'Bẫy' vay tiêu dùng qua ứng dụng

24/04/2023 06:35 GMT+7

Nhiều ứng dụng (app) cho vay cũng như hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) đưa ra lãi suất cho vay tiêu dùng thấp hơn cả lãi vay của các công ty tài chính tiêu dùng. Thế nhưng đây chỉ là cái bẫy được giăng ra để lôi kéo người vay rơi vào vòng xoáy lãi suất cao, có trường hợp lãi suất lên tới cả 1.000%.

GIĂNG BẪY VAY LÃI SUẤT THẤP

Khảo sát trên thị trường cho vay chui qua các app cho thấy, mức lãi suất cho vay đưa ra chào mời chỉ 18 - 20%/năm. Đơn cử như các app Credify, Vayvnd, Soscredit, Vamo... cho vay với lãi suất đưa ra là 18%/năm. Thế nhưng, đằng sau khoản lãi này là rất nhiều khoản phí khiến lãi suất thực tế phải trả bị đẩy lên trời. Ví dụ, khoản vay 2 triệu đồng thì phí mà người vay phải trả ngay là 500.000 đồng, số tiền mà người vay nhận được chỉ 1,5 triệu đồng nhưng lãi suất vẫn tính trên số tiền 2 triệu đồng. Số tiền vay càng cao thì phí càng tăng, như vay 5 triệu đồng, phí lên hơn 900.000 đồng, người vay chỉ nhận được có hơn 4 triệu đồng nhưng tính lãi trên số tiền 5 triệu đồng…

Ngoài ra, thời gian vay ngắn cũng là một áp lực khiến người vay dễ sập bẫy. Vay tiêu dùng qua app thường là các món vay nhỏ, thời gian chỉ khoảng 7 ngày nên rất nhiều người bị áp lực không trả được. Từ đó lãi, phí phạt chính là những thòng lọng siết cổ người vay được các app đưa ra. Một số trường hợp vay 6 triệu đồng nhưng 3 tháng sau người vay phải trả số tiền lên đến 32 triệu đồng, tiền lãi phải trả lên gấp gần 5 lần so với tiền vay. Hay như trường hợp một nữ sinh tại TP.HCM vào cuối năm 2022 vay 10 triệu đồng qua app, bị trừ phí hết 2,5 triệu, số tiền nhận được là 7,5 triệu đồng. Sau 1 tuần không trả được tiền, nữ sinh này đã vay app khác để trả nợ và quy trình cứ thế tiếp diễn. Nữ sinh lao vào vòng xoáy vay tổng cộng 34 app, từ số tiền 7,5 triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con, các app đòi lên đến 142 triệu đồng, gấp 14 lần số tiền vay ban đầu. Sau khi biết chuyện, gia đình nữ sinh này trả được 50 triệu đồng nhưng các app vẫn đòi thêm 100 triệu đồng nên gia đình không đủ tiền trả. Nhóm cho vay app đã khủng bố gia đình nữ sinh này với những lời tục tĩu qua gần 500 cuộc gọi với các số điện thoại khác nhau. Hết chịu nổi, gia đình nữ sinh báo công an.

 Đây chỉ là một trong những vụ khốn khổ vì vay tiền qua app. Thời gian qua, cơ quan công an đã phát hiện nhiều vụ việc các app cho vay với lãi suất, phí lên đến 1.000 - 2.000%/năm. Nếu người vay không trả được nợ, ngoài việc khủng bố điện thoại người vay, người thân, bạn bè, những app này còn gọi điện lên công ty người vay tiền để đòi nợ, xúc phạm đến lãnh đạo công ty, người thân trong gia đình người vay nhằm gây áp lực phải trả nợ.

'Bẫy' vay tiêu dùng qua ứng dụng - Ảnh 1.

Người dân vay tiêu dùng cần liên hệ các công ty chính thống để vay

Đào Ngọc Thạch

Tham gia thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay còn có sự có mặt của các công ty cho vay ngang hàng (P2P) như Tima, 3Gang, Finhay, Fiin… Liên hệ với sàn kết nối giữa người vay và cho vay Tima, một phụ nữ tên Thảo quảng bá với chúng tôi, lãi suất vay công bố là dưới 20%/năm nên nhà đầu tư (người có tiền cho vay) tham gia vào kênh này có lãi suất cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm ngân hàng hiện nay. Nhà đầu tư ký hợp đồng 3 bên với Tima và người vay, sau đó chuyển tiền vào tài khoản tổng của Tima, sàn sẽ tìm kiếm người vay. "Tiền của khách hàng sẽ được đảm bảo bởi bên đi vay phải mua bảo hiểm 3% trên số tiền. Trường hợp người vay không trả được tiền, Tima sẽ đi đòi nợ cho khách hàng, nếu không đòi được nợ thì bảo hiểm sẽ trả cả gốc và lãi. Người vay ngoài việc mua bảo hiểm sẽ phải cầm cà vẹt xe cho sàn, đóng các loại phí thẩm định, quản lý…", Thảo nói chắc như bắp.

