Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tu Mơ Rông những ngày này quá bề bộn. Trong các phòng học, bàn ghế học sinh (HS) được kê gọn lại để người dân trải chiếu tạm ăn ở qua những ngày khó khăn. Hơn nửa tháng qua, do mưa dầm liên tục, núi bị sạt lở, nền, tường nhà và đường giao thông nứt toác, cả làng Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông) có nguy cơ đổ tuột xuống vực nên 29 hộ và khoảng 100 nhân khẩu phải tháo chạy, vào trường ở tạm. Sau đó, đến lượt trạm y tế, UBND xã Tu Mơ Rông cũng bị sạt lở, sụt lún, phải dời tạm về ngôi trường này để làm việc.
Bà Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng nhà trường, phân vân: “Đầu tháng 8, giáo viên đi vào các làng gặp phụ huynh vận động HS đến lớp. Giữa tháng 8, nhà trường ôn tập lại kiến thức cho HS và theo kế hoạch, đến 27.8 là tập trung HS về trường, sau đó tổ chức ăn ở cho HS bán trú, bắt đầu học. Vậy mà đến giờ chưa biết tính toán làm sao cho chu toàn vì HS đến lớp không có chỗ học”.
Trong khi đó, điểm Trường tiểu học làng Tu Thó, Tê Xăng (H.Tu Mơ Rông) hiện cũng được trưng dụng làm nơi ở cho hơn 500 khẩu phải di dời vì nạn lở núi nên chưa thể triển khai việc học tập cho HS.
Theo ông Lê Văn Hoàn, Trưởng phòng GD-ĐT H.Tu Mơ Rông, 2 trường nói trên không thể tổ chức học từ ngày 27.8 vì đã làm nơi tạm trú của dân. “Hiện nay huyện đang tổ chức khảo sát, làm nhà tạm để dân làng Tu Thó và làng Tu Mơ Rông đưa dân ra ở. Còn việc học ở hai nơi này, sau khi trường lớp ổn định, phòng sẽ chỉ đạo nhà trường tổ chức học bù để đuổi kịp kiến thức”, ông Hoàn nói.
Năm học mới 2018 - 2019, H.Tu Mơ Rông dự kiến có khoảng 7.600 HS từ bậc mầm non đến THCS. Hiện huyện đang thiếu rất nhiều về phòng học, phòng ăn, thiết bị dạy học, hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh tự hoại. HS bán trú một số trường vẫn phải học ở các phòng tạm, thiếu công trình vệ sinh, nước sạch, nhà ăn…
Nhiều khó khăn trong năm học mới ở Gia Lai
Tại TP.Pleiku (Gia Lai), năm học mới 2018 - 2019 phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, 4 trường mầm non, tiểu học phải sáp nhập, dôi dư hơn 20 người là hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán… Dù đã có sự chuẩn bị trước song vẫn khá nan giải khi phải sắp xếp, bố trí lại công việc cho những nhân lực dôi dư này. Ngoài ra, số HS lớp 1 và 6 trên địa bàn TP.Pleiku tăng mạnh.
Khó khăn nhất là Trường tiểu học Ia Phí, H.Chư Pah. Với 1 trường chính và 7 điểm trường, các thầy cô phải vào tận vùng sâu, vùng xa để đưa con chữ đến với HS. Trường có gần 600 HS, đa số là người dân tộc thiểu số Jrai và có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em đến trường với manh áo rách, mùa đông không đủ ấm. Bộ đồng phục cho các em vào năm học mới là cả một sự xa xỉ.
Trần Hiếu
|
Bình luận (0)