Đài CNA ngày 25.10 đưa tin một số thành phố ở Trung Quốc tổ chức bắt chó thả rông và quảng bá việc nuôi chó văn minh, sau khi một bé gái 2 tuổi bị một con chó Rottweiler thả rông tấn công.
Động thái này dẫn đến những đồn đoán trên mạng về một đợt tiêu hủy chó, khiến nhiều cư dân mạng lên tiếng.
Vụ bé gái bị tấn công được camera an ninh ghi lại hôm 22.10 và "gây bão" trên mạng. Bé gái bị một con chó Rottweiler to lớn tấn công khi vừa đến một khu dân cư cùng mẹ.
Người mẹ tìm cách che chắn cho đứa con trong tuyệt vọng và cũng bị kéo đi, trong khi một nhân viên lao công cố gắng dùng chổi nhưng không đuổi được con chó đi. Tại hiện trường còn có sự xuất hiện của một con chó Labrador.
Sau đó, một người khác dùng chổi đuổi 2 con chó đi nơi khác, trong khi người mẹ ngồi trên mặt đất ôm con khóc.
Cảnh sát tại thành phố Sùng Châu (tỉnh Tứ Xuyên) hôm 23.10 ra thông cáo cho hay đứa trẻ bị thương nhiều nơi và được đưa đến bệnh viện ngay sau đó. Nạn nhân còn bị rách thận phải và gãy xương sườn.
Cơ quan chức năng đã bắt giữ 2 con chó và tạm giữ chủ của con Rottweiler, một cư dân địa phương mà theo lời hàng xóm là một người họ Đường. Truyền thông địa phương đưa tin 2 con chó được giữ ở sân nhà người này và đã thoát ra sau khi có người quên đóng cổng. Người chủ đã đi tìm nhưng không thấy.
Sau sự việc, nhiều thành phố ở Sơn Đông, Giang Tây và Hồ Bắc ra thông báo về việc bắt giữ chó thả rông và sẽ tiêu hủy nếu không có người nhận nuôi.
Một số cư dân mạng lên Weibo đăng hình cho rằng lực lượng bảo vệ tại các khu dân cư của họ bắt đầu giết chó thả rông và vứt xác vào thùng rác. Thông tin này khiến nhiều người kêu gọi áp dụng các biện pháp nhân văn hơn, như cho nhận nuôi hoặc thiến.
Các nhân viên quản lý đô thị và thực thi pháp luật ở các tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên và An Huy phát dây xích miễn phí cho người dân địa phương, kèm các tài liệu về đăng ký và tiêm phòng cho vật nuôi của họ.
Vụ chó tấn công bé gái dẫn đến nhiều ý kiến trên mạng. Một khảo sát của trang Jiupai News cho thấy 33% người tham gia nói rằng nên tiếp tục tiêu hủy chó trên cả nước, trong khi 47% nói rằng lỗi là ở chủ chứ không phải con vật.
Theo tờ South China Morning Post, các thành phố tại Trung Quốc có những quy định riêng về đăng ký và nuôi thú cưng, dù việc thực thi còn lỏng lẻo và thường gây mâu thuẫn giữa chủ nuôi và những cư dân khác.
Tại một số nơi, cơ quan chức năng đã áp dụng chính sách nghiêm ngặt hơn về việc nuôi chó. Năm 2019, quận Thông Châu ở Bắc Kinh cấm người dân nuôi chó cao hơn 35 cm. Người vi phạm phải chuyển chó đi nơi khác trong vòng 3 ngày, nếu không sẽ bị tịch thu.
Bình luận (0)