Bày tỏ tình cảm với bố mẹ, tại sao chỉ trên Facebook?

18/12/2018 20:09 GMT+7

Không ít bạn trẻ có thói quen chia sẻ những điều vô cùng ý nghĩa, nói về tình cảm với đấng sinh thành trên Facebook, nhưng tuyệt nhiên chẳng dám bày tỏ tình cảm trực tiếp. Điều này đã làm nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều.

Con thương cha mẹ nhiều lắm

Trên một nhóm kín ở Facebook, thành viên Mỹ Hòa trải lòng: "Tôi thương cha mẹ tôi vô cùng. Ở xa cha mẹ, tôi nhớ lắm. Tôi nhớ lại những ngày tháng còn ở bên cạnh cha mẹ, được cha mẹ lo cho từng miếng ăn giấc ngủ. Không bao giờ sợ đói. Tôi cảm thấy rất nhớ cha mẹ tôi ngay lúc này. Cha mẹ ơi, con thương cha mẹ nhiều lắm".
Sau chia sẻ này là hàng loạt ý kiến không đồng tình. Bởi nhiều lý do: "Nếu thương cha mẹ thì gọi điện thoại ngay cho họ đi, chứ đăng lên Facebook làm gì", "Cha mẹ bạn không có trên Facebook, không có trong nhóm này, hãy bày tỏ trực tiếp đi thay vì viết những dòng như thế này để câu like"...
"Mình cho rằng những lời cho dù hay đến mấy, ngọt ngào đến mấy để nói về nỗi nhớ bố mẹ mà đăng lên Facebook cho hàng ngàn người đọc, trong khi chẳng nói trực tiếp với bố mẹ là những lời vô nghĩa, sáo rỗng", Trần Anh Tiến (sinh viên Trường CĐ Công thương TP.HCM).
Thực tế cho thấy, đây là thói quen của không ít người trẻ. Mỗi khi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, họ lại chọn chia sẻ trên mạng xã hội. Đó là những status (trạng thái) mùi mẫn, ngọt ngào. Đó là những chia sẻ về kỷ niệm khi còn ở bên cạnh gia đình. Kèm theo đó là vô số lời yêu thương bố mẹ, những lời nhớ nhung, những mong muốn "được về nhà thật sớm để ở bên bố mẹ"...
Thế nhưng, một khảo sát nhỏ của người viết với 10 người trẻ, là những sinh viên, học sinh, thì phần lớn thừa nhận: "Chỉ dám viết trên Facebook, trên Zalo mỗi khi nhớ bố mẹ". Tại sao không gọi điện thoại để nói rằng mình đang rất nhớ, đang muốn về nhà? "Ngại lắm", "Không quen nói trực tiếp", "Chỉ có thói quen viết trên Facebook thôi, chứ chẳng dám nói lời yêu thương trực tiếp"..., đó là những lời thú thật của người trẻ.
 
Hãy gọi điện thoại cho đấng sinh thành khi bạn cảm thấy nhớ ẢNH: HIỂN VINH

Nói lời thương yêu đâu có khó

Trần Mỹ Hà, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, cho biết cảm thấy khó chịu khi bắt gặp những dòng trạng thái "nhớ cha nhớ mẹ" hay "con yêu cha mẹ nhiều lắm" của những người trong danh sách bạn bè trên Facebook. Theo Hà đó là những tình cảm không thật, và những lời đó không thể đến được tai người cần nghe, là những người đã có công dưỡng dục. "Bố mẹ họ cho dù có sử dụng trên Facebook đi chăng nữa, thì cũng không nên thể hiện tình cảm kiểu bâng quơ như thế. Nói lời thương yêu đâu có khó đâu. Cứ gọi điện thoại về, cứ nhắn tin trực tiếp, chứ việc gì phải viết trên Facebook. Phải chăng họ đang tìm kiếm những lượt like ảo, thể hiện mình là một đứa con hiếu thảo?", Hà thắc mắc.
Đã có những chia sẻ thật rằng "viết lên Facebook hay Zalo không phải vì muốn gởi gắm, nhắn nhủ đến bố mẹ mà vì muốn được bạn bè... like status ấy".
Thạc sĩ tâm lý Lê Ngân Anh, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn (TP.HCM), cho rằng có tình trạng "viết lời yêu thương chỉ để được bạn bè... like, để "thổi phồng" bản thân là một người luôn hướng về gia đình, chứ chẳng phải là lời yêu thương thật lòng, muốn chia sẻ thật lòng với bố mẹ".
Bà Anh cho rằng nếu bố mẹ có sử dụng mạng xã hội, có thể nhắn tin qua ứng dụng tán gẫu để nói những lời từ đáy lòng mình. "Bố mẹ sẽ rất vui khi biết con cái nhớ họ, nhưng càng vui hơn khi được nghe những lời thì thầm trực tiếp, từ những hành động bất ngờ như: gởi hoa tặng mẹ nhân ngày phụ nữ Việt Nam, hay gởi tặng bố cái áo nhân ngày sinh nhật, kèm theo đó là cú điện thoại nói thật to là 'con nhớ bố mẹ nhiều lắm', chứ họ sẽ chẳng thấy vui nếu con cái nhớ họ thật mà giấu chỉ riêng bản thân con biết. Và cũng có khi, cho dù con cái đăng thật nhiều câu nói ý nghĩa, chia sẻ thật nhiều lời nói nhớ nhung da diết... trên mạng xã hội mà bản thân họ cả đời chẳng được nghe", bà Anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.