Ngày 23.2, bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Hồng Phúc, Phó trưởng khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết bé H. bị bỏng nặng do cồn, hiện bé được các y bác sĩ tích cực điều trị. Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhi trong tình trạng sốc, bỏng nặng vùng đầu, ngực, đùi, mông và hai tay.
Sau khi được chống sốc, truyền dịch, vận mạch tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi tiếp tục được các y bác sĩ theo dõi tích cực.
Khai thác bệnh sử, gia đình nạn nhân cho biết, tại thời điểm xảy ra sự cố, bé H. đang chơi với bạn ở sau nhà, gia đình không chứng kiến vụ việc. Khi phát hiện lửa cháy và bén vào người bé, mọi người lập tức dập lửa và nhanh chóng đưa bé vào cơ sở y tế gần nhà sơ cứu trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bác sĩ Phúc cho biết, cồn là chất dễ cháy, dễ bắt lửa. Hiểm họa cháy nổ do cồn gây ra rất nghiêm trọng. Bỏng do cồn là một trong những tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ nhỏ, xảy ra khi trẻ sử dụng các chất hóa học, thích khám phá, tìm hiểu và thử nghiệm.
Phụ huynh cần chú ý và cảnh giác đối với các hóa chất có thể gây cháy nổ, gây bỏng. Cần để xa tầm với của trẻ để đảm bảo an toàn cho các em và tránh được những sự cố đáng tiếc do bỏng gây ra.
Những điều nên và không nên khi sơ cứu trẻ bỏng
Bác sĩ Phúc khuyến cáo khi phát hiện trẻ bị bỏng:
- Phụ huynh nên bình tĩnh và đưa trẻ ra khỏi khu vực gây bỏng.
- Loại bỏ quần áo hoặc vật dụng gây bỏng nếu có thể nhưng không cố gắng kéo ra nếu chúng bám vào da.
- Làm mát vết bỏng bằng cách đưa chỗ bỏng vào vòi nước đang chảy với áp lực vừa phải khoảng 15 phút. Không sử dụng đá hoặc nước đá lạnh trực tiếp lên vùng da bỏng.
- Sử dụng gạc, khăn hoặc vải sạch để choàng lại vết thương, phòng ngừa nhiễm khuẩn và giảm đau.
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục sơ cứu và điều trị. Trong thời gian đó, hãy giữ ấm cho trẻ bằng cách che chắn hoặc đắp thêm chăn mền.
Lưu ý trong khi sơ cứu vết bỏng, chúng ta nên tránh sử dụng các loại thuốc dân gian, mỡ trăn, nước mắm hay kem đánh răng, vì nó có thể gây nhiễm trùng và kéo dài quá trình điều trị.
Bình luận (0)