Bay trên biển Đông để canh giữ vùng biển, vùng trời Tổ quốc
22/12/2014 10:09 GMT+7
(TNO) Qua cổng căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa), nhìn bên phải thấy cả khu doanh trại khang trang rộng lớn và những máy bay sẵn sàng trên sân, giữa nhưng nhức cát trắng. Đó là nơi đóng quân của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 - đơn vị hơn 30 năm canh giữ vùng biển, vùng trời Tổ quốc.
Tự động phát
(TNO) Qua cổng căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa), nhìn bên phải thấy cả khu doanh trại khang trang rộng lớn và những máy bay sẵn sàng trên sân, giữa nhưng nhức cát trắng. Đó là nơi đóng quân của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 - đơn vị hơn 30 năm canh giữ vùng biển, vùng trời Tổ quốc.
Máy bay săn ngầm chuẩn bị cất cánh
|
Clip: Hiện đại hóa quân đội Việt Nam
|
30 năm canh biển
Trung tá Phạm Minh Tuấn, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 954, vốn cao to, khỏe khoắn đích thị... phi công, khi ngồi vào vị trí chỉ huy hoặc ghế lái thường cất giọng sang sảng, nhưng ngồi nói chuyện cứ rủ rỉ như tâm sự.
Anh Tuấn kể: Lữ đoàn 954 vốn xuất thân từ Trung đoàn Không quân 954 thành lập 1984. Qua nhiều biến chuyển, ngày 3.7.2013, Trung đoàn Không quân 954 được nâng cấp thành Lữ đoàn 954 và điều chuyển từ Quân chủng Phòng không - Không quân về trực thuộc Quân chủng Hải quân.
Ngày 17.6.2014 vừa qua tại Cam Ranh, Lữ đoàn 954 tiếp nhận Phi đội DHC6 từ Bộ Tham mưu Quân chủng chính thức nhận nhiệm vụ trọng tâm: huấn luyện bay, nhanh chóng bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ: tuần tiễu, trinh sát, tuần thám, chỉ thị mục tiêu, chuyển tiếp chỉ huy cho các lực lượng và làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển; tác chiến chống ngầm; chuyên cơ, vận chuyển tiếp tế chi viện cho các đảo, nhà giàn; tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Ngoài Thủy phi cơ DHC5, Lữ đoàn 954 còn được trang bị nhiều chủng loại máy bay như: Ka-28, Ka-32, Mi-8, Mi-17, Mi-171 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng theo chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa,
Nói đến Lữ đoàn 954 là nói đến bay biển. Ai đã từng đi biển, ra Trường Sa - nhà giàn DK1 mới thấm thía ý nghĩa của những cánh bay, ra với tàu trực, đảo chìm, nhà giàn. Chả thế mà mỗi khi máy bay của 954 ra đảo làm nhiệm vụ, bộ đội kéo đến xem đông nghịt, gượng nhẹ sờ vào máy bay và nhìn kíp bay mặc quân phục Hải quân, khác mỗi phù hiệu cánh chim, bằng ánh mắt vừa nể vừa trân trọng.
Đại tá Phan Văn Thảo, Chính ủy Lữ đoàn 954, không dùng từ “thành tích” mà gọi là “những việc anh em đã làm được”, như: bay hạ cánh tàu Hộ vệ tên lửa Gepard HQ-011 Đinh Tiên Hoàng, HQ-012 Lý Thái Tổ; bay bắn ném; bay biểu diễn phục vụ Lễ thượng cờ tàu ngầm Quốc gia của Phi đội Ka- 28; bay tìm kiếm cứu nạn quốc tế (máy bay MH-370), hạ cánh nước, chở cán bộ đi thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa…
Soi từng thước nước
Phi đội Ka-28 là đơn vị săn ngầm chủ lực của Lữ đoàn 954. “Để làm chủ máy bay trực thăng chống ngầm trong huấn luyện các khoa mục bay biển khó, các phi công của Phi đội phải kiên trì luyện tập trong nhiều điều kiện thời tiết, khí tượng phức tạp”, thiếu tá Trần Minh Tuấn, Phi đội trưởng, bộc bạch vậy và thành thật: “Quan trọng nhất là phi công có niềm tin vào vũ khí, trang bị, khí tài hiện có và công tác huấn luyện bay với các khoa mục sát với từng nhiệm vụ, điều kiện thực tế”.
Quả thật, có đi với Ka-28 mới biết sự vất vả gian nan của tổ bay đến cỡ nào. Ngay việc săn ngầm, điều khiển bay treo cách mặt nước 25 mét để hoa tiêu làm nhiệm vụ, cũng phải tập cả năm, chưa nói đến chuyện hạ cánh trên các tàu chiến đấu có sân đậu trong điều kiện sóng to gió lớn, tàu rung lắc và sân chỉ bé tí, vừa chớp tích tắc cho các bánh đặt đúng vị trí.
Phi đội trưởng Ka-28 Trần Minh Tuấn bộc bạch: “Bay biển có những thử thách riêng với phi công và người dẫn đường, việc phán đoán xu thế thời tiết của tổ bay cũng gặp khó khăn do mây kéo về nhanh hơn, thời tiết thay đổi đột biến. Thực tế đòi hỏi sự dày dạn kinh nghiệm ở người phi công để xử lý các tình huống bất trắc”.
