Bé 9 tuổi bị rắn độc cắn khi đang ngủ

23/10/2019 11:39 GMT+7

Bác sĩ khuyến cáo khi bị rắn cắn nếu không bắt được con rắn thì nên nhận dạng được hình dáng bên ngoài của nó để bác sĩ có thể đoán biết đó là rắn gì mà dùng huyết thanh kháng nọc phù hợp, điều trị hiệu quả.

Ngày 23.10, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận nữ bệnh nhi R.H (9 tuổi,ngụ Đắk Lắk) do bị rắn độc cắn.
Anh Y, bố bệnh nhi kể, khoảng 3 giờ sáng 18.10, khi con đang ngủ trong nhà thì rắn bò vào cắn lên chân. Bé la lên thì gia đình thức dậy, bật đèn và phát hiện con rắn nên đập chết. Gia đình lại bó chân, lấy lá đu đủ ốp vào vào vết cắn nhưng sau đó bé than mệt, tức ngực nên đưa bé lên trạm xá địa phương và chuyển lên bệnh viện tỉnh. Lúc này bé đã ngất, được đặt nội khí quản thở máy và chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Lúc nhập vào Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh nhi trong tình trạng suy hô hấp, kém tiếp xúc, yếu liệt tay chân, đồng tử giãn 4 mm hai bên. Với các dấu hiệu do gia đình kể lại, các bác sĩ nghi bệnh nhi bị rắn cạp nia cắn và đã truyền huyết thanh kháng nọc loại rắn này. Bệnh nhi đã được truyền 25 lọ huyết thanh, vẫn còn suy hô hấp nhiều nhưng ngón chân đã nhúc nhích được.
Theo bác sĩ, với tình trạng của bé, cần ít nhất 1 tháng để có thể hi vọng hồi phục. Tuy nhiên, hoàn cảnh của bé rất nghèo, bệnh viện mong các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí điều trị cho bé. 
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn cắn thì cách sơ cứu tại chỗ là rửa sạch vết thương, ga rô tĩnh mạch và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Riêng với rắn cạp nia, chỉ có một số bệnh viện lớn mới có huyết thanh kháng nọc rắn này, do đó người dân phải hết sức cảnh giác để tránh gặp nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.