trở thành "thánh phán" từ tướng số, phong thủy, đến sức khỏe, chữa bệnh… hay "nhà tư vấn nghề nghiệp" trong vụ "những bằng đại học vô dụng nhất".
Cứ thế, nhiều người giờ đây còn chia sẻ cho nhau những bài thuốc mà nguồn gốc của chúng nhiều khi đến từ một "thánh phán" nào đấy trên mạng xã hội. Những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành, không ít "thánh" đã góp phần gây hoang mang, đồng thời còn lan truyền những cách chữa trị phi khoa học. Trong khi đó, không ít người có ảnh hưởng trên mạng xã hội nhờ ưu thế về lượng người theo dõi, đã ảo tưởng sức mạnh tự cho bản thân "nói gì cũng đúng", phát biểu và thông tin bất chấp. Đó là chưa kể những trò câu like, hút view bằng những nội dung bẩn, dung tục.
Giữa những thực tế như vậy, mỗi cá nhân cần phải tỉnh táo tránh "bẫy" bằng cách chọn lọc và kiểm chứng khi tiếp cận "thượng vàng hạ cám" thông tin, nội dung trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát, nhanh chóng xử lý những cá nhân "sáng tạo" những nội dung sai trái, thiếu kiểm chứng. Và quan trọng không kém chính là những doanh nghiệp điều hành các nền tảng mạng xã hội cũng cần tăng cường kiểm soát nội dung, nhằm thể hiện rõ trách nhiệm với cộng đồng.
Bình luận (0)