Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM vừa tiếp nhận bé gái N.Y.V (20 tháng, ngụ An Giang) trong tình trạng bị bỏng nước sôi toàn bộ da đầu, trước ngực, bụng, hai tay, đùi trái và vùng sinh dục.
Gia đình bé cho biết, trong lúc chạy chơi trong nhà, bé vướng phải dây điện ấm đun siêu tốc làm cho nước sôi đổ ra ập thẳng vào người bé. Sau khi được sơ cứu tại BV địa phương, bé V. được chuyển thẳng lên BV Nhi đồng TP cấp cứu.
Bác sĩ cho biết bé bị bỏng 30% diện tích toàn thân, vết bỏng nhiễm trùng nặng.
Ngoài ra, bé sốt cao liên tục và có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân, tiên lượng bệnh nặng.
Bệnh nhi được xử trí vết bỏng, cắt lọc, loại bỏ dị vật vảy da, vảy tiết trên cơ thể, vệ sinh diện bỏng, băng toàn bộ diện bỏng cho bé, đồng thời truyền dịch chống sốc, cho thuốc kháng sinh, vận mạch và giảm đau tích cực cho bé.
Hiện tại sức khỏe toàn trạng bé đã qua cơn nguy kịch, bé đang được theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực.
Theo bác sĩ, bỏng nước sôi là một hình thức bỏng nhiệt, gây đau rát và để lại những tổn thương đau đớn, tỷ lệ tử vong rất cao. Chỉ cần bỏng 3% (diện tích bỏng bằng vài ngón tay), nếu không điều trị kịp thời và đúng cách cũng có thể khiến vết bỏng bị nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh phải tuyệt đối thận trọng khi chăm sóc trẻ; không treo hoặc để bất kỳ vật dụng nào phía trên vị trí đặt nôi hoặc giường cho bé nằm; không để phích nước sôi, ổ cắm điện trong tầm tay của trẻ.
Với những bé đã biết đi, tuyệt đối không cho xuống khu vực bếp nấu ăn vì lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa khó lường đối với trẻ.
Cách chăm sóc vết bỏng tại chỗ
Theo bác sĩ, khi trẻ chẳng may bị bỏng, hãy bình tĩnh nhanh chóng đưa bé đến ngay vòi nước trong nhà xối rửa nhiều nước (không xối nước đá hoặc nước lạnh) nhằm mục đích sẽ làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước và sẽ bớt đau, sẽ giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng. Sau đó đưa bé đến các cơ sở y tế để điều trị.
|
Bình luận (0)