Nói đi thì cũng phải nói lại, trước khi vay mọi người cũng nên tính đến chuyện trả nợ. Đừng thấy vay dễ là cứ vay, lãi mẹ đẻ lãi con sẽ dẫn đến việc không trả được nợ.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, một số sàn P2P hiện nay hầu hết đều đưa ra lãi suất cho vay 18 - 20%/năm, nhưng đây là lãi suất huy động từ các nhà đầu tư. Còn lãi vay, phí các loại lên đến 40 - 50% nhưng bẫy phạt, lãi lũy tiến... khi không trả nợ đúng hẹn có thể đẩy số lãi thực tế lên hàng ngàn phần trăm như nói trên.

LÃI VAY KHÓ GIẢM

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: Nhiều nhóm cho vay nặng lãi hiện nay núp dưới tên công ty đăng ký doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp chứ không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép. Theo quy định, các tổ chức không phải tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất trên 20%/năm được xem là nặng lãi, nên các công ty này chỉ áp dụng lãi suất cho vay từ 18 - 20%/năm nhưng sau đó là tính phí đủ loại. Do đó, lãi suất thực (tính lãi vay cộng với các chi phí khác) trên mỗi món vay lên đến từ vài chục đến hàng trăm phần trăm, đó là chưa kể những khoản vay trả nợ không đúng hạn thì tỷ lệ tính lãi lên cả ngàn phần trăm. 

Theo ông Hiếu, lãi suất cho vay tiêu dùng những khoản vay nhỏ ở mức 30%/năm là có thể chấp nhận được, trên 50%/năm là cao và trên 100% là "cắt cổ". Đó là chưa kể những công ty cho vay không chính thống hiện nay "đẻ" ra các chùm app cho vay. Nếu người vay một vài triệu đồng trên một app không trả được thì nhân viên app khác (thực chất là cùng hệ thống) sẽ mời chào vay số tiền lớn hơn để trả món nợ của app trước đó. Từ số tiền nhỏ, khoản vay lớn dần lên và người vay mất khả năng trả nợ. 

"Chỉ cần vay qua đời app thứ 3 là người vay đã "tiêu đời". Chính vì cho vay dễ dãi nên người cho vay cũng áp dụng những hình thức đòi nợ kiểu "khủng bố", dẫn đến một số trường hợp thương tâm xảy ra như người vay tự tử thời gian qua. Nói đi thì cũng phải nói lại, trước khi vay mọi người cũng nên tính đến chuyện trả nợ. Đừng thấy vay dễ là cứ vay, lãi mẹ đẻ lãi con sẽ dẫn đến việc không trả được nợ. Với tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân vì thế cũng sẽ tăng cao nên cần thận trọng vay những công ty chính thống để được pháp luật bảo vệ", ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Theo dữ liệu từ NHNN, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng chính thống, được NHNN quản lý, hiện đang cho vay với lãi suất trung bình từ 25 - 30%/năm. Có một số sản phẩm, chương trình cho vay với lãi suất 0%, nhưng cũng có những sản phẩm cho vay lên 69%/năm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH VN, nhận định lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện nay sẽ khó có thể giảm. Theo quy định, các công ty tài chính tiêu dùng chỉ được huy động vốn từ các tổ chức; nhưng đứng trước những lo ngại rủi ro, các tổ chức không cho vay thì chi phí vốn huy động của công ty tài chính khó có thể thấp được. Điều này dẫn đến người yếu thế sẽ khó tiếp cận được vốn của các công ty tài chính. Những lúc đó, họ sẽ quay qua tìm các kênh không chính thống như app cho vay, cho vay ngang hàng… 

Ông Hùng cũng thừa nhận hiện nay xuất hiện các nhóm, hội "bùng nợ". Người vay được chỉ cách vay dễ dàng nhưng sau đó không trả nợ. Mà nợ của các công ty tăng lên, nghĩa là chi phí vốn tăng, thì khó có thể giảm được lãi vay. Chính vì vậy cần có biện pháp xử lý để bảo vệ các công ty trong tình cảnh này, tránh nợ xấu gia tăng tại các công ty tài chính, nếu không thì khó có thể giảm lãi vay. 

Theo NHNN, hiện nay có 16 công ty tài chính được phép hoạt động theo luật. Tính đến hết năm 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 200.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.