Đã thành điều lệnh nghiêm ngặt, khi bay lên trời, phi công quân sự cần có sự tự tin về tình trạng kỹ thuật của máy bay, vững vàng và thoải mái về tâm lý, hướng đến mọi chuyến bay an toàn. Để có những tiêu chí ấy, là công sức của đội ngũ kỹ thuật viên hàng không khiêm nhường, với cường độ làm việc ít ai hiểu được.
Ở Lữ đoàn 954, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, nắm chắc về tình trạng kỹ thuật của máy bay theo chuyên ngành, nhiều vị trí quan trọng được cử đi đào tạo ở nước ngoài.
Để đảm bảo an toàn cho những chuyến bay kéo dài nhiều giờ trên biển, các kỹ thuật viên phải tỉ mẩn, cẩn thận, chu đáo trong từng thao tác. Chỉ huy của nhóm kỹ thuật viên này là đại úy Trần Văn Toản (34 tuổi), Xưởng trưởng xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật, thuộc Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật Hàng không.
Ngồi với nhau giữa bề bộn máy móc, đại úy Toản giải thích: “Công tác chuẩn bị cho 1 ban bay chia làm nhiều giai đoạn. Với các dụng cụ chuyên nghiệp, kỹ thuật viên sẽ lần lượt kiểm tra vòng kín, tình trạng bên ngoài máy bay, đảm bảo các hệ thống hoạt động, an toàn chắc chắn trước chuyến bay. Tiếp theo đó, kiểm tra bên trong máy bay theo các chuyên ngành, mở các nắp công tắc, kiểm tra khối máy, các đầu cắm, bó dây để đảm bảo sự cố định, chắc chắn, sạch sẽ bằng mắt thường.
“Cả việc có tên lẫn không tên, nhưng phải thực hiện tỉ mỉ, miệt mài trong suốt quá trình trước, trong và sau khi diễn ra hoạt động bay”, đại úy Toản đúc kết.
Từng hành quân với phi đội Ka-28, cùng làm nhiệm vụ với những người lính Không quân Hải quân, từ chỉ huy đến chiễn sĩ đều ăn ở trong tập thể đơn vị. Ở cạnh họ, mới càng thấm thía: Không có gì ngăn cản được những cánh bay, dù làm nhiệm vụ công khai hay bí mật, từng đêm ngày soi canh giữ biển Đông và chất thép ở mỗi phi đội, chỉ đơn giản: Để Tổ quốc không bị bất ngờ trước mọi tàu nổi tàu chìm, máy bay hiện đại của kẻ định xâm lấn...
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Hiện đại con người trong quân đội
Nếu ta so sánh những máy bay, tàu ngầm, những hệ thông tên lửa phòng
không hoặc những trang thiết bị quân sự với khẩu AK và những
trang thiết bị của chúng ta quen nhìn thấy từ các cuộc kháng chiến chống
Pháp, chống Mỹ thì chúng ta thấy đã hiện đại quá nhanh. Nhưng nếu chúng
ta so với thế giới thì chúng ta thấy rằng chúng ta phải còn cố gắng rất
nhiều.
Thế giới người ta phát triển thì nước ta cũng phải phát triển, vì
vậy mà vũ khí chúng ta hiện đại lên. Rõ ràng là chúng ta có được sự quan
tâm của Đảng và Nhà nước mua sắm một số trang thiết bị, nhưng tôi xin
nói rằng đó vẫn còn là rất khiêm tốn với một đất nước có một đặc điểm
địa hình vị trí địa chiến lược như chúng ta.
Còn nói là quân đội phải hiện đại thì quân đội đang làm nhưng việc
ít ai nhìn thấy, điều mà quân đội tiến nhanh nhất đó là hiện đại con
người, đào tạo con người thích nghi với môi trường mới và tình hình mới.
Cán bộ chiến sĩ chúng ta càng ngày càng có kỹ năng tốt hơn, càng ngày
càng có nhiều kỹ sư nhiều chuyên gia tham gia vào quân đội, đó chính là
cái chúng ta cần phấn đấu vươn lên thành quân đội hiện đại.
Thanh Niên
|
Một số hình ảnh tập luyện của máy bay săn ngầm Ka-28, Lữ đoàn 954:
Đại úy Trần Văn Toản (người đứng) trao đổi kinh nghiệm sửa chữa kỹ thuật động cơ máy bay Ka-28
|
Máy bay Ka-28 chuẩn bị cất cánh khỏi tàu Hộ vệ tên lửa HQ-012 Lý Thái Tổ, làm nhiệm vụ ban đêm trên biển
|
Tổ bay kiểm tra thiết bị săn ngầm của máy bay Ka-28
|
Ka-28 chuẩn bị cất cánh từ tàu HQ-011 Đinh Tiên Hoàng
|
|
Máy bay săn ngầm Ka-28 trên tàu Hộ vệ tên lửa
|
Phi công và dẫn đường 1 trên máy bay Ka-28
|
Đảm bảo khâu kỹ thuật cuối cùng trước khi máy bay săn ngầm cất cánh
|
Tổ bay của máy bay Ka-28 số hiệu 7520, Lữ đoàn 954 thăm hộ dân trên đảo Song Tử Tây (12.2014)
|
Bình luận (0)