Sáng 28.3, ghi nhận của PV Báo Thanh Niên tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), rất đông người với mọi lứa tuổi đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Chó nhà nuôi cắn
Bệnh nhân Hứa Võ Anh Kiệt (8 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiêm ngừa bệnh dại trong tình trạng bàn tay chi chít vết răng chó cắn, ở ngực cũng có vài vết nham nhở.
Theo cháu Kiệt, Kiệt bị cắn trong lúc chơi đùa với con chó vào chiều 27.3, ngay sau đó con chó được nhốt lại để theo dõi. Mặc dù, con chó đã được tiêm chủng đầy đủ trước tết, nhưng gia đình vẫn không khỏi lo lắng nên đưa con đi tiêm ngừa. Kiệt được tiêm mũi vắc xin thứ nhất và theo phác đồ, Kiệt còn 4 mũi tiêm phòng bệnh dại nữa.
Còn anh Nguyễn Đồng Thưởng (24 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) bị chó nhà vô tình cắn trong lúc dọn chuồng cho nó. Anh Thưởng chia sẻ, vì chủ quan là chó nhà nuôi nên anh vẫn chưa đem chó đi tiêm phòng dại. Sau khi bị cắn anh lập tức đi đến bệnh viện để tiêm ngừa vì đã đọc nhiều thông tin về bệnh dại bùng phát trong thời gian qua.
Theo bác sĩ CK.2 Danh Thơm, Phó trưởng khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2024, số lượt tiêm vắc xin ngừa bệnh dại tại bệnh viện ghi nhận khoảng 5.300 lượt, tăng khoảng hơn 1.100 lượt so với 2 tháng đầu năm 2023. Hiện mỗi ngày đơn vị tiếp nhận trung bình 88 lượt, ngày cao điểm nhất khoảng 300 lượt/ngày.
Bác sĩ Thơm cho rằng, khi bị súc vật cắn nên rửa vết thương ngay dưới vòi nước sạch khoảng 15 phút và rửa bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch i ốt (nếu có), rồi đến trung tâm y tế gần nhất để được khám, xử trí vết thương, tiêm ngừa dại và uốn ván… Hoặc đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để được khám, xử trí vết thương tiêm ngừa dại ngay mũi đầu tiên của uốn ván (nếu cần).
Xem nhanh 12h ngày 29.3: Không nên làm gì sau khi bị chó, mèo cắn?
Bác sĩ Thơm khuyến cáo cần tiêm ngừa bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn, cào… "Người bị bệnh dại sẽ có triệu chứng hồi hộp, khó chịu, rối loạn lo âu, chán ăn, buồn nôn, sợ gió, sợ nước hoặc bị liệt.... Tình trạng này sẽ kéo dài khoảng từ 1 - 14 ngày hoặc vài trường hợp kéo dài lâu hơn, rồi sau đó tử vong 100%", bác sĩ Thơm nói.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, cả nước có 82 ca tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022; có 500.000 người phải tiêm vắc xin ngừa bệnh dại với chi phí 600 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 người tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 người). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
TP.HCM giảm giá tiêm vắc xin cho chó, mèo ở 5 huyện ngoại thành
Còn theo báo cáo của Cục thú y, hiện nay TP.HCM là thành phố duy nhất đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh (toàn bộ TP.HCM).
Để đạt kết quả này, Chi cục chăn nuôi và thú y TP.HCM phối hợp với UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức đã tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn, trong đó tập trung tiêm phòng đại trà vào khoảng tháng 3 - 5 hằng năm và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi.
Kết quả nhiều năm liền trên địa bàn TP.HCM có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phòng, chống bệnh dại luôn đạt khoảng trên 90% tổng đàn chó, mèo.
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại là biện pháp phòng bệnh dại đơn giản, góp phần ổn định tình hình dịch tễ bệnh dại trên đàn chó, mèo. Năm 2022, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 1464 về chương trình phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030, trong đó, tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất.
Để công tác tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo trên địa bàn TP.HCM đạt hiệu quả, ngoài việc thực hiện của các cơ quan, chính quyền địa phương, người dân cũng cần phối hợp để cùng thực hiện tốt. Người dân cần phối hợp thực hiện rà soát thống kê về tình hình tiêm vắc xin của chó mèo 2 lần/năm vào ngày 1.1 và 1.7. Kết quả thống kê sẽ là cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng kế hoạch triển khai công tác tiêm phòng như: chuẩn bị nguồn nhân lực, nguồn vắc-xin và các dụng cụ cần thiết khác.
Tuân thủ nghiêm quy định tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi tại hộ gia đình vì đây là bệnh bắt buộc phải tiêm phòng. Nếu người nuôi chó, mèo không tuân thủ sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng và buộc phải chấp hành việc tiêm phòng.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần phối hợp với cơ quan thú y trong trường hợp có tiến hành khảo sát lấy mẫu xét nghiệm đánh giá mức độ đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng.
Tại TP.HCM, hiện nay UBND các quận, huyện đang tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo, người dân nuôi chó, mèo. Người dân cần chi trả chi phí tiêm phòng là 23.000 đồng/liều. Riêng người dân tại 5 huyện ngoại thành, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ khi tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo chỉ phải chi trả là 12.500 đồng/liều do được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí.
Bình luận (0)