Tại hội thảo về tăng cường liên kết doanh nghiệp khối FDI với doanh nghiệp nội địa được tổ chức tại Hà Nội tuần qua, Giáo sư (GS) Kenichi Ohno (Nhật Bản), người có hơn 20 năm gắn bó và nghiên cứu các vấn đề về kinh tế VN, đã nhận xét: “Bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi, mà đã trở thành thực tế ở VN”.
|
Thoát nghèo nhưng khó giàu
|
Bẫy thu nhập trung bình là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng mắc kẹt của nhiều quốc gia đã thoát nghèo song “không giàu nổi”. Và cảnh báo của GS Ohno là có cơ sở bởi VN từ sau khi đạt ngưỡng thu nhập trung bình thấp (1.000 USD/năm) vào năm 2008, đến nay, nền kinh tế đang càng ngày càng bộc lộ sự tăng trưởng chậm, năng suất sản xuất mờ nhạt, đồng vốn đầu tư bỏ ra lớn nhưng hiệu quả thu về không cao, tỷ lệ tăng lương cao hơn nhiều so với mức tăng năng suất lao động đẩy tình trạng chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn, khả năng dịch chuyển cơ cấu thấp…
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành phân tích chính sách tiền tệ đã được nới lỏng, lãi suất cho vay được đã giảm song không “thấm tháp” gì so với sự mất niềm tin vì chính sách thay đổi xoành xoạch, tham nhũng, chung chi vẫn tràn ngập. “Tâm lý không dám đầu tư mở rộng, không dám quyết đoán cho một quyết định đầu tư kinh doanh bởi e ngại chính sách lãi suất tiếp tục thay đổi là tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ đang gặp phải. Chuyên gia này cảnh báo, lợi thế nhân công giá rẻ của VN cũng sẽ biến mất trong vài năm tới. “Rất nhiều nhà đầu tư vào VN phàn nàn với tôi, chi phí sản xuất tại VN đang tăng cao hơn so với các nước trong khu vực. Thế nên, trong tương lai gần, VN đang mất dần thế cạnh tranh về lực lượng lao động”, ông nói
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng: “VN đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, phát triển theo tiêu chí nào, hướng gì thì lại không cụ thể. Đến nay, kết quả công nghiệp hóa không có gì thay đổi mạnh mẽ. Nếu đến năm 2020 không đạt được mục tiêu công nghiệp hóa thì VN khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”
Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, VN đang đối diện với “điểm nghẽn” ở chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc và chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh và cần thiết có thêm động lực mới. Năng lực cạnh tranh cả cấp vĩ mô và vi mô đều cần được cải thiện. "Chúng ta đang bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền kinh tế hộ manh mún, khiến năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ngoài ra, việc phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, trong khi tư duy quản lý còn chậm đổi mới, bị lợi ích nhóm trì kéo và bóp méo… là một số nguyên nhân đẩy VN gần đến bẫy thu nhập trung bình ngày càng nhanh hơn”, TS Phong nói.
Có thể thoát ra nếu...
|
Mức thu nhập trung bình của VN hiện xấp xỉ 2.000 USD/năm, vẫn trong ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Ước tính giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 6%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với kế hoạch. Theo tính toán của GS-TS Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế quốc dân), để nâng mức thu nhập VN hiện tại tăng gấp đôi là 4.000 USD/năm (ngưỡng khởi đầu của thu nhập trung bình cao) trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng phải đạt 7,2%/năm với điều kiện phải kéo dài và bền vững, nếu không, nguy cơ rơi vào "bẫy" là rất cao.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) dự báo phải đến năm 2059, tức 45 năm nữa (chậm 3 năm so với định mức 42 năm của Ngân hàng Thế giới), VN mới thực sự có thể thoát ngưỡng này. Tuy nhiên theo các chuyên gia, VN vẫn có thể thoát ra khỏi bẫy này nếu “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thể chế chính sách có cấu trúc hợp lý, cung cấp tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển hạ tầng kết nối, kết nối các thành phần kinh tế tư nhân và nhà nước, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, phát triển lĩnh vực lắp ráp, đóng gói sản phẩm điện tử hay công nghiệp thực phẩm sạch”, TS Phong cho rằng, đó là những việc có thể làm ngay được.
Còn theo bà Phạm Chi Lan, vấn đề then chốt để thoát được bẫy thu nhập trung bình nằm ở vấn đề thể chế kinh tế. Thể chế phải hướng đến lợi ích của đông đảo người dân chứ không phải phân chia cho một nhóm nhỏ vài người. Lợi ích phải công bằng mới phát triển. Còn nếu rơi vào tay một nhóm nhỏ thì nguy cơ của tắc nghẽn là rất lớn. Đồng quan điểm này, TS Võ Đại Lược từng chia sẻ, mắc bẫy thu nhập trung bình do tốc độ đổi mới thể chế chậm lại.
“Nếu thể chế kinh tế không thay đổi, để doanh nghiệp nhà nước, nhóm nhỏ các đại gia tư nhân và doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu ái thì làm sao nhóm doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ phát triển trong khi họ chính là nhóm tạo lợi ích nhiều nhất cho xã hội? Đó là chưa kể, nông nghiệp lại hy sinh cho công nghiệp, khiến người nông dân có thu nhập thấp, dẫn tới tiêu dùng kém dù có tới 70% người dân sống ở vùng nông thôn”, bà Lan lập luận.
45 năm nữa VN mới có khả năng thoát bẫy thu nhập trung bình Theo Ngân hàng Thế giới (WB), bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi một nước bị mắc kẹt trong 42 năm không vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người cơ bản từ 4.000 - 6.000 USD/năm. Dự báo của OECD công bố vào trung tuần tháng 12.2013 cho thấy từ một nước có thu nhập trung bình hồi đầu thập niên 1990, Indonesia dự kiến phải đến năm 2042 mới trở thành một quốc gia có thu nhập cao, tức sẽ chậm hơn rất nhiều so với các nước như Malaysia dự kiến sẽ lọt vào nhóm nước thu nhập cao vào năm 2020, Trung Quốc vào năm 2026 và Thái Lan vào năm 2031. Song Indonesia cũng sớm hơn một số nước láng giềng châu Á khác, như Philippines (năm 2051), VN (2059) và Ấn Độ (năm 2059). Những nước như Brazil, Ấn Độ hay Nam Phi hiện vẫn đang loay hoay tìm lối thoát nhanh khỏi bẫy. |
Trần Tâm - Nguyên Nga
Bình luận (0)